Xã Hoàng Nông (Đại Từ) là vùng đất nhiều đồi núi, quanh năm mát mẻ, người dân chủ yếu sinh sống bằng nghề sản xuất chè. Riêng xóm Đoàn Kết có những điều kiện thuận lợi để phát triển cây ăn quả nên bà con đã tập trung đầu tư trồng nhiều loại cây trái. Mùa nào thức nấy, những vườn cây ở Đoàn Kết luôn xanh mướt, trĩu quả.
Khách tham quan đến mua ổi tại vườn cây của gia đình ông Nghiêm Văn Chính, ở xóm Đoàn Kết, xã Hoàng Nông. |
Dưới nắng Thu trong vắt, vườn cây trái của gia đình ông Nghiêm Văn Chính, ở xóm Đoàn Kết, xã Hoàng Nông, mát rượi bởi màu xanh của đủ loại cây ăn quả. Thời gian này đang đúng vụ thu hoạch ổi, ngày nào ông Chính cũng ra vườn cắt quả. Năm nay ổi được mùa, quả nào quả nấy đều to, giòn ngọt.
Tất bật đẩy chiếc xe rùa chở những quả ổi căng tròn mới cắt về tập kết tại sân nhà, thấy có khách đến thăm, ông Chính vui vẻ: Gia đình tôi từ Thái Bình lên đây khai phá vùng kinh tế mới. Ngày mới lên, tôi phát nương, phát rẫy trồng ngô, lạc, khoai, sắn… Mặc dù đất đai rộng, nhưng các loại cây trồng này cho giá trị kinh tế thấp, không đủ phục vụ cuộc sống. Vì vậy, tôi đã thay đổi tư duy, đem một số giống cây ăn quả như: bưởi, cam, ổi, nhãn… về trồng.
Hiện nay, trên diện tích trên 7.000m2, ông Chính phân khu để trồng từng loại cây ăn quả và chỉnh trang, xây dựng khu vườn sạch, đẹp. Đồng thời, ông áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và từng bước thực hiện theo hướng hữu cơ. Mỗi năm, vườn cây ăn quả đem lại cho gia đình ông thu nhập trên 400 triệu đồng. Không chỉ có nguồn thu ổn định từ trồng cây ăn quả, mô hình của gia đình ông Chính còn thu hút nhiều người đến học tập kinh nghiệm và khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm.
Cũng giống như ông Chính, năm 2013, gia đình chị Phùng Thị Hưởng đã mang 250 gốc bưởi Diễn về trồng trên diện tích hơn 1ha vườn đồi. Sau 3 năm, bưởi đã cho thu hoạch. Đến nay, vườn bưởi của chị Hưởng có thể hái được gần 40.000 quả/năm, thu trên 700 triệu đồng.
Bưởi Diễn của nhà chị Hưởng luôn bán được giá cao, bởi áp dụng quy trình chăm sóc hữu cơ, không sử dụng các loại phân bón và thuốc bảo vệ thực vật hóa học. Đây cũng là xu hướng chung được nhiều nhà vườn ở xóm Đoàn Kết luôn theo đuổi.
Ở xóm Đoàn Kết, nhiều gia đình đã đầu tư mô hình trồng cây ăn quả an toàn và theo hướng hữu cơ đem lại thu nhập cao. Xóm có 100 hộ dân, phần lớn các hộ đều trồng cây ăn quả. Loại cây được người dân nơi đây trồng nhiều nhất là bưởi, rồi đến ổi, nhãn, cam… Vùng đất của xóm nhiều đồi, khí hậu quanh năm mát mẻ, chất đất chắc nên cho các loại quả ngon ngọt đậm đà.
Nhằm tạo điều kiện cho người dân trồng cây ăn quả, nâng cao hiệu quả kinh tế, hàng năm, xã Hoàng Nông đã tổ chức các lớp tập huấn khoa học kỹ thuật, trao đổi kinh nghiệm trồng, chăm sóc các loại cây cho sai quả, chất lượng quả ngon… Huyện Đại Từ cũng đã quy hoạch vùng trồng cây ăn quả xóm Đoàn Kết, với diện tích30ha và hỗ trợ xây dựng các mô hình cây ăn quả mẫu để bà con học hỏi.
Hiện nay, xóm Đoàn Kết có hơn 20ha trồng cây ăn quả với nhiều loại theo mùa. Thời điểm này, bà con vừa thu hoạch xong vụ nhãn, bắt đầu bước vào vụ thu hoạch ổi; còn bưởi, cam đến tháng Chạp sẽ cho thu hái; rồi đến tháng 5, cây táo lại đến kỳ thu trái. Cứ thế, quanh năm, các loại cây gối nhau cho thu hoạch, người dân có nguồn thu liên tục và ổn định, với giá trị kinh tế đạt trên 300 triệu đồng/ha/năm.
Cũng nhờ áp dụng mạnh mẽ khoa học kỹ thuật vào thâm canh nên năng suất, sản lượng các loại cây ăn quả ở xóm Đoàn Kết ngày càng được nâng cao. Đặc biệt, người dân trong xóm phần lớn đều áp dụng các quy trình sản xuất an toàn, nên luôn có thị trường ổn định, góp phần mang lại hiệu quả kinh tế lâu dài và bền vững.
Cũng bởi sự trù phú, mát mẻ, thời gian gần đây, nhiều khách du lịch đến Hoàng Nông đã tìm đến xóm Đoàn Kết để được tham quan, trải nghiệm thu hoạch các loại quả. Bước đầu, bà con trong xóm chưa làm dịch vụ bán vé tham quan trải nghiệm vườn cây trái, nhưng du khách đến đây hầu hết đều mua trái cây mang về, giúp bà con có thêm nguồn thu tại chỗ.