Ngày 14.1, ứng viên Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth đã tham gia phiên điều trần tại ủy ban Quân vụ Thượng viện để được phê chuẩn cho chức vụ trên. Ông Hegseth từng là quân nhân và là người dẫn chương trình của đài Fox News, được Tổng thống đắc cử Donald Trump đề cử cho chức vụ lãnh đạo Lầu Năm Góc.
Tại phiên điều trần, các thượng nghị sĩ Mỹ đã đưa ra nhiều câu hỏi khó cho ông Hegseth. Trong đó, thượng nghị sĩ Tammy Duckworth đã kiểm tra liệu ông Hegseth có kiến thức sâu rộng cần thiết để dẫn đầu các cuộc đàm phán quốc tế.
Theo AP, bà Duckworth, người được sinh ra tại Thái Lan, đã hỏi ông Hegseth rằng Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) có bao nhiêu thành viên, yêu cầu nêu tên một nước thành viên ASEAN và miêu tả thỏa thuận của Mỹ với các nước này.
Vị ứng viên đáp rằng không thể nói chính xác số lượng thành viên ASEAN nhưng “tôi biết chúng ta có các đồng minh tại Hàn Quốc và Nhật Bản, tại AUKUS với Úc”. AUKUS là thỏa thuận hợp tác quốc phòng giữa Mỹ, Anh và Úc.
Với câu trả lời trên, bà Duckworth nói: “Không nước nào trong số 3 nước trên thuộc ASEAN. Tôi đề nghị ông nên làm một chút bài tập về nhà”.
Câu hỏi được bà Duckworth đưa ra sau khi ông Pete Hegseth nhấn mạnh tầm quan trọng chiến lược của khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
ASEAN hiện có 10 thành viên gồm Brunei, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam. Năm 2022, Mỹ nâng cấp quan hệ với ASEAN lên mức quan hệ đối tác chiến lược toàn diện.
Tổng thống Joe Biden từng nói rằng ASEAN là trung tâm trong chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của chính quyền ông. Ông từng chủ trì hội nghị các nhà lãnh đạo ASEAN tại Washington D.C vào năm 2022.
Philippines tố Trung Quốc đưa tàu ‘quái vật’ đến Biển Đông
ASEAN là trung tâm của Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), gồm cả Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc và New Zealand. Các nước tham gia RCEP chiếm hơn 30% dân số thế giới và khoảng 30% GDP toàn cầu.
Nhiều thành viên ASEAN cũng là thành viên Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), chiếm hơn 14% GDP toàn cầu. Tiền thân của CPTPP là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) nhưng Mỹ đã rút khỏi hiệp định thương mại này vào năm 2017.