Do giá bò thịt thấp, trong đó có giống bò 3B, anh Dương Văn Hồng, Giám đốc HTX Chăn nuôi bò Nga My, xã Nga My, huyện Phú Bình (tỉnh Thái Nguyên) đã tìm tòi, học hỏi và chế biến thịt bò thành các sản phẩm chuyên sâu để đưa ra thị trường. Đến nay, HTX của anh đã có 3 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 3 sao.
Cái khó ló cái khôn của nông dân bò 3B
Từ chỗ kinh tế gia đình khó khăn, anh Dương Văn Hồng (xóm Phú Xuân, xã Nga My, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên) đã phải bươn trải với nhiều công việc khác nhau.
Chia sẻ với PV Dân Việt, anh Hồng cho biết: “Tôi vốn sinh ra trong gia đình có hoàn cảnh khó khăn, nhà có hai mẹ con nên mẹ tôi đã rất vất vả để nuôi tôi khôn lớn. Lớn lên do kinh tế gia đình eo hẹp nên tôi phải nghỉ học sớm để cùng mẹ bươn trải lo toan cuộc sống gia đình”.
Sau khi trải qua nhiều công việc khác nhau mà thu nhập vẫn không cải thiện, năm 2010 tôi quyết định đầu tư chăn nuôi lợn.
Nhưng rồi dịch bệnh triền miên, giá cả bấp bênh khiến chăn nuôi ngày càng thua lỗ, năm 2019 anh Hồng quyết định chuyển hướng sang chăn nuôi bò 3B.
Năm 2022, trên cơ sở được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thái Nguyên triển khai mô hình “Chăn nuôi vỗ béo bò thịt, xử lý môi trường bằng chế phẩm sinh học kết hợp trồng ngô sinh khối”, anh Hồng cùng các hộ chăn nuôi bò tại địa phương đã đăng ký tham gia.
Gia đình anh Dương Văn Hồng – Giám đốc HTX Chăn nuôi bò và dịch vụ sản xuất nông nghiệp Nga My, xã Nga My, huyện Phú Bình (tỉnh Thái Nguyên) hiện có 50 con bò 3B. Ảnh: Kiều Hải
Cũng trong năm 2022, được sự định hướng của chính quyền địa phương, anh Hồng đã liên kết cùng các hộ dân chăn nuôi trong vùng để thành lập HTX Chăn nuôi bò và dịch vụ sản xuất nông nghiệp Nga My với tất cả 35 thành viên.
Năm 2023 khi giá bò xuống thấp, anh Hồng đã tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm ở nhiều nơi sau đó quyết định đầu tư xây dựng nhà xưởng với quy mô 300m2, chi phí hơn 1 tỷ đồng rồi bắt tay vào chế biến các sản phẩm chuyên sâu từ nguyên liệu bò và lợn của HTX để đưa ra thị trường như: Thịt bò sấy khô, xúc xích bò, xúc xích lợn, giò bò, giò lợn, dăm bông bò, dăm bông lợn, mộc viên bò, chả nướng…
Năm 2024, HTX Chăn nuôi bò và dịch vụ sản xuất nông nghiệp Nga My đã có 3 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3 sao. Ảnh: Kiều Hải
Tuy nhiên, ban đầu để cạnh tranh giá cả các sản phẩm đã qua chế biến với thị trường tương đối khó khăn do nhiều mặt hàng tương tự có giá bán thấp hơn. Nhưng anh Hồng đã dần khẳng định bằng chất lượng sản phẩm của đơn vị mình và khách hàng cũng dần đón nhận.
Đến nay, sản phẩm của HTX đã đưa vào một số siêu thị trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên như: Pado mart, Dũng Minh, Kim Ngân, Hoàng Ngân…
Hiện nay, HTX đang có quy mô chăn nuôi gần 500 con bò 3B thương phẩm, trong đó, riêng gia đình anh Hồng đang chăn số lượng 50 con.
Ngoài xuất bán thịt hơi, HTX còn có 14 sản phẩm được chế biến chuyên sâu từ thịt lợn và thịt bò. Năm 2024, HTX tiếp tục mở rộng quy mô, tăng số lượng vật nuôi, xây dựng thương hiệu OCOP cho 3 sản phẩm thịt bò sấy khô, dăm bông bò và giò bò.
Hiện, HTX đang có 14 sản phẩm khác nhau được chế biến từ thịt bò và lợn. Ảnh: Kiều Hải
Trung bình mỗi tháng, HTX Chăn nuôi bò và dịch vụ sản xuất nông nghiệp Nga My sản xuất và bán ra thị trường khoảng 1 tấn sản phẩm các loại với số lượng đơn đặt hàng ngày càng tăng.
Định hướng sản xuất nông nghiệp tuần hoàn
Bên cạnh đó, anh Hồng chia sẻ, HTX có định hướng sẽ tiến tới mô hình nông nghiệp tuần hoàn khép kín. Cụ thể, với nguồn phân bò thải ra trong quá trình chăn nuôi, HTX sẽ sử dụng để nuôi giun trùn quế vừa giúp giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường.
Nguồn phân sau đó một phần sẽ được tận dụng để bón cho cây trồng, một phần được bán cho các HTX, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh mang về thêm thu nhập tương đối lớn. Từ đầu năm đến nay, HTX xuất bán ra khoảng gần 100 tấn phân bò đã qua xử lý mang về số tiền gần 200 triệu đồng.
Đối với giun trùn quế sẽ được ủ men vi sinh rồi phối trộn với thức ăn chăn nuôi để chăn bò và lợn rất hiệu quả, vừa giúp giảm chi phí lại giúp vật nuôi lớn nhanh do hàm lượng chất dinh dưỡng trong giun trùn quế rất cao.
HTX nuôi giun trùn quế để xử lý nguồn phân bò thải ra nhằm giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường. Ảnh: Hà Thanh.
“Lúc ban đầu để vận động bà con chăn nuôi bò làm theo mô hình tuần hoàn hết sức khó khăn, đòi hỏi cả một quá trình, nhưng khi họ đã thấy hiệu quả từ mô hình mang lại thì họ lại tự nguyện xin vào HTX để làm cùng”, anh Hồng cho biết.
Tới đây, anh Hồng dự định sẽ tiếp tục chăn nuôi lợn hương bằng bột trà xanh để có nguồn nguyên liệu thịt lợn sạch, chất lượng phục vụ cho chế biến sản phẩm của HTX.
Hiện nay, theo anh Hồng, HTX vẫn thực hiện bao tiêu sản phẩm cho các hộ dân liên kết nếu giá cả xuống thấp, tuy nhiên để được HTX thu mua bò với giá cao hơn thị trường đòi hỏi các hộ phải thực hiện chăn nuôi theo đúng quy trình mà HTX đề ra.
Với mô hình sản xuất như hiện nay, HTX đang tạo việc làm thường xuyên cho 4 lao động tại xưởng chế biến và 2 lao động chăn nuôi bò với thu nhập trung bình 9 triệu đồng/người/tháng.
nguồn: https://danviet.vn/bo-3b-gia-ban-thap-mot-htx-o-thai-nguyen-che-bien-ra-cac-mon-gi-ma-dat-sao-ocop-20250101162157168.htm