Trong 30 năm xây dựng và phát triển, Liên minh Hợp tác xã (HTX) tỉnh đã giữ vai trò nòng cốt trong phát triển kinh tế tập thể (KTTT), HTX, nhất là làm tốt vai trò cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với khu vực KTTT, HTX, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của thành viên. Ngoài ra, còn phối hợp tham mưu xây dựng nhiều chính sách hỗ trợ, xây dựng mô hình HTX sản xuất gắn với chuỗi giá trị. Qua đó ngày càng khẳng định vai trò, vị thế của Liên minh HTX tỉnh.
Vùng sản xuất rau theo hướng hữu cơ của HTX Nông nghiệp xanh xã Trung An (Vũ Thư).
Từng bước lớn mạnh
Ngày 30/10/1993, Đại hội đại biểu toàn quốc các HTX Việt Nam lần thứ nhất được tiến hành. Đại hội đã thông qua Điều lệ Hội đồng Trung ương Liên minh các HTX Việt Nam là tổ chức hỗ trợ, đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích cho các HTX thuộc các lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp, giao thông vận tải, thương mại dịch vụ, xây dựng và các ngành nghề phi nông nghiệp khác. Năm 2000, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II quyết định đổi tên Hội đồng Trung ương Liên minh các HTX Việt Nam thành Liên minh HTX Việt Nam.
30 năm xây dựng và phát triển, trải qua 6 kỳ đại hội, nhiều thế hệ cán bộ nối tiếp nhau, Liên minh HTX tỉnh đã phát huy được vai trò đại diện cho lĩnh vực KTTT; vị thế của Liên minh HTX tỉnh tiếp tục được khẳng định, thực sự là chỗ dựa tin cậy cho các HTX và doanh nghiệp thành viên phát triển, đã thực hiện tốt nhiệm vụ Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo phát triển KTTT tỉnh; tham gia thực hiện có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia; thực hiện tốt chức năng đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của thành viên; tăng cường hoạt động tư vấn, hỗ trợ, cung ứng một số dịch vụ công cho khu vực KTTT, HTX; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đào tạo, cung ứng dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ tổ chức lại, thành lập mới HTX, xây dựng nhiều HTX sản xuất gắn với chuỗi giá trị.
Đến nay, toàn tỉnh có 461 HTX, quỹ tín dụng nhân dân; 1 liên hiệp HTX với hơn 465.000 thành viên. Các HTX, quỹ tín dụng nhân dân phát triển rộng khắp ở các huyện, thành phố. Liên minh HTX tỉnh đã thu hút được 440 thành viên, trong đó có 333 HTX, 85 quỹ tín dụng nhân dân và 22 doanh nghiệp.
Nuôi tôm công nghệ cao tại HTX Thanh niên nuôi trồng thủy sản và thương mại dịch vụ Tiến Đạt (Thái Thụy).
Thay đổi tư duy kinh tế tập thể
Có thể khẳng định, với tính chất là tổ chức KTTT, ngoài ý nghĩa về mặt kinh tế, các HTX đã thúc đẩy kinh tế hộ phát triển thông qua các dịch vụ hỗ trợ sản xuất, kinh doanh. Các HTX trong lĩnh vực nông nghiệp đã khẳng định vai trò quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội; thực hiện tốt các hoạt động dịch vụ, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tích cực tham mưu với chính quyền địa phương triển khai công tác phân vùng sản xuất, đầu tư sản xuất theo hướng thâm canh, chuyên canh cao gắn với chương trình tái cơ cấu nông nghiệp, nâng cao hiệu quả sản xuất, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm. Đặc biệt, một số HTX nông nghiệp tổ chức sản xuất gắn với chuỗi giá trị, áp dụng công nghệ cao đã góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế, thúc đẩy quá trình xây dựng nông thôn mới ở các địa phương. Những hiệu quả ấy đã làm thay đổi tư duy, nhận thức của người dân đối với việc tham gia HTX, tổ hợp tác. Do vậy, thời gian gần đây số lượng HTX thành lập mới tăng đáng kể. Đến nay đã có một số mô hình HTX kiểu mới hoạt động hiệu quả, áp dụng tiến bộ kỹ thuật chuyển đổi phương thức sản xuất, tạo sản phẩm sạch, an toàn, từng bước tham gia vào các chuỗi giá trị sản phẩm như: HTX Chăn nuôi tổng hợp xã Đông Xuyên (Tiền Hải), HTX Nông nghiệp xanh Trung An (Vũ Thư), HTX DVNN xã An Ninh (Quỳnh Phụ), HTX Thanh niên nuôi trồng thủy sản và thương mại dịch vụ Tiến Đạt (Thái Thụy)… Những đóng góp của các HTX này nói riêng và các HTX trong toàn tỉnh nói chung đã được Liên minh HTX tỉnh ghi nhận, tôn vinh trong phong trào phát triển KTTT và nhân rộng các mô hình HTX làm ăn hiệu quả tại địa phương. Qua đó kịp thời động viên, khen thưởng những cách làm hay, những mô hình sáng tạo và hiệu quả. Đến nay toàn tỉnh có 112 sản phẩm OCOP cấp tỉnh được xếp hạng 3 sao, 4 sao, trong đó có đóng góp 29 HTX nông nghiệp với 33 sản phẩm OCOP.
Điểm giới thiệu, bán sản phẩm OCOP của HTX DVNN xã An Ninh (Quỳnh Phụ).
Quỹ tín dụng nhân dân đã triển khai nhiều sản phẩm dịch vụ thiết thực đáp ứng nhu cầu vốn cho sản xuất, kinh doanh, tạo điều kiện cho thành viên vay vốn phát triển sản xuất, giải quyết những khó khăn trong đời sống, hạn chế tình trạng tín dụng đen và thực hiện có hiệu quả mục tiêu giảm nghèo ở nông thôn. Các HTX trong lĩnh vực phi nông nghiệp hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, thành viên tham gia góp vốn vào HTX theo quy định của pháp luật, xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh dịch vụ phù hợp với nhu cầu của thị trường, các phương án sản xuất, kinh doanh có tính khả thi cao. Nhiều HTX đầu tư máy móc, thiết bị, đổi mới công nghệ, thu hút lao động, tận dụng và khai thác tối đa nguồn nguyên liệu tại địa phương.
Nhằm phát huy hơn nữa trách nhiệm của mình trong giai đoạn mới, Liên minh HTX tỉnh sẽ tập trung làm tốt vai trò là tổ chức đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức KTTT, góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Bên cạnh đó, phát huy vai trò hướng dẫn, chia sẻ thông tin, vận động thực hiện các chính sách đối với KTTT. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về KTTT, HTX mà trọng tâm là Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 16/6/2022 Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới; Chương trình hành động của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Kế hoạch của UBND tỉnh thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW; tiếp tục nâng cao nhận thức về KTTT, HTX trong hệ thống Liên minh HTX.
Trần Văn Toản
(Ủy viên Ban Chấp hành Liên minh HTX Việt Nam, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh)