NDO – Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh, Việt Nam đánh giá cao sự hỗ trợ của EU trong công cuộc phát triển kinh tế-xã hội, góp phần thúc đẩy tiến trình hội nhập quốc tế sâu rộng của Việt Nam, đồng thời đề nghị EU tiếp tục duy trì ODA cho Việt Nam, tập trung vào các lĩnh vực có ý nghĩa quan trọng trong tiến trình phát triển bền vững và hội nhập quốc tế.
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và Phó Chủ tịch EC, Đại diện cấp cao EU về chính sách đối ngoại và an ninh Josep Borrell Fontelles. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)
Ngày 30/7, tại Nhà khách Chính phủ, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã đón và tiến hành hội đàm với Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), Đại diện cấp cao Liên minh châu Âu (EU) về chính sách đối ngoại và an ninh Josep Borrell Fontelles. Sau hội đàm, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn và Phó Chủ tịch EC Josep Borrell Fontelles đã có cuộc gặp gỡ với các cơ quan thông tấn, báo chí.
Tại họp báo, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn và Phó Chủ tịch EC Josep Borrell Fontelles khẳng định, hai bên vừa có cuộc hội đàm rất thành công trên tinh thần trao đổi thẳng thắn, cởi mở, xây dựng và tin cậy lẫn nhau.
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn trân trọng cảm ơn Đại diện cấp cao EU đã thay mặt Liên minh châu Âu đến Việt Nam tham dự Lễ Quốc tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và thăm chính thức Việt Nam, thể hiện sự coi trọng của EU và cá nhân ông Josep Borrell Fontelles đối với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Việt Nam.
Quang cảnh hội đàm giữa Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và Phó Chủ tịch EC, Đại diện cấp cao EU về chính sách đối ngoại và an ninh Josep Borrell Fontelles. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)
Phó Chủ tịch EC, Đại diện cấp cao EU về chính sách đối ngoại và an ninh Josep Borrell Fontelles bày tỏ lời chia buồn sâu sắc tới nhân dân Việt Nam về sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đồng thời nhấn mạnh Tổng Bí thư đã góp phần quan trọng vào việc củng cố vai trò, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế và góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy quan hệ Việt Nam với EU.
Hai bên bày tỏ hài lòng trước những bước phát triển rất tích cực của quan hệ Việt Nam-EU, đặc biệt về chính trị-ngoại giao, thương mại-đầu tư, quốc phòng-an ninh, hợp tác phát triển, tư pháp, nông nghiệp…, khẳng định trao đổi đoàn và tiếp xúc các cấp, nhất là cấp cao được tăng cường, góp phần gia tăng tin cậy chính trị, thúc đẩy hợp tác trên tất cả các lĩnh vực.
Hiện hai bên đang triển khai hiệu quả 4 thỏa thuận hợp tác, 8 cơ chế đối thoại, Việt Nam là nước ASEAN đầu tiên có tất cả các trụ cột hợp tác về chính trị, kinh tế, quốc phòng-an ninh với EU.
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và Phó Chủ tịch EC, Đại diện cấp cao EU về chính sách đối ngoại và an ninh Josep Borrell Fontelles gặp gỡ báo chí sau hội đàm. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)
EU là nhà cung cấp viện trợ không hoàn lại lớn nhất, một trong những đối tác thương mại-đầu tư quan trọng hàng đầu của Việt Nam. Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) sau gần 4 năm thực thi đã giúp trao đổi thương mại hai bên tăng trưởng tích cực.
EU hiện là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam với kim ngạch hai chiều năm 2023 đạt 58,5 tỷ USD, riêng 6 tháng đầu năm nay đạt 24,7 tỷ USD, tăng 16% so với cùng kỳ 2023; là nhà đầu tư lớn thứ 5 với tổng FDI lũy kế tại Việt Nam gần 30 tỷ USD. Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 16 của EU và lớn nhất trong ASEAN.
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh, Việt Nam đánh giá cao sự hỗ trợ của EU trong công cuộc phát triển kinh tế-xã hội, góp phần thúc đẩy tiến trình hội nhập quốc tế sâu rộng của Việt Nam.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng đề nghị EU tiếp tục duy trì ODA cho Việt Nam thông qua các kênh hợp tác song phương, đa phương và các chương trình hợp tác với khu vực, tập trung vào các lĩnh vực có ý nghĩa quan trọng đối với Việt Nam trong tiến trình phát triển bền vững và hội nhập quốc tế như: Tăng cường năng lực quản trị công, kinh tế xanh, số và tuần hoàn, phát triển nghề cá bền vững; tiếp tục phối hợp chặt chẽ triển khai hiệu quả EVFTA; sớm gỡ bỏ thẻ vàng IUU đối với xuất khẩu hải sản của Việt Nam trên cơ sở ghi nhận những nỗ lực và kết quả đạt được của Việt Nam trong phòng, chống IUU; thúc đẩy các nước thành viên còn lại sớm phê chuẩn Hiệp định bảo hộ đầu tư Việt Nam-EU (EVIPA) để đưa hợp tác kinh tế song phương tương xứng với tiềm năng của cả hai bên.
Bộ trưởng cũng đề nghị EU hỗ trợ tối đa về tài chính, công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực để Việt Nam triển khai hiệu quả Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP), trong đó có việc hỗ trợ Việt Nam thiết lập thị trường chứng chỉ carbon có kết nối với thị trường quốc tế, triển khai các dự án về hydrogen xanh.