Thắng lợi vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám và sự ra đời bản Tuyên ngôn độc lập đánh dấu bước ngoặt lịch sử, đưa dân tộc Việt Nam bước vào kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội (CNXH). Tuyên ngôn độc lập không chỉ mang ý nghĩa lịch sử và thực tiễn to lớn mà còn thể hiện tầm nhìn vượt thời đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập tại quảng trường Ba Đình ngày 2/9/1945. (Ảnh tư liệu) |
Ngày 2/9/1945, tại quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
Tuyên ngôn độc lập là sự kết tinh các giá trị truyền thống anh hùng, bất khuất, ý chí đấu tranh giành độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam; đồng thời, khích lệ nhân dân các nước thuộc địa, các dân tộc bị áp bức đứng lên chống chủ nghĩa thực dân, giành độc lập dân tộc. Tuyên ngôn độc lập đã mở ra thời đại Hồ Chí Minh gắn liền với hành trình Nhân dân Việt Nam kiên định con đường độc lập dân tộc gắn liền với CNXH.
Bản Tuyên ngôn độc lập năm 1945 khẳng định: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy.” |
Đó là lời thề thiêng liêng, là tư tưởng lớn, khát vọng độc lập dân tộc hoàn toàn và hướng đến tương lai ấm no, văn minh, hạnh phúc của dân tộc Việt Nam.
Suốt 78 năm qua, toàn Đảng, toàn quân và toàn thể dân tộc Việt Nam đã phát huy sức mạnh dân tộc để thực hiện Tuyên ngôn độc lập năm 1945. Từ một nước nghèo, kém phát triển, Việt Nam đã vươn lên trở thành nước có thu nhập trung bình. GDP của Việt Nam vươn lên vị trí thứ 37 thế giới, với khoảng 409 tỷ USD; GDP bình quân đầu người đạt 4.110 USD.
Theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025, hiện cả nước còn 4,3% hộ nghèo. Việt Nam được đánh giá là một trong những nền kinh tế có mức tăng trưởng cao và năng động nhất khu vực. Đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân được cải thiện rõ rệt; chính trị – xã hội ổn định; độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững; quan hệ đối ngoại ngày càng mở rộng, uy tín, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế không ngừng được nâng cao.
Ngày 19/8/1945, Tổng khởi nghĩa ở Hà Nội, các lực lượng quần chúng cách mạng đánh chiếm Bắc Bộ Phủ (Ảnh tư liệu: Bảo tàng Lịch sử quốc gia). |
Tuyên ngôn độc lập năm 1945 đã khẳng định quyền cơ bản của con người và quyền của các dân tộc. “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”.
Các nước đồng minh quyết không thể không công nhận quyền độc lập của Nhân dân Việt Nam. Điều này có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong thời điểm sau Chiến tranh thế giới thứ II, các nước thuộc địa và phụ thuộc chưa được luật pháp quốc tế bảo vệ.
Đó chính là tầm nhìn và sự nhạy bén về chính trị của lãnh tụ Hồ Chí Minh, phản ánh sự thật khách quan, khơi dậy khát vọng độc lập, tự do, hạnh phúc của nhân dân tiến bộ trên toàn thế giới.
15 năm sau, ngày 14/12/1960, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã ban hành Nghị quyết số 1514, thông qua tuyên bố “Trao trả độc lập cho các nước và các dân tộc thuộc địa”. Tại Điều 2, Nghị quyết chỉ rõ: Tất cả các dân tộc đều có quyền tự quyết, trong đó có quyền thiết lập chế độ chính trị và thực hiện sự phát triển kinh tế – xã hội và văn hóa của mình.
Và đến năm 1970, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã tuyên bố chấm dứt “vô điều kiện chế độ thuộc địa dưới mọi hình thức và mọi biểu hiện”.
Tuyên ngôn độc lập không chỉ khẳng định quyền dân tộc tự quyết, mà còn là quyền bình đẳng, quyền tự do, quyền thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ. Bởi vậy, quyền độc lập, bình đẳng của các dân tộc phải được xác lập trong mối quan hệ với tất cả các nước trên thế giới, không phân biệt lớn, nhỏ, mạnh, yếu hay khác nhau về thể chế chính trị.
Thực tiễn đã chứng minh, trong những thập niên qua, tình hình thế giới có nhiều biến động, diễn ra trên hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội. Nhiều cuộc chiến tranh, xung đột và khủng hoảng nổ ra, cạnh tranh giữa các nước lớn diễn ra gay gắt, cho thấy lợi ích quốc gia, dân tộc là vĩnh viễn, tối cao. Điều đó càng khẳng định trí tuệ, tầm nhìn vừa thực tế, vừa mang tầm vóc thời đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Diễu hành chào mừng kỷ niệm Ngày Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại khuôn viên Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: TTXVN |
Quán triệt sâu sắc và vận dụng sáng tạo tư tưởng của Tuyên ngôn độc lập, trong suốt 46 năm kể từ khi trở thành thành viên của Liên hợp quốc, Đảng và Nhà nước ta luôn kiên trì lập trường, tuân thủ nhất quán Hiến chương Liên hợp quốc và các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế.
Việt Nam luôn tôn trọng độc lập, chủ quyền, nguyên tắc không can thiệp công việc nội bộ và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia trên thế giới; chủ động, tích cực, trách nhiệm và giải quyết có lý, có tình, giàu tính nhân văn trong các mối quan hệ quốc tế. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng khẳng định: “Bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia – dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi”.
78 năm đã trôi qua, nhưng những giá trị to lớn và ý nghĩa thời đại của Tuyên ngôn độc lập năm 1945 vẫn mãi trường tồn cùng dân tộc, là ngọn đuốc soi đường để Nhân dân ta thực hiện thắng lợi đường lối đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo, xây dựng một nước Việt Nam độc lập, tự do và hạnh phúc.