Cơn bão số 3 và mưa lũ sau bão đã để lại hậu quả nặng nề cho người dân và nhiều doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên (theo thống kê sơ bộ, tổng giá trị thiệt hại về kinh tế là gần 860 tỷ đồng). Để kịp thời hỗ trợ các tổ chức, cá nhân, DN khôi phục sản xuất, kinh doanh, ngành Thuế đã khẩn trương triển khai thực hiện nhiều chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí… cho các đối tượng bị thiệt hại.
Hệ thống lò nung của Nhà máy gạch Gia Phong (ở phường Trung Thành, TP. Phổ Yên) vẫn chưa khôi phục được để đi vào sản xuất. Hiện nay, đơn vị chỉ tiêu thụ sản phẩm gạch đã sản xuất trước khi xảy ra bão lũ. |
Từ hơn 10 năm nay, Nhà máy gạch Gia Phong (ở phường Trung Thành, TP. Phổ Yên) chuyên sản xuất gạch nung. Đợt bão lũ vừa qua đã gây tổn thất lớn cho Nhà máy khi hơn 2 triệu viên gạch bán thành phẩm, trên 30 tấn than cùng với hệ thống 3 lò nung và nhiều loại máy móc, thiết bị ngập trong nước, ước tính thiệt hại trên 20 tỷ đồng.
Không giấu nổi sự xót xa khi nhìn thành quả sau nhiều năm gây dựng bị trôi theo dòng nước lũ, ông Dương Như Lâm, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Gia Phong, cho biết: Chúng tôi gần như mất hết mọi tài sản tích lũy được chỉ sau một cơn bão. Nhiều thiết bị điện, cơ khí phải bỏ do ngâm trong nước. Đến nay, sau bão lũ hơn 40 ngày, 3 lò nung vẫn chưa khôi phục được để sản xuất, mặc dù đơn vị sửa chữa ký cam kết sau 35 ngày lò sẽ vận hành trở lại và ra được sản phẩm…
Cũng trong tình cảnh tương tự, kho hàng của Công ty TNHH Khánh Vinh – một nhà phân phối các sản phẩm sữa tại phường Quang Vinh (TP. Thái Nguyên), bị ngập trong nước lũ tới 1,2m, làm hỏng khoảng 50 tấn hàng hóa, tổng thiệt hại trên 3,5 tỷ đồng. Bà Vũ Thị Hoàn, Giám đốc Công ty, xót xa chia sẻ: Mưa lũ đã khiến phần lớn hàng hóa lưu tại kho chờ phân phối bị ngập và hư hỏng, không thể sử dụng nữa. Do đó gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh của Công ty…
Theo thống kê sơ bộ, toàn tỉnh có khoảng 130 DN và gần 300 hộ kinh doanh bị ảnh hưởng trong đợt mưa lũ vừa qua, chủ yếu ở TP. Thái Nguyên và TP. Phổ Yên. Không chỉ tổn thất về tài sản, hàng hóa, các DN, hộ kinh doanh này hiện còn đối diện với nguy cơ khó phục hồi do thiếu nguồn lực tài chính. Thực trạng này không chỉ ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh mà còn gây tác động tiêu cực đến việc làm của người lao động và nguồn thu ngân sách của địa phương.
Công ty TNHH Khánh Vinh (TP. Thái Nguyên) vẫn đang đợi kết quả giám định về mức độ thiệt hại từ các cơ quan có thẩm quyền để hoàn thiện hồ sơ hưởng các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế. |
Thực hiện chỉ đạo của Tổng cục Thuế, Cục Thuế tỉnh đã khẩn trương tuyên truyền và triển khai những hướng dẫn chi tiết về chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế cho các DN, hộ kinh doanh bị thiệt hại. Các loại thuế được áp dụng miễn giảm gồm: Thuế thu nhập DN, thuế giá trị gia tăng, thuế tài nguyên và thuế sử dụng đất phi nông nghiệp.
Tại TP. Thái Nguyên, nơi có số lượng DN và hộ kinh doanh bị thiệt hại nhiều nhất tỉnh, ngay trong tháng 10 này, Chi cục Thuế thành phố đã tổ chức 2 hội nghị hướng dẫn người nộp thuế nộp hồ sơ thống kê thiệt hại để được miễn giảm thuế. Mặc dù đã được cán bộ thuế hướng dẫn chi tiết, song đa số người nộp thuế đang gặp khó khăn trong quá trình hoàn thiện hồ sơ thống kê thiệt hại.
Hồ sơ này phải có xác nhận của nhiều cơ quan liên quan như UBND xã, phường, công an địa phương và các cơ quan tài chính, giám định độc lập. Đây là một quy trình phức tạp, đòi hỏi sự phối hợp đồng bộ và nhanh chóng của các cơ quan liên quan, nhưng cũng gây không ít trở ngại cho DN trong việc hoàn thiện các thủ tục cần thiết.
Cụ thể, tại một số DN có tài sản, hàng hóa, sổ sách chứng từ kế toán bị nước lũ cuốn trôi, vùi lấp, mất, hư hỏng, không còn hàng hóa, sổ sách kế toán, hóa đơn, chứng từ, do đó cơ quan giám định không có căn cứ để xác định giá trị thiệt hại tài sản, dẫn đến DN không thực hiện được việc đề nghị miễn, giảm tiền thuế do bị thiệt hại bởi bão lũ.
Còn đối với các hộ kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán, việc xác định giá trị thiệt hại rất khó khăn bởi tài sản, hàng hóa bị thiệt hại không có hóa đơn, chứng từ xác định, mặt khác thiên tai xảy ra là bất ngờ, không lường trước được, nên không có cơ quan nào ký xác nhận giá trị thiệt hại mà chỉ là số liệu thống kê báo cáo…
Trên cơ sở những khó khăn, vướng mắc hiện nay, ông Đỗ Xuân Tám, Chi cục trưởng Chi cục Thuế TP. Thái Nguyên, cho biết: Việc hỗ trợ DN, hộ kinh doanh phục hồi sau thiên tai là một quá trình dài hạn. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục trao đổi, hướng dẫn về các giải pháp phục hồi tài liệu, chứng từ, hồ sơ thuế đối với những trường hợp người nộp thuế bị ảnh hưởng, thiệt hại bởi bão lũ. Cán bộ ngành Thuế sẽ tiếp tục đồng hành với người nộp thuế, không chỉ giúp họ vượt qua khó khăn hiện tại mà còn hỗ trợ trong việc xây dựng chiến lược phát triển bền vững, ứng phó tốt hơn với những rủi ro, thiên tai…
Nguồn: https://baothainguyen.vn/kinh-te/202410/khan-truong-ho-tro-nguoi-nop-thue-bi-thiet-hai-do-bao-lu-c6d01e9/