Trong bối cảnh phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức thì tháng 7/2023, sản xuất công nghiệp (SXCN) trên địa bàn tỉnh đã có tín hiệu khởi sắc. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) trong tháng 7 tăng 8,96% so với tháng trước đó và tăng 3,13% so với cùng kỳ năm 2022.
May hàng xuất khẩu tại Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG. Ảnh: Lăng Khoa. |
Trong tháng 7/2023, hoạt động sản xuất – kinh doanh của các doanh nghiệp (DN) công nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn gặp nhiều khó khăn, chưa thể lấy lại đà tăng trưởng cao trong ngắn hạn. Tuy nhiên, với sự điều hành, vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, sự nỗ lực của cộng đồng DN, người lao động, Chỉ số IIP có sự tăng trưởng khá cao so với tháng trước và 6 tháng đầu năm nay.
Ông Trần Quang, Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh, cho biết: Thống kê cho thấy, IIP tháng 7/2023 đạt mức tăng trưởng cao nhất từ đầu năm đến nay, là 8,96%. Tính trong 7 tháng năm nay, trừ tháng 1 có IIP giảm 3,42% so với tháng trước, còn hầu hết các tháng còn lại chỉ tăng từ 0,11 đến 5,49% so với tháng trước. Đáng chú ý, IIP tháng 7 của một số ngành công nghiệp trọng điểm tăng cao so với tháng trước, là: công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,47%, trong đó, sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 10,88%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 1,96%…
Cũng trong tháng 7/2023, một số nhóm sản phẩm có sản lượng tăng, như: đồng tinh luyện và đồng lõi đạt 4,2 nghìn tấn, tăng 43,88% so với tháng trước và tăng 1,2% so với cùng kỳ; camera truyền hình đạt 5,53 triệu cái, tăng 4,79% so với tháng trước và tăng 7% so với cùng kỳ; đá xây dựng khác đạt 182,14 nghìn tấn, tăng 3,45% so với tháng trước và tăng 12,14% so với cùng kỳ; nước máy thương phẩm ước đạt 3,12 triệu m3, tăng 2,19% so với tháng trước và tăng 3,08% so với cùng kỳ.
Ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG, chia sẻ: Do nền kinh tế thế giới tiếp tục biến động khó lường, lạm phát dù hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao, xu hướng thắt chặt chi tiêu, giảm mua sắm hàng hóa diễn ra ở nhiều nơi. Nhiều DN dệt may đang trải qua giai đoạn hết sức khó khăn khi lượng đơn hàng giảm, cá biệt có DN đã hoàn toàn cạn đơn hàng để duy trì sản xuất.
Đối với TNG, năm 2023, nhờ làm tốt công tác dự báo và triển khai nhiều giải pháp về đổi mới thiết bị, công nghệ sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng sức cạnh tranh trên thị trường, nên DN đã ký kết được nhiều đơn hàng xuất khẩu lớn sang các thị trường Tây Âu.
Trong tháng 7, TNG đạt tổng doanh thu 782 tỷ đồng, tăng trên 11,5% so với tháng trước. Lũy kế 7 tháng, tổng doanh thu gần 4.120 tỷ đồng, tăng trên 3% so với cùng kỳ năm 2022. Công ty bảo đảm việc làm ổn định cho gần 17.000 lao động, với mức thu nhập bình quân trên 9 triệu đồng/người/tháng.
Sản xuất hàng cơ khí chất lượng cao tại Công ty CP Cơ khí Gang thép. |
Tương tự TNG, nhiều DN trên địa bàn tỉnh có sản lượng hàng hóa sản xuất và tiêu thụ trong tháng 7 tăng trưởng khá cao, như: Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên, Công ty TNHH Glonics Thái Nguyên, Công ty TNHH Alutech Vina, Công ty TNHH Một thành viên Diesel Sông Công, Công ty CP Phụ tùng máy số 1, Công ty TNHH Một thành viên Vạn Xuân, Công ty Nhiệt điện Cao Ngạn, Công ty CP Nước sạch Thái Nguyên…
Ở chiều ngược lại, nhiều DN vẫn gặp khó khăn trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, như: Công ty CP Gang thép Thái Nguyên (TISCO), Công ty CP Kim loại màu Thái Nguyên, Công ty CP Luyện kim đen Thái Nguyên, Công ty TNHH Xây dựng và Phát triển nông thôn miền núi, Công ty CP Tập đoàn Vật liệu chịu lửa Thái Nguyên, Công ty TNHH Một thành viên Mỏ và Luyện kim Thái Nguyên, Công ty CP Xi măng Quang Sơn, Công ty TNHH Bê tông xây dựng Việt Cường…
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Xuân Trường, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy TISCO, thông tin: Dù đã nỗ lực mở rộng thị trường tiêu thụ, nhưng sản lượng thép cán tiêu thụ trong tháng 7 của TISCO vẫn giảm trên 40% so với tháng trước đó. Cụ thể: thép cán sản xuất đạt 43.320 tấn, giảm 6.785 tấn so với tháng trước; tiêu thụ 30.110 tấn thép cán, giảm 20.223 tấn so với tháng trước…
Theo các chuyên gia kinh tế, dự báo trong những tháng còn lại của năm, các DN công nghiệp trên địa bàn tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn. Sức mua tại thị trường trong nước vẫn còn yếu, chưa kích thích sản xuất; sức ép lạm phát, lãi suất cao cũng ảnh hưởng đến SXCN.
Do vậy, để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng SXCN, các sở, ngành, địa phương cần chủ động theo dõi diễn biến tình hình kinh tế thế giới và trong nước để có giải pháp ứng phó linh hoạt với tình hình thực tế. Đặc biệt là thực hiện tốt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 470/CĐ-TTg ngày 26/5/2023 về việc tiếp tục thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh của các DN.