“Phác thảo điện ảnh Việt Nam thời đổi mới và hội nhập” – tập tiểu luận phê bình điện ảnh gần 400 trang của Tiến sĩ Ngô Phương Lan vừa ra mắt đã thu hút sự quan tâm của giới làm nghề và công chúng. Nhiều bài viết được đánh giá như những công trình nghiên cứu giá trị mà tác giả đã đúc kết trong hơn ba mươi năm lao động, gắn bó và cống hiến cho ngành điện ảnh.
Cuốn sách “Phác thảo điện ảnh Việt Nam thời đổi mới và hội nhập” của Tiến sĩ Ngô Phương Lan. (Ảnh: VGP) |
Tiến sĩ Ngô Phương Lan, sinh năm 1963 tại Hà Nội, tốt nghiệp Khoa Lý luận, phê bình điện ảnh, Đại học Điện ảnh quốc gia Liên Xô năm 1988, từng làm Cục trưởng Cục Điện ảnh, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (2011-2018); Giám đốc Liên hoan Phim quốc tế Hà Nội 2012-2018 và đang là Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam; Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương. Tiến sĩ Ngô Phương Lan được trao Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2017.
Sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống điện ảnh, khi chia sẻ về cuốn sách thứ ba của mình (trước đó là cuốn sách “Đồng hành với màn ảnh” (1998) và “Tính hiện đại và dân tộc trong điện ảnh Việt Nam” (2005), Tiến sĩ Ngô Phương Lan cho biết: “Tháng 11 này tôi tròn 60 tuổi. Ban đầu tôi chưa có ý định ra sách, nhưng khi làm việc tại Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương, sống trong bầu không khí học thuật, những con chữ lại vẫy gọi khiến tôi quay trở về những trang viết. Đây cũng là khoảng thời gian tôi được làm nghề một cách miệt mài và say mê, dù phải vượt qua không ít khó khăn, thử thách”. Tác giả cho biết thêm, khi xem phim để viết phê bình lý luận, bà thấy phần lý trí của mình mạnh hơn so với cảm xúc. Tuy nhiên, bà không chọn đi vào hướng phê bình gây sốc mà muốn những trang viết đúng và đủ.
Cuốn sách “Phác thảo điện ảnh Việt Nam thời đổi mới và hội nhập” (Nhà xuất bản Hội Nhà văn) được chia thành hai phần: Phần một gồm những bài viết về tác phẩm điện ảnh và phong cách của các đạo diễn đã ghi dấu ấn trong thời kỳ đổi mới. Có những bài phê bình được viết ngay từ khi bộ phim ra đời và sau này được sửa chữa với cách nhìn của ngày hôm nay.
Có thể kể đến các bài viết về những bộ phim nổi tiếng của điện ảnh nước nhà: Tướng về hưu, Thương nhớ đồng quê, Mùa ổi, Thị trấn yên tĩnh, Mê Thảo thời vang bóng, Ai xuôi vạn lý, Ngã ba Đồng Lộc, Bến không chồng, Đời cát, Thung lũng hoang vắng, Trăng nơi đáy giếng, Cỏ lau, Những người thợ xẻ, Mùa len trâu, Thời xa vắng, Sống trong sợ hãi, Chuyện của Pao…
Kịch bản và cấu trúc phim, các tình huống trong phim, cách xử lý những cảnh quay, âm nhạc, nghệ thuật xây dựng hình tượng nhân vật và diễn xuất của các diễn viên… được Tiến sĩ Ngô Phương Lan phân tích và phê bình bằng chuyên môn hàn lâm nhưng với ngôn ngữ giản dị cho nên dễ dàng phù hợp với bất kỳ ai quan tâm và yêu thích các tác phẩm điện ảnh nước nhà.
Phần hai của cuốn sách gồm một số tiểu luận, bài viết về sự phát triển, thăng trầm của điện ảnh Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế và trên con đường xây dựng nền công nghiệp điện ảnh. Trong phần này, tác giả cũng phác thảo “sơ đồ” các liên hoan phim quốc tế, chặng đường hội nhập quốc tế của điện ảnh nước nhà, những thách thức và bài học kinh nghiệm xây dựng nền công nghiệp điện ảnh, bà luôn trăn trở với việc quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam ra thế giới bằng điện ảnh.
“Những bộ phim ở giai đoạn chuyển tiếp này có thể đạt doanh thu rất cao, khán giả đến rạp xem rất đông, góp phần giúp rạp chiếu “sống lại”, nhưng để tìm lại được những tác phẩm có giá trị như thời kỳ đổi mới thì hạn chế. Số lượng phim nhiều nhưng tỷ lệ phim hay và ấn tượng không có nhiều. Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, mỗi năm có tới hàng chục phim ra đời, nhưng để tìm ra được những bộ phim cho thấy sự dốc gan dốc ruột của nhà làm phim, bộ phim để đời cho đạo diễn là rất khó”, Tiến sĩ Ngô Phương Lan thẳng thắn bày tỏ.
Chia sẻ tại buổi ra mắt sách, NSND, đạo diễn Đặng Nhật Minh cho rằng, ông được chứng kiến nhiều sự kiện và nhìn thấy sự trưởng thành của ngành điện ảnh nước nhà. Biết tác giả từ khi bà học ở Liên Xô về, đọc những bài báo đầu tiên của bà viết, chính ông đã gợi ý Tiến sĩ Ngô Phương Lan tập hợp những bài viết giá trị để in thành sách.
PGS, TS Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương, nhận định: Tác giả đã rất dày công và tinh tế khi viết phê bình hầu hết những bộ phim có dấu ấn từ thời điện ảnh Việt Nam đổi mới và hội nhập. Điều này rất đáng quý vì phê bình là một địa hạt khó, luôn có những ý kiến, nhận xét trái chiều. Bên cạnh một nhà phê bình phim uy tín, có thể thấy tác giả là một nhà quản lý có tầm nhìn với những bài viết tâm huyết về việc làm thế nào để xây dựng thành công nền công nghiệp điện ảnh, đưa điện ảnh nước nhà vào vị trí xứng đáng trong bản đồ điện ảnh khu vực và thế giới.
Với cuốn sách này, Tiến sĩ Ngô Phương Lan muốn xâu chuỗi và hệ thống lại một chặng đường dài kể từ khi Việt Nam bước vào công cuộc đổi mới (1986) đến đầu năm 2023, để cho ra một bức phác thảo rõ nét. Đây cũng là một chặng đường bản thân bà làm nghề một cách miệt mài và say mê. Bà tự nhận mình là người may mắn bởi gần như cả cuộc đời được gắn bó với nghề mình yêu thích, kể từ khi được chọn chuyên ngành lý luận, phê bình điện ảnh để học tập và thực hành