Ngày 17/6, Quốc hội bước sang tuần làm việc thứ 4, Kỳ họp thứ 7, buổi sáng, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc – Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) – Chơn Thành (Bình Phước) và điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030.
Các đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình tham dự phiên họp ngày 17/6.
Tham gia thảo luận, các đại biểu tán thành sự cần thiết đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc – Nam phía Tây, giai đoạn Gia Nghĩa – Chơn Thành để từng bước hoàn thiện mạng lưới đường bộ cao tốc, mở ra không gian phát triển mới cho các địa phương; tăng cường liên kết vùng nói chung và liên kết nội vùng nói riêng, tạo động lực, sức lan tỏa thuận lợi kết nối Cảng hàng không quốc tế Long Thành và Cảng Cái Mép Thị Vải, phục vụ phát triển kinh tế – xã hội vùng Tây Nguyên và Đông Nam bộ, giúp tăng cường việc bảo đảm quốc phòng và an ninh.
Tán thành với nhiều nội dung trong dự thảo nghị quyết, tuy nhiên các đại biểu cũng đề nghị cần rà soát việc tuân thủ các quy hoạch, các chỉ tiêu, kế hoạch sử dụng đất, phạm vi, quy mô phân kỳ đầu tư, phân chia dự án thành phần; về quy mô phân kỳ đầu tư, phân chia dự án thành phần số làn xe, làn dừng khẩn cấp, đường cong, hầm chui dân sinh, đánh giá kỹ các yếu tố tác động đến tiến độ triển khai dự án như thu hồi đất, bồi thường, bố trí tái định cư, đáp ứng nguyên liệu cho các dự án để bảo đảm tiến độ hoàn thành dự án, đánh giá ảnh hưởng của các dự án đến việc thực hiện các dự án giao thông BOT song hành. Đề nghị rà soát sơ bộ tổng mức đầu tư, cơ cấu vốn, khả năng bố trí vốn, nhất là khả năng của các địa phương, khả năng hấp thụ vốn, thời hạn giải ngân; cơ sở, căn cứ tính khả thi của việc đầu tư dự án theo phương thức đối tác công tư; phương án tài chính việc lựa chọn nhà đầu tư; tổ chức tín dụng tham gia đầu tư dự án; việc thu hồi đất, đền bù hỗ trợ tái định cư cần công khai, minh bạch có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành và các địa phương, bảo đảm ổn định cuộc sống cho người dân. Việc triển khai các chính sách đặc thù phải tiết kiệm, hiệu quả, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực. Việc phân cấp cho địa phương cần bảo đảm khả năng thực hiện, phân định rõ quyền hạn, trách nhiệm, cơ chế phối hợp của Bộ Giao thông Vận tải các bộ ngành, các địa phương trong quá trình thực hiện dự án…
Về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030: Qua thảo luận, đa số ý kiến đại biểu Quốc hội cơ bản nhất trí với sự cần thiết xem xét, điều chỉnh một số nội dung, chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ giải ngân các dự án, tiểu dự án trong chương trình. Thống nhất trình Quốc hội đưa vào Nghị quyết chung của Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV và không ban hành Nghị quyết riêng, với nội dung Quốc hội thống nhất về nguyên tắc điều chỉnh một số nội dung liên quan đến chủ trương chương trình mục tiêu quốc gia cả về nguồn vốn đầu tư công, vốn thường xuyên, phạm vi và đối tượng. Giao cho Chính phủ chịu trách nhiệm về việc chỉ đạo rà soát, điều chỉnh, ban hành danh mục đầu tư cụ thể, bảo đảm các nguyên tắc, hiệu quả, mục tiêu chương trình và không làm thay đổi tổng mức vốn của chương trình giai đoạn 2021-2025 đã được Quốc hội phê duyệt.
Buổi chiều, Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường để nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra về dự án Luật Công chứng; tờ trình và báo cáo thẩm tra về dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi). Tiếp đó, các vị đại biểu Quốc hội tiến hành thảo luận ở tổ về dự án Luật Công chứng (sửa đổi); dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng.
Vũ Sơn Tùng
(Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh)