Nguồn cung thép Trung Quốc được thắt chặt, trong khi thị trường thép nội địa đang có những chuyển biến tích cực khiến giá thép trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên tăng trở lại. Với mức điều chỉnh tăng từ 100-200 nghìn đồng/tấn, giá thép dần phục hồi và giữ ở mức bình ổn trên thị trường.
Vận chuyển thép cán của Công ty CP Gang thép Thái Nguyên đi tiêu thụ. |
Theo thông báo của Công ty CP Gang thép Thái Nguyên, từ ngày 7/10/2024, giá thép được điều chỉnh tăng so với giá bán trước đó từ 100-200 nghìn đồng/tấn tùy loại (mức tăng này chưa bao gồm thuế VAT). Cụ thể, sản phẩm thép cốt bê tông dạng cuộn, thép cốt bê tông dạng cây (mác Gr40 và CB300) tăng 100 nghìn đồng/tấn; sản phẩm thép cốt bê tông dạng cây (mác CB400 và CB500) tăng 200 nghìn đồng/tấn; sản phẩm thép cốt bê tông dạng cây D10 tăng 100 nghìn đồng/tấn.
Giá thép tăng chủ yếu do nguồn cung thép Trung Quốc được thắt chặt, trong khi nhu cầu sử dụng trong nước đang phục hồi. Cụ thể, nguồn cung thép Trung Quốc hiện nay đã giảm 10% so với cùng kỳ năm trước, do Chính phủ nước này hạn chế cấp phép cho các lò luyện thép sử dụng than để bảo vệ môi trường. Theo đó, một số nhà máy sản xuất thép tại Hà Bắc và Giang Tô (Trung Quốc) đã giảm công suất từ 78% xuống còn 72% vào tháng 9-2024.
Trong khi đó, thị trường thép nội địa và xuất khẩu của nước ta lại phục hồi tích cực cả về giá bán và sản lượng. Riêng trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, trong 9 tháng qua, sản lượng các sản phẩm sắt thép ước đạt trên 997 nghìn tấn, tăng 13,1% so với cùng kỳ, bằng 66,1% kế hoạch năm.
Theo ông Vũ Thanh Sơn, Trưởng Phòng Thị trường (Công ty CP Gang thép Thái Nguyên): Thị trường thép trong nước phục hồi tích cực là nhờ thời gian qua, Nhà nước đã ban hành một số biện pháp hỗ trợ thị trường bất động sản: Nghị quyết số 33/NQ-CP của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững; Luật Đất đai năm 2024 chính thức có hiệu lực kể từ ngày 1/8/2024 với những quy định rõ ràng hơn về thủ tục đền bù, giải phóng mặt bằng đã khơi thông nguồn cung và góp phần giúp cho thị trường bất động sản, sắt thép “ấm” trở lại…
Ngoài ra, nhu cầu xây dựng của người dân, doanh nghiệp cũng tăng trở lại sau ảnh hưởng của bão lũ, góp phần kích cầu thị trường sắt thép. Chỉ tính riêng trong quý III/2204, Công ty CP Gang thép Thái Nguyên đã sản xuất và tiêu thụ được 160.000 tấn thép cán, qua đó nâng tổng giá trị sản xuất công nghiệp trong 9 tháng đạt 7.745 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ.
Sản xuất thép cán tại Nhà máy Cán thép Lưu Xá (Công ty CP Gang thép Thái nguyên). |
Cùng với đó, thời điểm này, hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp, đại lý sắt thép trên địa bàn TP. Thái Nguyên có phần khởi sắc, sôi động hơn. Ông Đặng Văn Tân, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư Thương mại Bách Quang, chia sẻ: Công ty chuyên cung cấp thép phục vụ người dân và 30 nhà thầu thi công lớn nhỏ tại các tỉnh Thái Nguyên, Lạng Sơn, Bắc Kạn… Hiện nay, sản lượng sắt thép tiêu thụ tăng từ 5-10% so với thời điểm đầu năm.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, từ đầu năm đến nay, giá thép trên địa bàn tỉnh đã được điều chỉnh tăng giảm nhiều lần nhưng mức chênh lệch không đáng kể (mỗi lần tăng hoặc giảm chỉ dao động từ 50-100 đồng/kg). Do đó, mặc dù giá thép có biến động nhưng vẫn duy trì ở mức khá bình ổn và không gây tác động nhiều đến người dân, doanh nghiệp.
Ông Ngô Thượng Công, Phó Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Tấn Đức (TP. Phổ Yên) – đơn vị chuyên thi công các công trình xây dựng, cho biết: Thép luôn là vật liệu chiếm khoảng 15-20% giá trị công trình xây dựng. Mặc dù hiện nay giá thép tăng nhưng so với cùng kỳ năm trước thì không có biến động lớn, nên các công trình do Công ty nhận thầu vẫn bảo đảm thi công theo tiến độ.
Tuy vậy, theo đại diện nhiều cửa hàng, đại lý kinh doanh sắt thép, hiện nay, một số mặt hàng thép đang bị thiếu hụt cục bộ. Sản lượng sắt thép của các đơn vị cung ứng hiện chỉ đáp ứng từ 90-95% nhu cầu thị trường. Nguyên nhân là do chi phí đầu vào tăng nên nhiều đơn vị sản xuất sắt thép (trong đó có Công ty CP Gang thép Thái Nguyên) phải cân đối, điều tiết sản lượng nhằm bảo đảm sản xuất, kinh doanh hiệu quả.
Bên cạnh đó vẫn còn tình trạng “đầu cơ” trong kinh doanh sắt thép, làm cho nguồn cung bị thiếu hụt. Vì vậy, các doanh nghiệp đề nghị cơ quan quản lý nhà nước tăng cường triển khai các giải pháp nhằm bình ổn giá, kiểm soát chặt chẽ tình trạng “đầu cơ” trong kinh doanh sắt thép để bảo đảm cung – cầu và quyền lợi của người tiêu dùng…
Nguồn: https://baothainguyen.vn/kinh-te/202410/tang-cuong-kiem-soat-binh-on-gia-thep-ab61e2d/