Hiệp hội Du lịch tỉnh vừa cho ra mắt du khách một sản phẩm du lịch độc đáo của xứ trà thơm, đó là cuốn sách “Ai đem giăng sáng giãi trên đồi chè”, do Nhà xuất bản Đại học Thái Nguyên ấn hành.
“Ai đem giăng sáng giãi trên đồi chè”- tên cuốn sách là một câu thơ tuyệt đẹp của nhà thơ chân quê Nguyễn Bính mà mỗi lần đọc lại thấy bồi hồi. Với gần 300 trang, sách bố cục theo trục thời gian, không gian, thuận tiện để du khách lựa chọn những thông tin cần thiết cho hành trình khám phá xứ trà qua từng phần: Vương vấn bóng dáng tiền nhân; Những miền quê yêu dấu; gửi tình về xứ Thái; cảnh sắc quê tôi; đượm mãi vị trà Thái.
Khi cầm cuốn sách trên tay, lật giở từng trang trong vương vấn bóng dáng tiền nhân, du khách sẽ “biết những điều chưa biết”: Rằng Thái Nguyên không chỉ là đất Trà mà Thái Nguyên còn là quê hương của vị Hoàng đế đầu tiên của dân tộc Việt – Lý Nam Đế. Rằng ít người biết vùng quê “nửa đồng, nửa núi” này là nơi Đại thi hào Nguyễn Du, cha đẻ của Truyện Kiều đã có những năm tháng làm quan tuy không dài nhưng ung dung, tự tại. Đặc biệt là câu chuyện về bậc tiền nhân khai mở Tân Cương, lặn lội mang cây chè từ Phú Thọ về miền đất lành để hôm nay trà tỏa hương mời gọi.
Khép lại thông tin về người xưa trên đất Thái, du khách tiếp tục khám phá những miền quê yêu dấu qua từng con chữ. Bắt đầu từ thành phố Thái Nguyên, thành phố thép. Được dòng sông Cầu nước chảy lơ thơ ôm trọn trong lòng, thành phố bên sông chưa bao giờ ngơi nghỉ đã và đang kiến tạo một thành phố thơ mộng và năng động. Đến thành phố thép ghé vào Tân Cương, du khách bước vào một không gian văn hóa trà đặc biệt rồi “qua núi Cốc đem lòng thương nhau” bởi điểm du lịch này đã được “ghi thành câu hát giữ lại mai sau…”.
Không chỉ được trải nghiệm với những nương chè Tân Cương, bồng bềnh với thuyền trôi trên núi Cốc, du khách sẽ được khám phá từng miền quê nắng ngọc của đất Thái, đó là Đại Từ, Đồng Hỷ, Sông Công, Võ Nhai, Định Hóa. Ở mỗi miền quê, điều lắng đọng lại là tình người nồng hậu, là những nét văn hóa đặc sắc mơ màng, là sản vật địa phương mà du khách “một lần trót nếm cả đời khó quên”.
Cũng là “gói đất trời trong những lá dong xanh” nhưng bánh chưng bờ Đậu (Đại Từ) bao năm nay đã chiếm trọn cảm tình của khách gần xa bởi vẫn là gạo nếp, đỗ xanh, thịt ba chỉ nhưng dưới bàn tay của người dân xứ Thái, bánh chưng có hương vị đặc biệt. Gạo nếp làm bánh là đặc sản của núi rừng Định Hóa. Lá dong gói bánh là loại lá nếp dày, bản rộng, xanh mướt. Lạt gói bánh chẻ từ cây giang của vùng núi đá, đậu xanh làm nhân là đỗ quê đều hạt, vỏ mỏng, lòng vàng. Nước luộc bánh là nước suối trên núi sau làng, thứ nước trời cho trong vắt giúp chiếc bánh giữ nguyên được màu xanh lá dong và tạo nên mùi thơm đậm đà hòa quyện.
“Ai đem giăng sáng giãi trên đồi chè”- cuốn sách tuyển chọn những tác phẩm văn học nghệ thuật, báo chí đặc sắc về mảnh đất, con người và văn hóa trà Thái Nguyên nên khi du khách cầm trên tay, lật giở từng trang sẽ mường tượng ra một Thái Nguyên bí ẩn mà thân quen, hòa nhập không hòa tan, hội tụ và tỏa sáng. Cuốn sách cũng là tri thức gốc, là nền tảng để các văn nghệ sĩ tiếp tục sáng tạo lâu dài. Vậy thì còn chần chờ gì nữa, bạn hãy lật giở từng trang sách, để đất và người xứ trà lần lượt được gọi tên.
Nguồn: https://baothainguyen.vn/van-hoa/202412/ai-dem-trang-sang-giai-tren-doi-che-mot-san-pham-du-lich-doc-dao-70212b0/