Chủ trì phiên họp thứ 7, Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông – Vận tải, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo tiếp tục nhấn mạnh tinh thần phải thần tốc hơn nữa, “chỉ bàn làm, không bàn lùi”, vướng mắc ở đâu tháo gỡ ở đó, vướng ở cấp nào, cấp đó giải quyết.
Trên công trường thi công tuyến đường liên kết, kết nối các tỉnh Thái Nguyên – Bắc Giang – Vĩnh Phúc. Ảnh: N.N |
Đây là thông điệp mà nhiều lần người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thực hiện khi triển khai các dự án đầu tư. Đây cũng là chủ trương của Đảng, Chính phủ khi yêu cầu đẩy nhanh hơn nữa việc giải ngân vốn đầu tư công trong bối cảnh nền kinh tế cần những đòn bẩy để vượt qua khó khăn, lấy lại đà tăng trưởng.
Thực tế, các công trình quan trọng quốc gia, công trình trọng điểm giao thông đều là những dự án lớn, mang tính kết nối, tạo động lực phát triển. Vì thế, việc bảo đảm tiến độ triển khai là rất quan trọng. Mặt khác, những dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm giao thông đều có vốn đầu tư lớn nên giải ngân nhanh vốn đầu tư sẽ góp phần lan tỏa, tạo động lực thu hút các nguồn lực đầu tư khác, tạo ra việc làm, thu nhập cho người lao động.
Với tinh thần phải thần tốc hơn nữa, “chỉ bàn làm, không bàn lùi”, vướng mắc ở đâu tháo gỡ ở đó, vướng ở cấp nào, cấp đó giải quyết, nhiều vấn đề tồn tại về giải phóng mặt bằng, pháp lý, nguyên vật liệu, kỹ thuật… đã được giải quyết dứt điểm. Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư các dự án giao thông trọng điểm đạt hơn 50%.
Tuy nhiên, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 7 tháng của năm 2023 mới đạt 35,49%. Tuy số vốn đầu tư công năm 2023 lớn hơn năm 2022 và tỷ lệ giải ngân vốn cũng lớn hơn cùng kỳ năm trước, song tỷ lệ này chưa thực sự như mong muốn. 40/52 bộ, cơ quan Trung ương và 24/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công dưới 35%, trong đó 32 bộ, cơ quan Trung ương và 4 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 20% kế hoạch vốn.
Về nguyên nhân chủ quan còn khá nhiều, như chưa xong thủ tục, chưa giao vốn, quy trình mua sắm thiết bị phát sinh nhiều thủ tục, cá nhân, đơn vị được giao nhiệm vụ thiếu quyết tâm… Vì thế, tinh thần “chỉ bàn làm, không bàn lùi”, vướng đâu gỡ đó càng phải được lan tỏa ở tất cả các dự án, địa phương, bộ, ngành, đơn vị.
“Chỉ bàn làm, không bàn lùi” có nghĩa phải quyết tâm làm cho bằng được, không vì khó khăn mà chậm trễ tiến độ, không vì khó khăn mà dừng thi công để dự án “nằm đắp chiếu” gây lãng phí, thất thoát nguồn vốn. “Chỉ bàn làm, không bàn lùi” là phải tìm cho được giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, chỉ ra vướng mắc ở đâu, nội dung gì, ai giải quyết; hoàn thành sớm các thủ tục pháp lý, bố trí đầy đủ vốn, đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án, giải ngân vốn đầu tư. Các bộ, ngành, địa phương, chủ đầu tư, nhà thầu phải đặt lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích chung lên trên hết…
Tinh thần quyết liệt của Chính phủ thông qua các tổ công tác, các hội nghị giao ban cần tiếp tục lan tỏa đến các bộ, ngành, địa phương. Các địa phương phải xác định đầu tư hạ tầng là đầu tư cho phát triển, tạo không gian phát triển mới, để từ đó kịp thời xử lý những vấn đề liên quan trong thẩm quyền, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, hỗ trợ tích cực chủ đầu tư, nhà thầu triển khai dự án, bảo đảm theo đúng tiến độ đã đề ra. Mỗi cá nhân, đơn vị được giao nhiệm vụ phải vào cuộc với trách nhiệm cao nhất, với tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, tất cả vì sự phát triển của đất nước…