Như mạch nguồn xuyên suốt và cảm hứng sáng tạo bất tận, hình tượng Tổ quốc Việt Nam vẫn là một dòng chảy bất tận trong huyết quản các nhà văn, nhà thơ Việt Nam từ thời chiến đến thời bình hôm nay.
Tiết mục nghệ thuật ca ngợi truyền thống anh hùng, bất khuất của quân dân Thủ đô tại Lễ kỷ niệm 80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943-2023). Ảnh: NHẬT KHANG |
1. Thời kháng chiến giải phóng dân tộc, các nhà thơ đã nói rất hay về Tổ quốc, gần gũi và thiêng liêng: “Ôi Tổ quốc ta yêu như máu thịt/ Như mẹ cha ta như vợ như chồng/ Ôi Tổ quốc nếu cần ta chết/ Cho mỗi ngôi nhà, ngọn núi, dòng sông” (Chế Lan Viên). Tổ quốc hùng vĩ mà thân thương hiện hình trong dáng núi, hình sông: “Ôi Đất Nước sau bốn nghìn năm đi đâu ta cũng thấy/ Những cuộc đời đã hóa núi sông ta” (Nguyễn Khoa Điềm). Tổ quốc bình dị, đơn sơ trong khóm lúa gốc sim: “Nếu kẻ thù chiếm được/ Một gốc sim thôi dù chỉ gốc sim cằn/ Thì Tổ quốc sẽ ra sao Tổ quốc?” (Hữu Thỉnh)…
2. Trong văn học hôm nay, Tổ quốc được thể hiện ra sao?
Sợi chỉ đỏ xuyên suốt những trang sử vàng của Tổ quốc là phẩm chất anh hùng, tinh thần quật khởi, ý chí tự chủ, tự cường, không chịu khuất phục trước bất cứ kẻ xâm lược nào. Điều ấy đã trở thành một hằng số lịch sử để trở thành tài sản văn hóa vô giá của dân tộc. Tên tuổi các bậc tiên liệt Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Ngô Quyền, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung… như những ngọn núi sừng sững từ đó chảy ra những dòng mạch của lòng yêu nước, yêu hòa bình, yêu tự do, của bản lĩnh tự quyết. Họ bước vào truyền thuyết được dân gian kiến tạo, điêu khắc thêm những vẻ đẹp huyền thoại mang tính anh hùng ca. Ký hiệu học văn hóa gọi đó là những mẫu gốc, đi vào các thể loại văn chương, nhất là ở thể tài tiểu thuyết lịch sử lại tỏa thêm những ánh sáng mới.
Thế nên văn học Việt Nam, so với các nền văn học khác thường bội thu về tiểu thuyết lịch sử. Cũng là quy luật, giàu có “mẫu gốc” sẽ đẻ ra nhiều khu rừng những mẫu con”. Đầu thế kỷ 20 có các tiểu thuyết: “Thăng Long ký” (Nguyễn Khắc Phục), “Hội thề” (Nguyễn Quang Thân), “Tám triều Vua Lý” (Hoàng Quốc Hải)… Mấy năm gần đây có “Phùng Vương”, “Ngô Vương” (Phùng Văn Khai), “Trần Quốc Toản”, “Trần Khánh Dư” (Lưu Sơn Minh)…
Lịch sử còn là văn hóa, phong tục, tập quán, là những ứng xử của cha ông với xã hội, thiên nhiên… Về phương diện này, các tác phẩm của Nguyễn Xuân Khánh (Hồ Quý Ly, Đội gạo lên chùa…) không chỉ tái hiện một cách xuất sắc lịch sử mà còn làm sống dậy cuộc sống văn hóa thời xưa một cách sinh động. Các tiểu thuyết: “Thông reo Ngàn Hống”, “Nguyễn Du” (Nguyễn Thế Quang) phục dựng các chân dung (Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Du) cũng là những mẫu hình văn hóa cho hôm nay tìm hiểu, học tập. Kết hợp cảm hứng Tổ quốc anh hùng quật khởi với ý thức tự chủ cùng cảm hứng văn hóa phong tục thì “Hùng binh” (Đặng Ngọc Hưng) thành công trong việc tái hiện một thời oanh liệt của cha ông trong việc bảo vệ quần đảo Hoàng Sa cùng lễ khao lề thế lính thiêng liêng, rất mực nhân văn.
Hình tượng Tổ quốc hôm nay thật mới mẻ trong “Biển bây giờ vẫn khát” (Trần Khánh Toàn). Không chỉ bao la, lộng lẫy, biển cũng đầy những cạm bẫy (của cả thiên nhiên và con người) mà những người lính cảnh sát biển thông minh, bản lĩnh đã vượt qua. Tổ quốc hiện lên trong “Bửu Sơn Kỳ Hương” của Lý Lan với bao dáng vẻ văn hóa đặc sắc vùng Nam Bộ cùng phong cách sống phóng khoáng, yêu thiên nhiên, yêu tự do.
Địa bàn miền núi phía Bắc Tổ quốc đã được nhiều tên tuổi văn chương đưa vào những trang văn để đời nay lại hiện lên với bao dáng vẻ mới lạ từ sự khám phá của các tài năng mới. Biên cương Tổ quốc hùng vĩ và thân thương, gần gũi và thiêng liêng trong “Đường biên cương dệt mùa xuân”, “Dặm dài Tổ quốc” (Phạm Vân Anh).
Cùng là cây bút văn xuôi nổi tiếng, Phạm Duy Nghĩa miêu tả cảnh quê hương vùng cao tinh tế, trữ tình (Người bay trong gió xanh), Đỗ Bích Thúy lại đi sâu miêu tả phong tục, khám phá tâm lý con người vùng cao chân chất, tràn đầy sức sống trong “Tiếng đàn môi sau bờ rào đá”, “Bóng của cây sồi”… Miêu tả vẻ đẹp đậm tính thơ, giàu chất cổ tích của làng quê đồng bằng xứ Bắc tiêu biểu có Nguyễn Quang Thiều với “Hương khúc nếp cuối cùng”, “Chiều hoa tầm xuân”…
Nguyễn Ngọc Tư làm bừng sống dậy văn hóa miệt vườn kênh rạch với những con người vùng châu thổ Nam Bộ hồn hậu, vị tha trong “Qua cầu nhớ người”, “Cải ơi”, “Dòng nhớ”… Miền đất Tây Nguyên nhiều nắng, nhiều gió nhưng cũng đầy những trăn trở bao nỗi éo le của các cảnh đời còn nhiều thiệt thòi hiện lên xa xót trong văn xuôi Nguyên Hương (Tinh thần thượng võ, Mẹ con đậu đũa). Vùng đất miền Trung thời tiết khắc nghiệt nhưng trong văn Quế Hương lại nhẹ nhàng, da diết có chút khắc khoải của điệu Nam ai (Gặp lại ấu thơ)…
Chuyển sang cơ chế thị trường, đất nước như cơn “trở dạ” vặn mình để hoài thai những sự sống mới. Bộ tiểu thuyết dài “Cõi nhân gian” (4 tập) của Nguyễn Phúc Lộc Thành đề cập tới con người doanh nhân với cả một thế giới nhân vật đa dạng, phức tạp… Kiến tạo những mô hình của sự tiêu cực, đen tối, ma mãnh của “thế giới ngầm” nhưng vẫn toát lên một niềm tin vào thắng lợi của sự đổi mới, chỉ tiếc tác phẩm chưa vươn tới sự phân tích tâm lý một cách sắc sảo, nhân vật thiếu một logic nội tâm.
3. Cảm hứng lớn về Tổ quốc thường tìm đến trường ca dài hơi để gửi gắm tư tưởng, như một tất yếu, hình tượng biển cường tráng vạm vỡ trong sự đa nghĩa luôn xuất hiện. Trường ca “Tổ quốc nhìn từ biển” (Nguyễn Việt Chiến) được dư luận đánh giá cao nhờ một điểm nhìn mới mẻ về đất nước quật khởi, là tráng ca, hoan ca, có cả bi ca: “Nếu Tổ quốc nhìn từ bao hiểm họa/ Đã mười lần giặc đến từ biển Đông/ Những ngọn sóng hóa Bạch Đằng cảm tử/ Lũ Thoát Hoan bạc tóc khiếp trống đồng…”.
Cùng chủ đề, Nguyễn Hữu Quý trong “Hạ thủy những giấc mơ” lại chọn điểm nhìn làng quê Việt nhìn ra Hoàng Sa, Trường Sa. Hình tượng Tổ quốc hiện lên đa chiều, vừa là ngôi làng bé nhỏ, gần gũi vừa là biển cả mênh mông, xa vời: “Hạ thủy giấc mơ xanh/ chia tay những nàng tiên cá/ con tàu bay về miền rơm rạ/ đậu xuống ao làng”.
Diễn đạt hình tượng Tổ quốc trong những đau đáu, nung nấu, trăn trở vươn mình đứng dậy cùng thế giới, trường ca “Dạ, tôi là Sáu Dân (Thanh Thảo), từ điểm nhìn của một nguyên thủ quốc gia (Thủ tướng Võ Văn Kiệt) đã thể hiện một tầm nhìn, một tâm huyết về tương lai tươi sáng của dân tộc. Gần 3 năm (2020-2022) đất nước căng mình chống dịch Covid-19 “như chống giặc”.
Với tinh thần chiến sĩ, văn chương lại “lên đường”, do đặc thù thể loại, trường ca vẫn là thể xung kích. Các tác phẩm “Giữa mùa đại dịch” (Lê Anh Dũng), “Corona” (Xuân Trường), “Hồi sinh” (Lữ Mai)… không chỉ tái hiện không gian “chiến trường” đặc biệt, cơ bản hơn làm nổi bật tình người Việt Nam đoàn kết, nhân ái, vị tha, thật giàu có niềm tin.
Thơ trẻ hôm nay viết về Tổ quốc vẫn hay, đầy hứa hẹn. Ví như thơ của Hoàng Anh Tuấn trong bài “Chơi hội chọi dê”: “Chọi dê mở giữa lòng mường/ Đạp mây phủ núi, vén sương giăng rừng/ Bàn chân ngấm rượu đỏ phừng/ Rộn ràng kèn trống, tưng bừng cồng chiêng”. Một lễ hội của người Tày rộn rã nhưng diễn tả tài hoa trong lục bát Việt.
Tổ quốc hùng vĩ và trong sáng, thân thương và đơn sơ, giản dị trong “Biên cương gửi nhớ” của nhà thơ nữ tài năng Phạm Vân Anh: “Ở nơi này tìm thấy một tình yêu/ Trong thế núi dáng sông/ Bên nhà dựng sát nhà, mái kề liền mái/ Dưới vầng mặt trời ngày lại ngày giục con gà gáy sáng/ Trên con đường sắc đỏ trải mênh mông”. Những khám phá tinh tế, mới mẻ ấy giúp chúng ta tin hình tượng Tổ quốc tiếp tục tỏa sáng, thăng hoa trong những sáng tác mới.
4. Về thi pháp, gần đây nổi lên hai hướng chính là kiến tạo biểu tượng và sử dụng ngôn ngữ đậm chất thơ. Thực ra, con đường kiến tạo chung của văn học là bằng biểu tượng nhưng không phải tác giả nào cũng thành công bởi biểu tượng luôn vừa mang nét nghĩa chung của cộng đồng, truyền thống vừa mang nét cá tính, ý nghĩa riêng, mới mẻ. Nếu không có cái riêng, cái mới thì chỉ là sự phục dựng lại những mô hình cũ.
Một số tác phẩm đã nhắc ở trên nói chung đã vượt thoát ra cái chung để nói lên tiếng nói riêng. Ở khu vực tiểu thuyết lịch sử, ngay tên gọi đã cho thấy hướng kiến tạo biểu tượng chính là nhân vật trung tâm (Phùng Vương, Hồ Quý Ly, Nguyễn Du…). Cái mới ở đây là cố gắng vươn tới sự phân tích tâm lý nhân vật, cao hơn là phân tích tâm lý cộng đồng (tộc người) để lý giải vì sao có hành động ấy, sự kiện ấy. Nhiều tác phẩm ở thể tài khác đã tự xây dựng một biểu tượng riêng. Tổ quốc hóa thân vào biển, vào dải biên cương, vào cây sa mộc, vào lễ hội…
Rõ ràng sự kiến tạo hình tượng mới mẻ như thế đòi hỏi vốn sống, sức tưởng tượng, liên tưởng… Tên trường ca “Sa mộc” thật gợi, gợi về nơi biên cương, về sự vươn cao, về ý chí… Đó chính là Tổ quốc biểu hiện cụ thể ở những phẩm chất của loài cây xanh thường chỉ mọc ở miền núi đá…
Chất thơ ngoài thể hiện ở hình ảnh, chọn từ đặt câu (tu từ) chủ yếu thể hiện ở tình cảm, tâm trạng, nhất là khai thác mạch nguồn văn hóa. Chất thơ của văn hóa luôn bay lên cùng huyền thoại, lãng đãng ẩn hiện trong các phong tục cổ xưa. Do vậy, một thủ pháp ưa thích là đẩy hình tượng vào không gian huyền thoại, nhờ vậy mới có thể “hạ thủy” được “những giấc mơ”, mới có thể bay “ngang bình minh”… để nhìn ngắm, chiêm nghiệm…
Nhưng đòi hỏi năng lực phân tích tinh tế và khái quát cao. Có vậy bạn đọc mới cảm thấy không còn là “tiếng đàn môi” mà là tiếng của tình yêu khắc khoải, da diết, vẳng xa hơn là tiếng của ngày xưa với những tập tục đầy mê hoặc. Mới hiểu sâu hơn không chỉ là hương vị cái bánh khúc mà đó là hương vị đồng đất quê hương, hương vị tình người, tình đời… Những hướng tiếp cận này trở về truyền thống để tạo ra sự khác lạ, phù hợp với hướng đi chung của văn chương thế giới trong thời buổi hội nhập và toàn cầu hóa.