Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Israel (VIFTA), ký ngày 25/7/2023, được đánh giá tạo nên bước nhảy vọt trong chiến lược phát triển thương mại của Việt Nam, mở rộng không gian cho hàng hóa xuất khẩu của nước ta.
Sản xuất hàng may mặc xuất khẩu tại Công ty cổ phần May Sơn Hà (thị xã Sơn Tây, Hà Nội). |
Vấn đề đặt ra là các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng cần tăng tốc, tận dụng tối đa VIFTA cũng như các hiệp định thương mại tự do (FTA) khác nhằm gia tăng kim ngạch xuất khẩu, đóng góp cho tăng trưởng của nền kinh tế.
FTA đầu tiên tại khu vực Tây Á
VIFTA được ký kết sau 7 năm đàm phán, gồm 15 chương và một số phụ lục đính kèm, cam kết nâng tỷ lệ tự do hóa thương mại đến cuối lộ trình của Israel là 92,7% số dòng thuế, của Việt Nam là 85,8% số dòng thuế. Điều này đồng nghĩa các sản phẩm của hai bên sẽ được xóa bỏ thuế quan, tạo tiền đề thúc đẩy đáng kể hoạt động xuất, nhập khẩu. Đây được đánh giá là sự kiện nâng tầm quan hệ thương mại – đầu tư giữa hai nước, cũng là bước nhảy vọt về chiến lược phát triển kinh tế, ngoại thương của Việt Nam.
Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) Lương Hoàng Thái thông tin, Israel đã trở thành quốc gia Tây Á đầu tiên tại khu vực này ký FTA với Việt Nam. Israel hiện đứng thứ 3 trong danh sách thị trường xuất khẩu lớn nhất và là đối tác thương mại lớn thứ 5 của Việt Nam tại khu vực Tây Á.
Việt Nam và Israel có nền kinh tế bổ sung cho nhau, trong đó Việt Nam là nước sản xuất chính các sản phẩm nông nghiệp và chế tạo, còn Israel dẫn đầu về công nghệ, nghiên cứu, phát triển và đổi mới. Các sản phẩm được giao dịch giữa hai quốc gia gồm: Hóa chất, sản phẩm công nghiệp hóa chất, thiết bị điện tử, thiết bị quang học và y tế, máy móc và thiết bị điện và cơ khí, nông sản tươi sống và thực phẩm… Trong đó Israel nhập khẩu từ Việt Nam nhiều sản phẩm tiêu dùng như quần áo, giày dép, cà phê, điện thoại di động… và gần đây là xe điện.
Mặc dù có dân số chỉ xấp xỉ 10 triệu người nhưng Israel có hoạt động kinh tế và ngoại thương khá phát triển. Năm 2022, thu nhập bình quân đầu người của nước này đạt xấp xỉ 55.000 USD; kim ngạch ngoại thương đạt 173 tỷ USD. Năm 2022, kim ngạch thương mại giữa hai nước đạt 2,2 tỷ USD, tăng 18% so với năm 2021. Sau khi VIFTA được ký kết, mở cửa thị trường và giảm thuế cho hàng xuất khẩu nước ta, các doanh nghiệp của Việt Nam có thể tranh thủ khai thác cơ hội xuất khẩu hàng hóa có giá trị gia tăng cao sang thị trường này. Hai nước đặt mục tiêu tăng kim ngạch thương mại song phương lên 3 tỷ USD trong thời gian tới.
Nỗ lực khai thác lợi thế
Theo các chuyên gia, VIFTA được ký kết không chỉ tạo tiền đề thuận lợi để Việt Nam thúc đẩy xuất khẩu sang Israel mà còn là cơ hội để hàng Việt tiếp cận các thị trường khác tại Trung Đông, Bắc Phi và Nam Âu. Phó Chủ tịch Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ Việt Nam Trần Quốc Mạnh đánh giá cao thị trường Israel, bởi đây còn là cầu nối để doanh nghiệp tiếp cận thị trường khu vực Trung Đông. Đặc biệt, đây là quốc gia có cơ cấu doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm phần lớn nên doanh nghiệp Việt có nhiều cơ hội hợp tác, kinh doanh.
Tương tự, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) Trương Đình Hòe nhận định, VIFTA được ký kết là cơ hội để thủy sản Việt Nam mở rộng thị phần. “Dù là nước nhỏ nhưng Israel có nhu cầu tiêu dùng khá lớn, khả năng thanh toán cao do thu nhập đầu người cao lại không có nguồn tài nguyên thiên nhiên trong khi nguồn lực lao động trong nước hạn chế. VASEP tin tưởng các doanh nghiệp thủy sản sẽ tận dụng được lợi thế từ FTA với Israel”, ông Trương Đình Hòe khẳng định.
Cho đến nay, Việt Nam đã ký kết và thực thi 19 FTA song phương và đa phương với hầu hết các nền kinh tế lớn trên thế giới; trong đó 16 FTA đã có hiệu lực với hơn 60 đối tác ở khắp các châu lục. Việc mở rộng ký kết FTA với các đối tác đã đóng góp vào kim ngạch thương mại kỷ lục 732,5 tỷ USD vào năm 2022, tăng 9,5% so với năm 2021. Không gian ngoại thương của Việt Nam sẽ còn được mở rộng bởi Việt Nam đang tiến hành đàm phán 3 FTA khác với Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), khối EFTA (gồm Thụy Sĩ, Na Uy, Ireland và Liechtenstein) và ASEAN – Canada.
Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) Lương Hoàng Thái nhận định, kim ngạch xuất nhập khẩu theo các FTA gia tăng, tuy nhiên, xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế đang có những vấn đề mới nổi với các tiêu chuẩn, quy định mới về bảo vệ môi trường, kỹ thuật số, năng lượng sạch… đòi hỏi doanh nghiệp phải thay đổi và thích ứng.
Còn Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU Trần Ngọc Quân cho biết, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) giúp nhiều ngành hàng chủ lực của Việt Nam như dệt may, da giày, đồ gỗ… gia tăng kim ngạch xuất khẩu. Tuy vậy, EU đang chuyển mạnh sang kinh tế tuần hoàn nên doanh nghiệp xuất khẩu trong nước cần chuyển đổi và thích nghi để giữ nhịp xuất khẩu sang thị trường lớn này.
Để tận dụng hiệu quả VIFTA cũng như các FTA khác, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, doanh nghiệp cần chủ động trong việc tìm hiểu các cơ chế, chính sách, những rào cản thương mại của thị trường nhập khẩu đồng thời đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, tiếp cận thị trường. Trong khi đó chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh nhìn nhận, thực tế, việc tận dụng ưu đãi từ các FTA của các doanh nghiệp Việt Nam chỉ đạt khoảng 30% là rất ít và còn lãng phí.
Do đó, Bộ Công Thương cùng các cơ quan thương vụ ở nước ngoài cần phối hợp với các bộ, ngành, hiệp hội, doanh nghiệp xuất khẩu trong nước đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường, tận dụng tối đa lợi thế từ các FTA nhằm đẩy mạnh xuất khẩu hàng Việt.