Sáng 24-12, đồng chí Đoàn Hồng Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Thanh tra Chính phủ, chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 5 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng. Dự Hội nghị tại điểm cầu Thái Nguyên có lãnh đạo Thanh tra tỉnh và đại diện các sở, ban, ngành liên quan.
Các đại biểu dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Thái Nguyên. |
Hội nghị đã đánh giá khách quan, toàn diện những kết quả đạt được qua 5 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN); đồng thời làm rõ những bất cập, khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện các quy định của Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Sau 5 năm (2020-2024) thi hành Luật PCTN cho thấy, các quy định của Luật đã tạo hành lang pháp lý đầy đủ hơn, đáp ứng được những yêu cầu nhất định của cuộc đấu tranh PCTN trong tình hình mới. Công tác PCTN được thực hiện quyết liệt theo chủ trương “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”.
Trong 5 năm có 264 người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu bị xử lý kỷ luật do thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng; 73 người bị xử lý hình sự do thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng. Tòa án nhân dân cấp tỉnh và cấp huyện trong cả nước đã thụ lý xét xử sơ thẩm 2.932 vụ án, 7.583 đối tượng về 7 tội danh tham nhũng. Đến nay có 149 vụ án với 396 bị cáo đã khắc phục hậu quả, nộp lại tiền và tài sản đã chiếm đoạt, với tổng số hơn 222 tỷ đồng…
Đối với tỉnh Thái Nguyên, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, đôn đốc, triển khai thực hiện Luật PCTN đến các cơ quan đơn vị, địa phương. Trong 5 năm, qua thanh tra đột xuất, tỉnh phát hiện 1 vụ việc dấu hiệu tội phạm về tham nhũng và chuyển hồ sơ vụ việc sang Cơ quan điều tra để khởi tố vụ án, khởi tố bị can theo quy định; Chủ tịch UBND tỉnh ban hành 4 quyết định xử lý đối với cán bộ vi phạm; 2 quyết định xử lý trách nhiệm người đứng đầu do để cấp phó có hành vi vi phạm pháp luật…
Tại Hội nghị, các đại biểu tham luận một số nội dung liên quan đến thi hành Luật PCTN và thực hiện công tác PCTN, trong đó tập trung làm rõ những hạn chế: tình trạng tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp, cả về số lượng tài sản tham nhũng và chức vụ, quyền hạn của người có hành vi tham nhũng; tỉ lệ thu hồi tài sản tham nhũng, thất thoát vẫn còn thấp… Từ đó đề xuất các nội dung cần sửa đổi, bổ sung nhằm khắc phục kịp thời những bất cập, khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn công tác PCTN.
Trong thời gian tới, các cơ quan, đơn vị, địa phương trong cả nước sẽ tiếp tục quan triệt và thực hiện các chỉ thị, nghị quyết, quy định của Đảng, pháp luật của nhà nước về PCTN; kiên quyết, kiên trì đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực; kết hợp chặt chẽ giữa tích cực phòng ngừa với chủ động phát hiện, xử lý nghiêm minh, kịp thời những hành vi tham nhũng, tiêu cực, bao che, dung túng, tiếp tay cho tham nhũng, can thiệp, cản trở việc chống tham nhũng, tiêu cực…
Nguồn: https://baothainguyen.vn/chinh-tri/202412/ca-nuocthu-hoi-222-ty-dong-tai-san-tham-nhung-0890d4c/