Chỉ còn chưa đầy 3 tháng nữa là Tết Nguyên đán 2025. Bởi vậy, nông dân trong tỉnh đang tập trung đầu tư trồng các loại rau xanh; mở rộng quy mô đàn gia súc, gia cầm để phục vụ thị trường trong tỉnh dịp cuối năm. Được xem là một năm gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của bão số 3, tuy nhiên, với sự nỗ lực của các cấp ngành chức năng và cả người dân, từ nay đến cuối năm, Thái Nguyên không lo thiếu nguồn cung thực phẩm.
Siêu thị Minh Cầu (TP. Thái Nguyên) luôn cung ứng đủ nhu cầu thực phẩm của người tiêu dùng. |
Đầu tháng 11, những cánh đồng ở xóm Bến Đò, xã Linh Sơn (TP. Thái Nguyên) đã xanh ngăn ngắt. Chỉ sau gần 2 tháng qua đi, từ những thửa ruộng ngập sâu trong nước, rau lúa bị hỏng hoàn toàn, nay đã được trồng thay thế bằng các loại rau cải canh, cải ngọt… Nhiều hộ dân đã trồng su hào, cải bắp, lơ xanh… để chuẩn bị rau cung ứng cho thị trường dịp Tết Nguyên đán 2025.
Ông Cao Văn Tuấn, một người dân trong xóm Bến Đò: Sau khi lũ rút đi, rau xanh khan hiếm và tăng giá. Vì thế, chúng tôi tập trung trồng các loại rau ngắn ngày, chỉ khoảng 3 đến 4 tuần có thể thu hoạch, vừa đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng, vừa nâng cao thu nhập và bù vào phần bị thiệt hại do mưa bão gây ra. Qua hai lứa rau ngắn ngày, giờ, tôi và nhiều hộ trồng rau trong xóm bắt đầu trồng các giống rau dài ngày nhưng giá bán sẽ cao hơn để phục vụ thị trường Tết…
Không chỉ các hộ dân, một số hợp tác xã (HTX) sản xuất rau lớn trong tỉnh cũng đã “tăng tốc” để bảo đảm nguồn cung ứng thực phẩm cho thị trường từ nay cho đến Tết Nguyên đán. Đơn của như HTX Bình Minh, xã Nhã Lộng (Phú Bình) , có quy mô 10ha rau sản xuất theo quy trình VietGAP, cũng đang tập trung gieo trồng các loại rau như cải các loại, mồng tơi, súp lơ, su hào, cải bắp, cà chua… trong nhà kính.
Bà Nguyễn Thị Hiệp, Giám đốc HTX Bình Minh: Các lứa rau được thực hiện luân canh thường xuyên nên từ cuối tháng 9 đến nay, HTX luôn dồi dào nguồn cung cho các siêu thị, bếp ăn tập thể, cửa hàng kinh doanh rau xanh trong tỉnh. Đặc biệt, dịp Tết, lượng rau xanh có thể được sản xuất với số lượng lớn hơn ngày thường một chút để đảm bảo nguồn cung.
Không chỉ bảo đảm nguồn cung ứng rau xanh, hiện nay, các trang trại, hộ chăn nuôi trong tỉnh cũng đang tích cực mở rộng quy mô, tái đàn để phục vụ nhu cầu người tiêu dùng từ nay đến cuối năm. Nhờ đó, giá các loại thịt hơi trên thị trường được duy trì ổn định.
Ông Ngô Đức Việt, xóm Vải, xã Cao Ngạn (TP. Thái Nguyên): Sau một thời gian nỗ lực dọn dẹp, sửa chữa khu vực chuồng trại, đến nay, gia đình tôi đã chăn nuôi gà trở lại. Thiệt hại sau bão càng lớn, người chăn nuôi chúng tôi càng phải cố gắng càng nhiều, nhất là việc kiểm soát tốt con giống; chủ động phòng, chống dịch bệnh cho đàn gà và theo dõi sát diễn biến thị trường để điều chỉnh quy mô đàn, bảo đảm nguồn cung chất lượng, phù hợp.
Có thể thấy, sau bão số 3, mặc dù sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh bị ảnh hưởng không nhỏ khi gần chục nghìn ha lúa bị ngập, đổ rạp; hơn 384 nghìn con gia cầm, 749 con lợn bị lũ cuốn; 42 trang trại chăn nuôi bị hỏng… Tuy nhiên, với nhiều nỗ lực, Thái Nguyên vẫn đảm bảo nguồn cung ứng thực phẩm trên địa bàn và đang tiếp tục tăng quy mô, sản lượng để cung ứng thị trường dịp cuối năm.
Ông Vũ Đức Hảo, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, cho biết: Với dự ước sản lượng lương thực có hạt trong năm 2024 đạt hơn 434 nghìn tấn, Thái Nguyên không chỉ đảm bảo an ninh lương thực trên địa bàn mà còn đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng nội địa. Theo đó, sản lượng rau các loại trên địa bàn tỉnh đạt trên 282 nghìn tấn chắc chắn cũng đáp ứng đủ nhu cầu người tiêu dùng trên địa bàn, nhất là dịp cuối năm. Đặc biệt, dù ảnh hưởng của bão số 3, giá trị sản xuất chăn nuôi 9 tháng qua của tỉnh vẫn đạt hơn 168 nghìn tấn (dự ước giá trị sản xuất chăn nuôi năm 2024 đạt gần 223 nghìn tấn), đảm bảo nguồn cung từ nay đến Tết Nguyên đán 2025.
Nguồn: https://baothainguyen.vn/kinh-te/202411/on-dinh-nguon-cung-thuc-pham-dip-cuoi-nam-3633627/