Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký bắt đầu tăng so cùng kỳ sau khi giảm liên tục trong 6 tháng; vốn đầu tư mới tăng mạnh hơn so các tháng đầu năm; vốn đầu tư thực hiện của các dự án giữ đà tăng nhẹ 0,8%,… là những dấu hiệu cho thấy thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đang được cải thiện.
Công nhân Công ty cổ phần Daikin Việt Nam, Khu công nghiệp Thăng Long II (Hưng Yên) lắp ráp máy điều hòa. |
Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) 7 tháng năm 2023 đạt gần16,24 tỷ USD, tăng 4,5% so cùng kỳ. Vốn thực hiện của dự án đầu tư nước ngoài ước đạt khoảng 11,58 tỷ USD, tăng nhẹ 0,8%.
Đáng lưu ý trong hoạt động thu hút vốn FDI là tổng vốn đầu tư đăng ký lần đầu tiên tăng trở lại so cùng kỳ sau chuỗi giảm liên tục trong 6 tháng đầu năm (tăng 4,5%). Mức tăng vốn đầu tư mới tiếp tục tăng mạnh hơn so các tháng đầu năm. Số dự án đầu tư mới cũng tăng mạnh so cùng kỳ. Tốc độ tăng số dự án mới lớn gần gấp 2 lần tốc độ tăng tổng vốn đầu tư.
Điều này cho thấy các nhà đầu tư quy mô vừa và nhỏ tiếp tục quan tâm, tin tưởng vào môi trường đầu tư của Việt Nam vừa đưa ra các quyết định đầu tư mới trong khi các tập đoàn lớn hiện đang cẩn trọng, xem xét kỹ việc tiếp tục đầu tư lớn vào Việt Nam trong bối cảnh tác động của chính sách thuế tối thiểu toàn cầu.
Các dự án có quy mô vốn đầu tư dưới 1 triệu USD chiếm tới 69,4% số dự án mới nhưng tổng vốn đầu tư chỉ chiếm 2,7% tổng vốn đầu tư đăng ký mới trong bảy tháng.
Vốn đầu tư điều chỉnh vẫn giảm so cùng kỳ (giảm 42,5%) song mức giảm đang có xu hướng cải thiện hơn theo từng tháng. Số lượt dự án điều chỉnh vốn cũng duy trì mức tăng so cùng kỳ, khẳng định niềm tin của các nhà đầu tư vào môi trường đầu tư của Việt Nam và tiếp tục đưa ra các quyết định mở rộng dự án hiện hữu.
Cụ thể, về đầu tư mới, có 1.627 dự án mới được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đăng ký đạt gần 7,94 tỷ USD, tăng tương ứng tăng 75,5% và 38,6% so cùng kỳ.
Điều chỉnh vốn, có 736 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với tổng vốn đầu tư tăng thêm đạt gần 4,16 tỷ USD, tăng 27,1% về số dự án điều chỉnh vốn và giảm 42,5% về vốn tăng thêm.
Góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp, có 1.627 giao dịch góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài (giảm 10,6%), tổng giá trị vốn góp đạt hơn 4,14 tỷ USD(tăng 60,7% so cùng kỳ).
Cũng theo Cục Đầu tư nước ngoài, xuất khẩu của khu vực FDI (kể cả dầu thô) ước đạt gần 143,83 tỷ USD (giảm 10,4% so cùng kỳ), chiếm 73,7% kim ngạch xuất khẩu cả nước; nhập khẩu ước đạt hơn 117,1 tỷ USD (giảm 16,5%), chiếm 64,3% kim ngạch nhập khẩu cả nước.
Mặc dù kim ngạch xuất khẩu giảm nhưng tính chung 7 tháng, khu vực FDI vẫn xuất siêu hơn 26,7 tỷ USD kể cả dầu thô và xuất siêu gần 25,6 tỷ USD không kể dầu thô.