Tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, sáng 3/6 tại Nhà Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương điều hành nội dung phiên họp toàn thể tại hội trường, thảo luận về dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi).
Các vị đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình tham dự phiên họp tại hội trường.
Đã có 19 lượt đại biểu Quốc hội phát biểu và 1 ý kiến tranh luận. Với không khí thảo luận sôi nổi, dân chủ, khách quan và nhiều thông tin, các ý kiến đều có căn cứ chính trị pháp lý và thực tiễn rõ ràng, sâu sắc, toàn diện, thể hiện sự quan tâm và trách nhiệm cao của các đại biểu đối với dự thảo luật.
Thảo luận tại phiên họp, đa số các đại biểu nhất trí về sự cần thiết sửa đổi Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ để thể chế hóa đầy đủ, kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tăng cường công tác quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm các giấy tờ không cần thiết nhằm bảo đảm phù hợp với thực tiễn, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan, tổ chức và người dân; tạo hành lang pháp lý vững chắc trong công tác quản lý nhà nước và phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm, vi phạm pháp luật về lĩnh vực này; đồng thời khắc phục những bất cập, hạn chế, vướng mắc trong quá trình thi hành, áp dụng Luật thời gian qua.
Tham gia thảo luận, đại biểu Trần Khánh Thu, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình thể hiện sự nhất trí và cho rằng phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật là phù hợp, cơ bản đã kế thừa Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ của năm 2017. Đồng thời, bảo đảm quy định rõ nguyên tắc trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ, nhằm bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, phục vụ phát triển kinh tế – xã hội, thể hiện thiện chí của Việt Nam trong việc thực hiện các điều ước quốc tế về phòng, chống buôn bán bất hợp pháp vũ khí phòng, chống khủng bố, vũ khí hủy diệt hàng loạt mà Việt Nam là thành viên.
Tham gia một số nội dung cụ thể, đại biểu cho rằng quy định luật giải thích từ ngữ về công cụ hỗ trợ đang có nhiều điểm chồng lấn với quy định về vũ khí quân dụng. Việc không phân biệt rõ 2 khái niệm này dẫn tới việc xác định áp dụng chính sách quản lý đối với vũ khí và công cụ hỗ trợ gặp khó khăn. Đề nghị Ban soạn thảo rà soát lại quy định về 2 khái niệm này để quy định phân biệt rõ vũ khí quân dụng và công cụ hỗ trợ; nhất trí với quy định bổ sung dao có tính sát thương cao là vũ khí thô sơ. Tuy nhiên, đại biểu kiến nghị Bộ Công an phải có thông tư quy định cụ thể để tránh xử lý oan sai đối với các trường hợp sử dụng dao vào mục đích lao động, sản xuất, sinh hoạt tại gia đình và cần phân định cụ thể các loại dao được xếp vào nhóm vũ khí thô sơ dựa trên tiêu chí như độ sắc bén, kích thước, sát thương cao thuộc danh mục do Bộ Công an ban hành và cần có quy định rõ về các hành vi vi phạm; đề nghị sửa đổi cơ quan, tổ chức, cá nhân quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ phải bảo đảm đầy đủ điều kiện theo quy định để bảo đảm khái quát hết các đối tượng chịu chi phối của luật; đề nghị cần có quy định cụ thể hơn về tổ chức, quy định, trình tự, thủ tục của đơn vị được phép thực hiện đào bới, tìm kiếm vũ khí, vật liệu nổ…
Trước đó, đầu giờ buổi sáng, Quốc hội đã nghe trình bày tờ trình và báo cáo thẩm tra chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 – 2035.
Buổi chiều, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ.
Các đại biểu Quốc hội đã tham gia thảo luận thể hiện sự nhất trí với việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn qua 5 năm thi hành; quán triệt và cụ thể hóa quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng về xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về cảnh vệ; khắc phục những bất cập, hạn chế; tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện công tác cảnh vệ; tạo cơ sở pháp lý đầy đủ; bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật quy định về công tác cảnh vệ; xây dựng lực lượng cảnh vệ chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, hội nhập quốc tế. Ngoài ra, các đại biểu đã tham gia vào một số nội dung của dự thảo như về bổ sung giải thích “chế độ cảnh vệ”; về bổ sung các quy định liên quan đến biện pháp cảnh vệ; về đối tượng cảnh vệ; về sửa đổi quy định bố trí lực lượng cảnh vệ; về bổ sung quy định thuê lực lượng, phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật để thực hiện công tác cảnh vệ; về giấy bảo vệ đặc biệt…
Vũ Sơn Tùng
(Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh)