Chúng tôi có mặt ở Trường Sa – phần máu thịt thiêng liêng của Tổ quốc, nơi Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng gọi là “mảnh đất xa xôi, chập chờn trên sóng gió Biển Đông” vào những ngày Xuân Ất Tỵ 2025 cận kề. Đặt chân vào nhà truyền thống trên đảo, chúng tôi thấy tự hào và xúc động nghẹn ngào khi đọc dòng chữ trích câu nói của anh hùng liệt sĩ Thiếu úy Trần Văn Phương, hy sinh tại đảo Gạc Ma, trong sự kiện ngày 14/3/1988: “Thà hy sinh chứ không chịu mất đảo. Hãy để cho máu của mình tô thắm lá cờ truyền thống của Quân chủng Hải quân”.
Bàn kế hoạch tác chiến tại quần đảo Trường Sa. |
Tiếng vọng về từ biển cả
Buổi sáng đầu tiên đặt chân lên đảo Trường Sa, chị Nguyễn Thị Thu Hiền, Đài PT-TH tỉnh Bắc Ninh, mặc áo cờ đỏ sao vàng, cầm lá cờ Tổ quốc tung bay, chụp ảnh dưới cột mốc chủ quyền của dân tộc. Chị chia sẻ: Vinh dự khi được có mặt ở Trường Sa, tôi càng yêu hơn, tự hào hơn về một Việt Nam vững vàng nơi đầu sóng. Đến mảnh đất thiêng này, tôi cũng trân trọng hơn những hy sinh của bao thế hệ đi trước đã cho chúng ta có một nền độc lập, hòa bình như hôm nay. Càng thấy mình phải có ý thức trách nhiệm sống tốt hơn, cống hiến nhiều hơn, góp phần xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp.
Chị Nguyễn Thị Thu Hiền, Đài PT-TH tỉnh Bắc Ninh, hạnh phúc chụp ảnh dưới cột mốc chủ quyền của dân tộc. |
Không riêng chị Hiền mà cả đoàn cán bộ, phóng viên của chúng tôi khi đến thăm, tác nghiệp tại quần đảo Trường Sa đều thích thú ngắm nhìn và chụp ảnh nhiều nhất ở những cột mốc chủ quyền của dân tộc, như khắc ghi từng vĩ độ, kinh độ vào tâm khảm. Trong gió biển lồng lộng, chúng tôi nghe âm vang lời sóng vỗ từ biển cả, kể lại khúc tráng ca lịch sử.
Cán bộ chiến sĩ thực hiện tuần tra trên biển ở quần đảo Trường Sa. |
Đó là sự kiện lực lượng Quân chủng Hải quân Việt Nam đã thần tốc, táo bạo, bất ngờ, tranh thủ thời cơ tấn công và giải phóng các đảo thuộc quần đảo Trường Sa cách đây 50 năm trước. Theo đó, vào rạng sáng 14/4/1975, lực lượng của Đội 1 đặc công Hải quân cùng một bộ phận lực lượng đặc công Quân khu 5 bí mật tiếp cận đảo Song Tử Tây và giải phóng đảo này sau 30 phút chiến đấu. Sau đó, lần lượt các đảo Sơn Ca, Sinh Tồn, Trường Sa, Nam Yết… và toàn bộ quần đảo Trường Sa được giải phóng vào ngày 29/4/1975. Chiến công hiển hách này đã trở thành một mốc son lịch sử, góp phần to lớn vào thắng lợi trọn vẹn, vĩ đại của dân tộc trong Đại thắng mùa Xuân 1975.
Thượng tá Hoàng Tiến Điệp, Chính trị viên, Chủ tịch UBND thị trấn Trường Sa: Nghe những câu chuyện về lịch sử cha ông chiến đấu gìn giữ vùng biển, đặc biệt là tấm gương các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh để bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, đội ngũ cán bộ chiến sĩ chúng tôi lại càng cảm thấy niềm vinh dự, tự hào. Mỗi cán bộ chiến sĩ khi thực hiện nhiệm vụ nơi đầu sóng ngọn gió, với một quyết tâm cao nhất, vượt mọi khó khăn, thử thách để bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Thực hiện nhiệm vụ canh gác, tuần tra tại Trường Sa là niềm vinh dự, tự hào của mỗi người lính trẻ. |
Lắng nghe những giọt Xuân tí tách trên đảo nhỏ, mắt xoay theo cánh hải âu lượn trước sóng, tôi nhớ đến cuộc trò chuyện với Trung úy Trần Văn Hoàng, ở đảo Đá Tây. Khi trả lời câu hỏi của tôi có nhớ Tết đoàn viên ở đất liền không, anh vui vẻ nói: Tết đến, ai cũng muốn ở bên gia đình người thân. Song vì nhiệm vụ, vì trách nhiệm và lời thề thiêng liêng với Tổ quốc, càng trân trọng những thành quả do máu xương của cha ông để lại nên anh em chúng tôi vẫn quyết tâm bám biển, bám đảo, thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.
Pháo đài sừng sững giữa biển khơi
Ngắm nhìn những hàng cây xanh ngát như vòng tay của đất mẹ dịu dàng che bóng mát cho mọi người trên quần đảo Trường Sa, tôi được Thượng tá Mai Quang Tiên, Phó Chính ủy Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân, cho biết: Trường Sa là máu thịt của Tổ quốc nên nhiệm vụ quan trọng hàng đầu được Lữ đoàn chỉ đạo các đơn vị thực hiện là bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo quê hương. Để làm được điều này, mỗi cán bộ, chiến sĩ của lữ đoàn đã luôn đoàn kết, giữ nghiêm kỷ luật, tác phong quân đội, tăng cường huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu. Đặc biệt là đơn vị luôn đoàn kết, gắn bó sắt son với bà con nhân dân trên đảo, là điểm tựa vững chãi để mỗi ngư dân bám biển.
Ngọn hải đăng An Bang – biểu tượng trên biển Đông khẳng định chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. |
50 năm sau ngày giải phóng, quân và dân trên quần đảo Trường Sa hôm nay đang tiếp tục gìn giữ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, cùng nhau xây dựng huyện đảo ngày càng giàu đẹp như lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh với Bộ đội Hải quân ngày 15/3/1961: “Ngày trước, ta chỉ có đêm và rừng. Ngày nay ta có ngày, có trời, có biển. Bờ biển ta dài, tươi đẹp, ta phải biết giữ gìn lấy nó…”.
Lễ trao quyết định về công tác cán bộ ở Trường Sa. |
Đến với quần đảo tiền tiêu, chúng tôi thấy có một Trường Sa đầy nắng gió mặn mòi vị biển với biết bao cam go và thử thách, song cũng có một Trường Sa với sức sống mới mạnh mẽ đang đơm hoa, kết trái ngọt được xây đắp bởi bàn tay và khối óc của quân dân trên đảo. Quần đảo linh thiêng không chỉ vững về phòng thủ, mà còn tốt về lối sống, đẹp về cảnh quan môi trường, mẫu mực về đoàn kết quân dân, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Nhịp sống bình yên trên đảo Đá Tây. |
Chỉ huy trưởng Đảo đá đông A, Thiếu tá Đào Quốc Tuấn: Chúng tôi luôn duy trì nghiêm công tác huấn luyện và chế độ trực sẵn sàng chiến đấu tuần tra canh gác bảo vệ an toàn mục tiêu đảm nhiệm nhất là vào ban đêm, thời tiết xấu. Qua kết quả kiểm tra, đánh giá của cấp trên, đơn vị đều đạt huấn luyện loại khá giỏi. Các cán bộ, chiến sĩ đều vững vàng ý chí, tích cực hoàn thành tốt nhiệm vụ xây dựng đảo ngày càng vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức.
Không chỉ đảo Đá Đông mà ở 20 đảo, điểm đảo còn lại ở Trường Sa đã hoàn thành tốt nhiệm vụ giữ vững từng tấc đảo, sải biển của dân tộc, xây dựng các đảo trở thành những pháo đài sừng sững giữa biển khơi, như lời tuyên bố chắc nịch về chủ quyền của dân tộc Việt Nam.
Phóng viên Báo Thái Nguyên cùng chiến sĩ ở đảo Đá Đông đọc báo Thái Nguyên. |
Phóng viên Báo Thái Nguyên tặng báo Xuân cho chiến sĩ ở quần đảo Trường Sa. |
Đoàn cán bộ, phóng viên tặng quà quân và dân trên đảo Trường Sa nhân dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025. |
Chia tay Trường Sa khi hơi Xuân đang lan tỏa khắp không gian, chúng tôi xốn xang lắng nghe lời hô của quân, dân chào đoàn công tác về đất liền: “Trường Sa vì Tổ quốc”. Và không ai bảo ai, mọi người đứng trên boong tàu, đồng thanh hô đáp lại: “Tổ quốc vì Trường Sa”. Nói lời tạm biệt Trường Sa, đồng thời chúng tôi cũng nói lời chào năm mới thật tự hào, kiêu hãnh, cùng lời chúc tốt đẹp nhất tới những người lính hải quân đang ngày đêm canh gác, bảo vệ cho một Việt Nam xinh tươi, hiên ngang, bất khuất giữa trùng khơi. Nâng niu trên tay những mầm xanh, nhựa sống hòa bình, hạnh phúc, chúng tôi kính cẩn nghiêng mình, biết ơn những hy sinh thầm lặng của bao cha ông ta đi trước, để triệu triệu con dân đất Việt đón một mùa Xuân mới tươi vui trong độc lập, tự do hôm nay và mãi mãi về sau…
Đoàn cán bộ, phóng viên chụp ảnh lưu niệm trước cột mốc chủ quyền dân tộc tại đảo Trường Sa. |
Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân còn được gọi với cái tên Lữ đoàn Trường Sa được thành lập ngày 8/5/1978. Trải qua 47 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, Lữ đoàn đã luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, tích cực xây dựng huyện đảo Trường Sa mạnh về phòng thủ, tốt về lối sống, đẹp về cảnh quan môi trường, mẫu mực về đoàn kết quân, dân, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Lữ đoàn đã vinh dự được phong tặng danh hiệu Đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Nhiều tập thể, cá nhân của Lữ đoàn được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, được tặng thưởng Huân chương Chiến công, Quân công các hạng…
|
(Hết)
Nguồn: https://baothainguyen.vn/quoc-phong-an-ninh/202501/xuan-som-tren-quan-dao-truong-sa-bai-5-to-quoc-linh-thieng-noi-dau-song-d950879/