Diễn ra tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (Hà Nội) từ ngày 10 đến 20-8, Triển lãm gốm nghệ thuật “Linh thú thời nay” là thành quả tâm huyết suốt 32 năm sự nghiệp của Nghệ nhân Ưu tú Trần Nam Tước, hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam. Sự kiện thu hút sự quan tâm của cả giới họa sĩ, nhiều nhà nghiên cứu văn hóa và công chúng yêu nghệ thuật gốm sứ lẫn những người muốn tìm hiểu về truyền thống Việt Nam.
Linh thú gốm trong không gian triển lãm tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. |
72 tác phẩm gồm tranh gốm, tượng gốm được lựa chọn trưng bày tiêu biểu cho phong cách của tác giả sau nhiều năm điền dã, tích lũy, nghiên cứu, thực hành. Sự kết hợp các yếu tố tạo hình của hội họa với điêu khắc, kế thừa tinh hoa của gốm Bát Tràng (Gia Lâm, Hà Nội) truyền thống với tìm tòi sáng tạo mới trong kiểu dáng, mầu men… của Nghệ nhân Ưu tú Trần Nam Tước đã tạo nên nhiều tác phẩm gốm hiện đại vừa có tính thẩm mỹ, vừa có tính ứng dụng.
Linh thú có mặt trong đời sống người Việt từ xa xưa, có thể là sinh vật huyền thoại hoặc con vật có thật nhưng được linh thiêng hóa nhằm biểu trưng cho một nhân vật cụ thể hoặc một niềm tin. Linh thú trong văn hóa dân gian là một chủ đề cũ xưa nhưng vẫn luôn hấp dẫn đối với nghệ thuật tạo hình đương đại, đòi hỏi sự nghiêm túc, cẩn trọng và tình yêu dành cho di sản của cha ông. Theo nghệ nhân Trần Nam Tước, anh có kho tư liệu quý gồm khoảng 3.000 bản vẽ thủ công về linh vật, tượng thờ, trang trí kiến trúc, tranh tường… tại các đình, chùa, đền, miếu, công trình văn hóa tại nhiều địa phương trên cả nước mà anh từng đặt chân đến.
Tại triển lãm, người xem có dịp chiêm ngưỡng nhiều tác phẩm linh thú đặc sắc đang được lưu giữ tại các di tích, khu du lịch tâm linh trong nước hoặc được sưu tập tại nước ngoài, như: Kỳ lân, long mã, lân sư, nghê chầu, ngựa chầu, linh kê, phượng hoàng, long ngư… Vừa phục dựng đồ cổ, vừa sáng tác mới, Nghệ nhân Ưu tú Trần Nam Tước đã đưa linh thú tới Ðền Hùng (Phú Thọ), Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội), Ðền Trần (Thái Bình), Khu Di tích Lam Kinh (Thanh Hóa), Lăng Ðồng Khánh (Huế), Nhà thờ Ðại tướng Võ Nguyên Giáp (Quảng Bình), đảo Trường Sa Lớn (Khánh Hòa)…
Ðáng chú ý còn có tác phẩm “Người con của Rồng” ra đời nhân dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội (năm 2010) và giành một số giải thưởng đánh dấu sự thành danh của tác giả. Linh thú trong tác phẩm là rồng với tư thế vươn lên kiêu hãnh, ngự trên cùng là Quan Âm Bồ Tát phổ độ chúng sinh. Bên trong hàm rồng là pho tượng vua Lý Công Uẩn đang tọa thiền. Hình tượng rồng, Quan Âm và bậc đế vương hài hòa và liên quan mật thiết, gợi nhắc câu chuyện lịch sử về một triều đại nhiều dấu ấn trong lịch sử Việt Nam.
Cũng gây ấn tượng mạnh là bộ tác phẩm ba quả trứng rồng được đặt tên gọi: “Biết đâu nguồn cội”, “Thiên đô long mệnh” và “Bách noãn Hồng Bàng”. Chất liệu gốm được xử lý nhuần nhuyễn làm nền cho điêu khắc thư pháp, kết hợp kim loại và sự sắp đặt ánh sáng đã khắc họa nhiều nhân vật và giá trị văn hóa Việt, như hình tượng con Rồng cháu Tiên, Phù Ðổng Thiên vương, truyện cổ tích về Lang Liêu, Mai An Tiêm… Các tác phẩm đôi ngựa chầu, tượng “Linh kê” hay tranh gốm cá chép hóa rồng đều đạt được sự hoàn chỉnh trong từng đường nét, chất men.
Chia sẻ với khách tham quan về quá trình sáng tác, Nghệ nhân Ưu tú Trần Nam Tước cho biết, có ít nhất bảy công đoạn. Ðầu tiên là dựa vào điển tích, huyền sử, ca dao để phác thảo hình hài. Sau đó, nghệ nhân vẽ thiết kế, dựng hình, tạo khuôn, sản xuất, vào men mầu và nung gốm. Gắn bó với linh thú đã hơn ba thập kỷ nhưng với nghệ nhân Trần Nam Tước thì “học mãi, kể mãi vẫn không thể cạn kiệt vẻ đẹp của truyền thống”.
Có mặt tại triển lãm, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam Lương Xuân Ðoàn đánh giá năng lượng sáng tạo của các nghệ nhân, nghệ sĩ đã góp phần tri ân và khơi dậy sức sống mới cho các làng nghề thủ công truyền thống Việt Nam. Nhà điêu khắc, họa sĩ chuyên sáng tác và nghiên cứu gốm Nguyễn Trọng Ðoan khẳng định: Trần Nam Tước là một nghệ sĩ thực thụ chứ không chỉ là một người thợ, tuy không phải con nhà nòi của làng gốm Bát Tràng và cũng không được đào tạo bài bản ở trường lớp nào, nhưng anh đã thể hiện được sự chăm chỉ và tư duy riêng để lập nghiệp thành công ở Bát Tràng.
Dịp này, nghệ nhân Trần Nam Tước cũng giới thiệu cuốn sách cùng tên kể về cơ duyên đến với gốm, đến với Bát Tràng cùng nhiều kỷ niệm sâu sắc trong quá trình lang thang khắp các nẻo đường quê để tìm dấu xưa người cũ, tiếp cận các phong tục và tín ngưỡng thể hiện qua hình tượng linh thú.