Sáng ngày 27/10, đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp UBND tỉnh nghe và cho ý kiến về báo cáo tình hình kinh tế xã hội tháng 10 và 10 tháng, nhiệm vụ trọng tâm 2 tháng cuối năm 2023; kế hoạch sản xuất trồng trọt năm 2024; báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX về tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng và phát triển Khu kinh tế Thái Bình; tờ trình đề nghị sửa đổi, bổ sung điểm c, khoản 3, điều 5 Quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách nhà nước thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 – 2025 ban hành kèm theo Nghị quyết số 05/2022/NQ-HĐND của HĐND tỉnh; tờ trình về việc đề nghị điều chỉnh một số nội dung đề án bảo đảm cơ sở vật chất cho lực lượng công an xã theo Nghị quyết số 57/NQ-HĐND của HĐND tỉnh. Dự họp có các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy và lãnh đạo các sở, ngành, huyện, thành phố.
Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại cuộc họp.
Trong tháng 10/2023, các địa phương tập trung thu hoạch lúa mùa; trồng, chăm sóc cây vụ đông với tổng diện tích lúa mùa đã thu hoạch đạt 85,3%, diện tích cây vụ đông đã trồng đạt 56% kế hoạch, cao hơn 3,4% so với cùng kỳ năm 2022. Công tác xây dựng nông thôn mới nâng cao tiếp tục được quan tâm chỉ đạo thực hiện, công tác quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường tiếp tục được tăng cường. Sản xuất công nghiệp của tỉnh từng bước phục hồi với giá trị sản xuất công nghiệp 10 tháng ước đạt 81.006 tỷ đồng, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm 2022. Hoạt động thương mại, dịch vụ duy trì ổn định với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 10 tháng ước đạt 56.656 tỷ đồng, tăng 16,5% so với cùng kỳ năm 2022. Công tác điều hành ngân sách được quan tâm chỉ đạo quyết liệt, tổng thu ngân sách nhà nước 10 tháng ước thực hiện hơn 18.180 tỷ đồng, đạt 86,6% dự toán; trong đó thu nội địa gần 5.900 tỷ đồng, đạt 51,8% dự toán, bằng 65,5% so với cùng kỳ năm 2022; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 1.300 tỷ đồng đạt 46,4% dự toán, bằng 46,3% so với cùng kỳ năm 2022; tổng chi ngân sách địa phương ước thực hiện gần 13.100 tỷ đồng, đạt 78% dự toán, tăng 8% so với cùng kỳ năm 2022. Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 10 tháng ước đạt 85,5% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao và đạt 46,8% kế hoạch tỉnh phân bổ. Tỉnh đang tập trung triển khai công tác chuẩn bị tổ chức chương trình giao lưu văn hóa – kết nối doanh nghiệp Việt Nam – Hàn Quốc “Thai Binh Homecoming Day”. Công tác cải cách hành chính tiếp tục được quan tâm chỉ đạo. Công tác quốc phòng, quân sự được tăng cường; an ninh chính trị được giữ vững; trật tự an toàn xã hội được bảo đảm.
Đồng chí Nguyễn Quang Hưng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh phát biểu tại cuộc họp.
Về kế hoạch sản xuất trồng trọt năm 2024, toàn tỉnh phấn đấu diện tích lúa xuân trên 74.000ha trong đó lúa chất lượng cao khoảng 50% tổng diện tích gieo cấy, năng suất lúa đạt trên 70 tạ/ha, sản lượng trên 510.000 tấn; cây màu xuân khoảng 15.000ha, cây màu hè khoảng 11.000ha; lúa mùa trên 75.000ha trong đó lúa chất lượng cao chiếm 45 – 50% tổng diện tích gieo cấy, năng suất lúa mùa trên 60 tạ/ha, sản lượng trên 450.000 tấn; cây màu hè thu đạt 9.000ha và cây vụ đông trên 36.600ha.
Lãnh đạo UBND thành phố phát biểu tại cuộc họp.
Lãnh đạo Cục Thống kê tỉnh phát biểu tại cuộc họp.
Đối với việc thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX về tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng và phát triển Khu kinh tế Thái Bình, đến nay, Khu kinh tế Thái Bình đã thu hút được 3 dự án hạ tầng khu công nghiệp (Liên Hà Thái, Hải Long, VSIP Thái Bình). Tổng vốn đầu tư thu hút vào Khu kinh tế Thái Bình và các khu công nghiệp từ năm 2021 đến nay đạt gần 51.000 tỷ đồng, trong đó vốn FDI đạt 1,52 tỷ USD, cao gấp 1,8 lần tổng vốn FDI của tỉnh giai đoạn năm 2020 trở về trước.
Phát biểu kết luận, đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh thống nhất với những kết quả nổi bật trong phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh đạt được 10 tháng năm 2023; đồng thời nhấn mạnh một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục, chỉnh sửa như: ý thức trách nhiệm của lãnh đạo một số sở, ngành, địa phương chưa cao, chưa gắn với trách nhiệm trong chỉ đạo thực hiện một số nhiệm vụ chung theo yêu cầu của tỉnh; công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số còn chuyển biến chậm; việc giải quyết các vấn đề tồn tại chưa có nhiều chuyển biến; việc lấn chiếm đất đai và chuyển đổi mục đích sử dụng đất đang có chiều hướng phát sinh phức tạp.
Đồng chí yêu cầu trong 2 tháng cuối năm 2023, ngành nông nghiệp và các huyện, thành phố tiếp tục chỉ đạo sản xuất vụ đông đạt hiệu quả cao, chuẩn bị tốt các hệ điều kiện cho sản xuất vụ xuân năm 2024; theo dõi, nắm bắt, phát hiện, ngăn chặn kịp thời dịch bệnh nhằm bảo vệ an toàn đàn gia súc, gia cầm; nắm bắt, triển khai và tổ chức thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp. Tiếp tục thúc đẩy phát triển các hoạt động sản xuất; kinh doanh; giao Cục Thống kê tỉnh chủ trì phối hợp với một số sở, ngành làm việc với một số địa phương, doanh nghiệp trên cơ sở đó đánh giá kết quả sản xuất năm 2023, đồng thời xây dựng phương án, kịch bản phát triển kinh tế – xã hội năm 2024 sát với thực tiễn; đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, thực hiện nghiêm kỷ cương, kỷ luật hành chính trong giải ngân vốn đầu tư công, thực hiện điều chỉnh cắt giảm kế hoạch vốn đối với các dự án giải ngân chậm; tập trung cao độ cho công tác thu ngân sách nhà nước. Tiếp tục đẩy mạnh công tác xúc tiến, thu hút đầu tư vào tỉnh, hỗ trợ tuyệt đối cho nhà đầu tư; chuẩn bị tốt các điều kiện để tổ chức chương trình giao lưu văn hóa – kết nối doanh nghiệp Việt Nam – Hàn Quốc “Thai Binh Homecoming Day”. Theo dõi, phối hợp, đôn đốc để Quy hoạch tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 sớm được phê duyệt. Tăng cường huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tích cực tuyên truyền tạo sự đồng thuận của nhân dân trong việc sáp nhập xã. Chuẩn bị tốt các nội dung trình tại kỳ họp thứ bảy, HĐND tỉnh khóa XVII. Làm tốt công tác quốc phòng, an ninh. Thực hiện tốt các kết luận thanh tra, kiểm tra, kiểm toán; chủ động thực hiện tốt công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo ngay từ cơ sở.
Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại cuộc họp.
Đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cũng thống nhất với kế hoạch sản xuất trồng trọt năm 2024; đồng thời quán triệt thực hiện nghiêm lịch thời vụ, chú trọng áp dụng khoa học kỹ thuật và quản lý khoa học các sản phẩm nông nghiệp; tích cực thực hiện tích tụ, tập trung đất đai, xây dựng thương hiệu lúa gạo nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất.
Đối với báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX về tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng và phát triển Khu kinh tế Thái Bình, đồng chí khẳng định: Việc xây dựng và phát triển Khu kinh tế Thái Bình đã tạo sự chuyển biến tích cực trong công tác thu hút đầu tư của tỉnh, tạo làn sóng đầu tư vào tỉnh. Chính vì thế, trong thời gian tới, Ban Quản lý Khu kinh tế và các khu công nghiệp tỉnh, các sở, ngành liên quan tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, lan tỏa hình ảnh Thái Bình thân thiện, gần gũi, tích cực, trách nhiệm trong hỗ trợ nhà đầu tư khi đầu tư vào tỉnh.
Về một số tờ trình, đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Sở Lao động – Thương binh và Xã hội rà soát lại Quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách nhà nước thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 – 2025 ban hành kèm theo Nghị quyết số 05/2022/NQ-HĐND của HĐND tỉnh; thống nhất tờ trình về việc đề nghị điều chỉnh một số nội dung đề án bảo đảm cơ sở vật chất cho lực lượng công an xã theo Nghị quyết số 57/NQ-HĐND của HĐND tỉnh.
Minh Hương