Trong hành trình của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ An toàn khu (ATK) Thái Nguyên về chuẩn bị tiếp quản Thủ đô Hà Nội, đồi Thành Trúc, xã Bản Ngoại (Đại Từ) là nơi Người từng ở, làm việc đầu tiên và lâu nhất (từ tháng 8 đến tháng 10/1954). Đây cũng là nơi đã diễn ra nhiều cuộc họp quan trọng của Trung ương Đảng, Chính phủ, quyết định các vấn đề liên quan đến vận mệnh dân tộc… Dưới ánh sáng của Đảng, phát huy tinh thần đoàn kết và truyền thống yêu nước, xã Bản Ngoại luôn nỗ lực vươn lên, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ đề ra.
Năm 2006, Di tích nơi ở và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại đồi Thành Trúc, xóm Đầm Mua, xã Bản Ngoại (Đại Từ) đã được xếp hạng Di tích lịch sử cấp Quốc gia. |
Đầm Mua in dấu chân Người
Với vị trí “tiến có thể đánh, lui có thể giữ” và là “nơi có nhân dân tốt, có cơ sở chính trị tốt”, năm 1947, xã Bản Ngoại cũng như toàn huyện Đại Từ được Trung ương Đảng chọn làm ATK. Vọng gác Dốc Điệp thuộc xã Bản Ngoại là cửa ngõ qua lại giữa miền xuôi và miền ngược, nơi ra vào ATK Sơn Dương (Tuyên Quang) và Định Hóa (Thái Nguyên), nên có nhiều cán bộ cách mạng hoạt động trong sự bao bọc, giúp đỡ của nhân dân địa phương.
Mảnh đất Bản Ngoại in dấu nhiều hoạt động cách mạng, kháng chiến và càng đậm nét hơn khi trong những ngày tháng 8, 9, 10/1954, các cơ quan của Trung ương tập trung tại đây trước khi về tiếp quản Thủ đô Hà Nội.
Theo lời kể của người dân và các tư liệu lịch sử của địa phương, khoảng tháng 8/1954, tại khu đồi Thành Trúc, xóm Đầm Mua, có một chiếc nhà sàn nhỏ được dựng lên. Nhà quay theo hướng Tây Nam, trước cửa là dòng suối La Bằng xanh mát, chảy róc rách đêm ngày. Tại đây thường có một cụ già ở và làm việc, mà mãi sau này người dân mới được biết đó chính là Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị Cha già kính yêu của dân tộc. Trong suốt thời gian hoạt động bí mật ở đây, Bác thường ăn mặc giản dị và ân cần thăm hỏi bà con nhân dân về đời sống, tăng gia, sản xuất…
Chính tại ngôi nhà sàn đơn sơ trên đồi Thành Trúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chuẩn bị các bài phát biểu, văn bản phục vụ một số sự kiện quan trọng, như: Lời phát biểu trong buổi đón tiếp Ủy ban quốc tế ngày 12/8/1954; Thư gửi bộ đội, cán bộ và gia đình cán bộ miền Nam ra Bắc; Lời căn dặn các đơn vị bộ đội vào tháng 10/1954; Lời kêu gọi nhân Ngày giải phóng Thủ đô…
Đến ngày 12/10/1954 – hai ngày sau khi Thủ đô Hà Nội được hoàn toàn giải phóng, kết thúc 9 năm kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp, mảnh đất Bản Ngoại nói riêng, huyện Đại Từ nói chung là nơi vinh dự thay mặt chiến khu Việt Bắc chia tay Bác Hồ khi Người trở về Thủ đô Hà Nội.
Với những ý nghĩa lịch sử quan trọng, ngày 28/9/2006, Di tích nơi ở và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại đồi Thành Trúc đã được Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch) xếp hạng Di tích lịch sử cấp Quốc gia. Tại Di tích này đã được xây dựng nhà bia tưởng niệm, ghi lại dấu ấn lịch sử Bác từng ở và làm việc tại Đầm Mua. Xã Bản Ngoại đã vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Phát huy truyền thống xã Anh hùng
Những người từng chứng kiến khoảng thời gian Bác Hồ ở và làm việc tại xã Bản Ngoại nay đã không còn, nhưng những câu chuyện về Bác vẫn khắc sâu trong tâm khảm người dân nơi đây.
Hoạt động sản xuất tại nhà máy may của Công ty CP Đầu tư quốc tế THAGACO (ở xã Bản Ngoại). Ảnh: T.L |
Đồng chí Nguyễn Hữu Đông, Bí thư Đảng ủy xã Bản Ngoại, chia sẻ: Tự hào với truyền thống cách mạng của cha ông, vinh dự khi được Bác Hồ và cơ quan Trung ương Đảng chọn là một phần của Thủ đô kháng chiến, Đảng bộ và Nhân dân xã Bản Ngoại luôn lấy đó làm động lực để ra sức phấn đấu, xây dựng địa phương ngày càng giàu đẹp, xứng đáng với truyền thống quê hương cách mạng.
Từ một xã thuộc vùng đặc biệt khó khăn, năm 2015, Bản Ngoại đã “về đích” nông thôn mới (NTM) và đang quyết tâm hoàn thành mục tiêu xây dựng xã NTM nâng cao trong năm 2024. Đến thời điểm này, địa phương đã đạt 15/19 tiêu chí.
Đáng chú ý, thu nhập bình quân của nhân dân trong xã không ngừng được nâng cao qua các năm, hiện nay đạt 51 triệu đồng/người/năm (tăng gần 10 triệu đồng so với năm 2022 và gấp hơn 2 lần so với năm 2015). Phần lớn nguồn thu của bà con là từ trồng rau màu, chè và cây ăn quả.
Phát huy thế mạnh nông nghiệp, với diện tích đồi bãi trên 900ha, những năm qua, Đảng ủy, UBND xã đã tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, luân canh, tăng vụ.
Nhiều hộ dân ở xã Bản Ngoại đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích đất đồi rừng kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả. Ảnh: T.L |
Trung bình mỗi năm, xã Bản Ngoại có khoảng 30ha đất được chuyển đổi sang trồng các loại rau màu bằng hình thức luân canh. Bên cạnh đó, việc canh tác cây ăn quả theo tiêu chuẩn an toàn, chuyển đổi các giống chè cành chất lượng cao cũng góp phần đem lại thu nhập ổn định cho bà con.
Trên địa bàn xã có nhà máy may của Công ty CP Đầu tư quốc tế THAGACO, cùng gần 100 cơ sở sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp, góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương. Đời sống được nâng cao, người dân có điều kiện tham gia tích cực vào xây dựng hạ tầng nông thôn. Đến nay, hệ thống điện, đường, trường, trạm trên địa bàn xã được xây dựng khang trang, kiên cố, góp phần kiến tạo nên một vùng quê trù phú…
Trở lại Bản Ngoại trong mùa Thu tháng Tám, chứng kiến sự đổi thay, phát triển của vùng đất này, chúng tôi càng thấm thía hơn những giá trị từ truyền thống cách mạng đã và đang tiếp thêm sức mạnh, nguồn năng lượng để xã Anh hùng ngày càng vươn xa. Và như lời khẳng định của đồng chí Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Hữu Đông: Bản Ngoại hôm nay và mai sau sẽ tiếp tục “thay da đổi thịt”, phát triển không ngừng…