Cùng với đà tăng trưởng xuất khẩu của cả nước, tình hình xuất khẩu hàng hóa trên địa bàn tỉnh tiếp tục là điểm sáng trong “bức tranh” kinh tế thời gian qua. Kết quả này cho thấy sự nỗ lực, quyết tâm vượt khó của cộng đồng doanh nghiệp, sự đồng hành, hỗ trợ tích cực của các cấp, ngành chức năng trong việc triển khai các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu.
Chế biến sâu tinh quặng xuất khẩu tại Công ty TNHH Khai thác Chế biến khoáng sản Núi Pháo. |
Năm 2024, tỉnh Thái Nguyên phấn đấu giá trị xuất khẩu hàng hóa đạt trên 29,3 tỷ USD. Chỉ tính riêng trong tháng 11 vừa qua, kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn tỉnh đạt gần 2 tỷ USD, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm trước.
Dự ước năm 2024, giá trị xuất khẩu hàng hóa của tỉnh đạt 27,5 tỷ USD, bằng 94,1% kế hoạch năm và tăng 7,2% so với cùng kỳ. Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới và trong nước vẫn diễn biến phức tạp, còn nhiều khó khăn thì kết quả này là rất đáng ghi nhận.
Đáng chú ý, giá trị xuất khẩu hàng hóa của khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trên địa bàn tỉnh trong năm 2024 ước đạt 26,8 tỷ USD, tăng 7,5% so với cùng kỳ. Trong đó đóng góp chủ yếu là nhóm mặt hàng điện thoại thông minh, máy tính bảng, linh kiện điện tử và phụ tùng khác (ước đạt 25,7 tỷ USD, tăng 10% so với cùng kỳ).
Cùng với các mặt hàng của doanh nghiệp (DN) FDI, nhiều nhóm sản phẩm chủ lực của các DN trong tỉnh cũng tăng trưởng mạnh mẽ, cụ thể như: Giấy và các sản phẩm từ giấy ước đạt 4,1 triệu USD, tăng 5,2% so với cùng kỳ; phụ tùng vận tải đạt 7,2 triệu USD, tăng 3,9%; sản phẩm may ước đạt 523,6 triệu USD, tăng 2,5%…
Bà Nguyễn Thị Minh Hường, Trưởng Phòng Xuất nhập khẩu (Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG), cho biết: Từ giữa năm 2024, Công ty đã ký đủ đơn hàng may xuất khẩu đến hết năm. Các chi nhánh may hoạt động với công suất tối đa để đáp ứng tiến độ giao hàng theo kế hoạch. Tính đến đầu tháng 12, doanh thu của Công ty ước đạt 7.700 tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế đạt 310 tỷ đồng, tăng 38% (bằng 100% kế hoạch).
Hoạt động xuất khẩu khởi sắc là do tình hình lạm phát tại nhiều quốc gia trên thế giới có xu hướng giảm. Nhiều đối tác xuất khẩu chính của các DN trong tỉnh đã giảm lượng hàng tồn kho, tăng sức mua vào dịp cuối năm cũng như các mùa lễ hội lớn.
Bên cạnh đó, các DN xuất khẩu trên địa bàn tỉnh (gồm cả DN khu vực FDI và DN trong nước) đều có sự chuẩn bị kỹ lưỡng ngay từ thời điểm còn khó khăn để sẵn sàng đón nhận cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu khi nhu cầu trên thế giới tăng trở lại trong năm nay. Cụ thể như nhiều DN nỗ lực tìm cách đa dạng hóa sản phẩm, cơ cấu lại thị trường xuất khẩu…
Ông Nguyễn Viết Hạnh, Giám đốc Công ty CP may Thành Hưng, cho biết: Năm nay, Công ty tập trung tái cơ cấu thị trường xuất khẩu. Cùng với duy trì các thị trường truyền thống, Công ty còn mở rộng thị trường xuất khẩu sang Nga, Hàn Quốc và một số nước châu Á. Tính đến cuối tháng 11-2024, doanh thu của Công ty đạt trên 4,5 triệu USD, bằng 100% kế hoạch năm và tăng trên 10% so với cùng kỳ. Công ty bảo đảm việc làm và các chế độ theo quy định cho gần 300 lao động, với mức thu nhập từ 9-13 triệu đồng/người/tháng.
Để đồng hành, hỗ trợ các doanh nghiệp, các cấp, ngành của tỉnh chú trọng cải cách thủ tục hành chính. Trong ảnh: Hoạt động tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Thái Nguyên. Ảnh: Tư liệu |
Cùng với sự nỗ lực từ phía DN, các ngành chức năng của tỉnh tích cực triển khai nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ nâng cao giá trị xuất khẩu, như: Tăng cường cải cách thủ tục hành chính; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối giao thương trong và ngoài nước để quảng bá, giới thiệu các sản phẩm chủ lực của tỉnh, từ đó góp phần mở rộng thị trường xuất khẩu…
Tuy đã đạt được những kết quả nhất định nhưng theo nhận định của nhiều DN, thời gian tới, thị trường xuất khẩu vẫn đối mặt với nhiều thách thức do bối cảnh địa chính trị thế giới diễn biến phức tạp, khó lường; một số quốc gia đề ra những tiêu chuẩn, quy định mới liên quan đến chuỗi cung ứng, nguyên liệu, lao động, môi trường khắt khe hơn đối với các sản phẩm nhập khẩu…
Theo ông Nguyễn Bá Chính, Giám đốc Sở Công Thương: Sở sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ DN về xúc tiến thương mại, kết nối cung – cầu gắn với xuất khẩu. Cùng với đó, Sở Công Thương tăng cường phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan tích cực hỗ trợ DN nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua các chương trình đào tạo, tư vấn về công nghệ và quản trị DN. Đặc biệt, việc ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số trong hoạt động xuất nhập khẩu đang được đẩy mạnh, giúp các DN tối ưu hóa quy trình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, giảm chi phí và nâng cao hiệu quả hoạt động…
Song song với các giải pháp của ngành chức năng, nhiều chuyên gia cho rằng các DN trong tỉnh cũng cần chủ động khai thác hiệu quả các hiệp định FTA đã có hiệu lực để mở rộng, đa dạng hóa thị trường, mặt hàng xuất khẩu, chuỗi cung ứng; tăng cường khai thác các thị trường lân cận, còn nhiều tiềm năng; chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch gắn với xây dựng thương hiệu, thúc đẩy xuất khẩu bền vững; chú trọng phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn…
Nguồn: https://baothainguyen.vn/kinh-te/202412/xuat-khau-tang-truong-trong-gian-kho-a8f0da2/