Ứng dụng chế phẩm sinh học trong sản xuất nông nghiệp là một giải pháp để nâng cao năng suất, giá trị sản phẩm, sản xuất bền vững. Được sự hỗ trợ của các đơn vị chuyên môn, Hội Nông dân các cấp, nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh tích cực ứng dụng chế phẩm sinh học trong sản xuất và mang lại hiệu quả nhất định.
Nông dân xóm Tiên Trường (xã Tiên Hội, Đại Từ) tự ủ phân bằng các chế phẩm vi sinh để bón cây trồng. |
Gần 3 năm nay, người dân xóm Trà Viên, xã Đồng Liên (TP. Thái Nguyên), có sự thay đổi căn bản trong sản xuất lúa, đó là ngừng sử sụng phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật để chuyển sang bón phân chuồng tự ủ, phân bón hữu cơ và các chế phẩm vi sinh.
Sự thay đổi này bắt đầu từ khi bà con tham gia mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ do Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp TP. Thái Nguyên triển khai. Theo đó, 60 hộ dân tham gia canh tác trên diện tích 7ha, tập trung tại cánh đồng Trà Viên, ngoài được hỗ trợ giống lúa, phân bón hữu cơ, tập huấn kỹ thuật chăm sóc theo từng giai đoạn sinh trưởng của cây còn được hướng dẫn cách ủ phân tại chỗ.
Ông Phạm Tiến Toàn, Trưởng xóm kiêm Chi hội trưởng Chi hội Nông dân xóm Trà Viên, cho biết: Việc biết cách ủ phân tại chỗ rất quan trọng, bởi giúp chúng tôi tận dụng được phế phẩm nông nghiệp, chủ động được nguồn phân bón, giảm chi phí sản xuất. Thay vì bón phân vô cơ như trước, giờ tôi dùng phân chuồng, thêm trấu, thân cây xay vụn và trộn chế phẩm vi sinh EMZEO ủ kín trong 3 tháng, khi phân có màu đen, tơi xốp, hoai mục thì mang đi sử dụng. Với cách làm đó, tôi đã chủ động được 50% lượng phân bón cho vườn cây ăn quả và lúa. Riêng với lúa, năm đầu canh tác theo hướng hữu cơ, bón phân vi sinh, năng suất giảm khoảng 30%. Nhưng đến năm thứ 2, cây lúa cứng khoẻ, có sức chống chịu sâu bệnh và phát triển tốt, năng suất ổn định từ 2-2,5 tạ/sào.
Ông Phạm Tiến Toàn (xã Đồng Liên, TP. Thái Nguyên) sử dụng chế phẩm vi sinh để ủ phân tại chỗ, chủ động nguồn phân bón cây ăn quả, lúa. |
Thái Nguyên đang triển khai sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, vì vậy, việc sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc thảo mộc và các loại phân bón hữu cơ vi sinh vào sản xuất của người dân xóm Trà Viên là cần thiết.
Đây cũng là lý do để thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông tỉnh, trung tâm dịch vụ nông nghiệp các địa phương phối hợp với Hội Nông dân các cấp tích cực triển khai các mô hình sản xuất hữu cơ, tập huấn về ứng dụng chế phẩm vi sinh vào sản xuất, chăn nuôi.
Các cấp Hội Nông dân đã tích cực tuyên truyền, phối hợp với các công ty, đơn vị chuyên môn để mở các lớp tập huấn, hướng dẫn, vận động bà con nông dân tuân thủ quy trình, sử dụng chế phẩm sinh học trong sản xuất.
Từ nhu cầu của người dân, Hội Nông dân tỉnh đã chủ động phối hợp với các doanh nghiệp sản xuất phân bón hữu cơ, vi sinh để giới thiệu, tập huấn cho nông dân những sản phẩm phân bón chất lượng.
Ông Lê Đàm Ngọc, Phó Giám đốc Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân, Hội Nông dân tỉnh, cho biết: Hội đang phối hợp với Công ty TNHH Công nghệ sinh học Tenabio Việt Đức; Công ty CP Sản xuất thương mại xuất nhập khẩu Boss Farm… để giới thiệu, tư vấn, tập huấn cho bà con nông dân sử dụng phân bón hữu cơ, vi sinh trên nhiều cây trồng khác nhau. Để đảm bảo đánh giá tốt nhất cho các sản phẩm phân bón hữu cơ, vi sinh phù hợp với cây trồng cũng như thổ nhưỡng từng vùng, Hội đã lựa chọn nhiều cây trồng để làm mẫu như: Cây chuối ở huyện Đại Từ; cây na ở huyện Võ Nhai; cây chè ở huyện Định Hoá. Ngoài ra, các cấp Hội cũng đang triển khai xây dựng 7 mô hình ô mẫu sử dụng chế phẩm sinh học Enzymes dùng trong chăn nuôi gà, lợn tại huyện Đại Từ và Phú Lương…
Thời gian tới, Hội Nông dân tỉnh tiếp tục tuyên truyền, tập huấn kiến thức, hỗ trợ về phân bón, chế phẩm vi sinh để việc ứng dụng các loại chế phẩm này dần trở thành thói quen của người nông dân. Qua đó hạn chế việc sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm nông nghiệp.