Sáng ngày 21/11, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất.
Đại biểu Phan Đức Hiếu, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình phát biểu thảo luận.
Tại phiên thảo luận, các đại biểu Quốc hội tán thành với sự cần thiết xây dựng dự thảo Nghị quyết để thể chế hóa chủ trương của Đảng, tăng thêm điều kiện tiếp cận đất đai cho phát triển nhà ở thương mại, góp phần phát triển kinh tế – xã hội, tăng nguồn cung cấp của nhà ở, đáp ứng nhu cầu của người dân. Đặc biệt, nội dung của dự thảo Nghị quyết đã thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng tại Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao. Ngoài ra, các đại biểu đã cho ý kiến về tên gọi, nội dung, bố cục, phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, điều kiện áp dụng, tiêu chí lựa chọn dự án thí điểm, đất và dự án nhà ở thương mại bán cho cán bộ, chiến sĩ của lực lượng vũ trang. Các đại biểu cũng đề nghị lưu ý bảo đảm diện tích đất trồng lúa, tỷ lệ che phủ rừng, có giải pháp ngăn chặn tiêu cực, đầu cơ, trục lợi chính sách hoặc để đất hoang hóa, đầu cơ vượt nhu cầu làm ảnh hưởng đến thị trường bất động sản, gây hệ lụy cho nền kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô.
Để bảo đảm tính khả thi của Nghị quyết và tránh chồng chéo, xung đột với các dự án luật có liên quan, tham gia thảo luận, đại biểu Phan Đức Hiếu, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình đề nghị làm rõ một số nội dung như khái niệm dự án để phù hợp với quy hoạch phát triển bất động sản; quy định về phần diện tích tăng thêm; về thí điểm hình thức nhà ở thương mại dành riêng cho lực lượng vũ trang; về hình thức thỏa thuận chuyển nhượng quyền sử dụng đất và chuyển mục đích sử dụng; quy định cụ thể về nội dung lấy ý kiến Bộ Quốc phòng, Bộ Công an; về thủ tục UBND trình HĐND các cấp thông qua danh mục đất dự kiến; về tiêu chí và điều kiện danh mục đất dự kiến; quy định điều kiện chuyển mục đích đang có quyền sử dụng đất…
Tiếp đó, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án, đất đai trong kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Đà Nẵng và tỉnh Khánh Hòa.
Buổi chiều, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược. Theo đó, với kết quả 88,94% đại biểu tham gia biểu quyết tán thành thông qua, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược đã chính thức được thông qua tại kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XV.
Dự thảo Luật được biểu quyết thông qua gồm 3 điều, trong đó Điều 1 sửa đổi 50 điều, bãi bỏ 2 điểm, 2 khoản và 1 điều của Luật Dược hiện hành, bổ sung 3 điều mới; Điều 2 sửa đổi, bổ sung Phụ lục số 1 ban hành kèm theo Luật Giá số 16/2023/QH15; Điều 3 về điều khoản thi hành. Dự thảo Luật bổ sung một số quy định mang tính đột phá hơn so với Luật Dược năm 2016 để thu hút đầu tư và thúc đẩy hơn nữa việc nghiên cứu phát triển sản xuất thuốc, nguyên liệu làm thuốc như chính sách ưu tiên về các thủ tục hành chính khi cấp giấy đăng ký lưu hành, cấp phép nhập khẩu; chính sách áp dụng các cơ chế ưu đãi, hỗ trợ từ các quỹ hỗ trợ cho hoạt động khoa học và công nghệ trong nghiên cứu, phát triển, thử nghiệm lâm sàng, chuyển giao công nghệ, sản xuất thuốc, nguyên liệu làm thuốc; chính sách giữ giá, giảm giá đối với một số nhóm thuốc chuyển giao công nghệ sản xuất; chính sách chuyển đổi số trong các hoạt động về dược; xác định quy mô dự án thuộc lĩnh vực dược được áp dụng ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đặc biệt và giao Chính phủ quy định chi tiết để bảo đảm tính khả thi, đưa các chính sách của Nhà nước về dược và phát triển công nghiệp dược đi vào cuộc sống.
Tiếp đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên thảo luận ở hội trường về việc thành lập Thành phố Huế trực thuộc Trung ương và dự thảo Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hải Phòng.
Vũ Sơn Tùng
(Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh)
Nguồn: https://baothaibinh.com.vn/tin-tuc/1/212477/tiep-tuc-chuong-trinh-ky-hop-thu-tam-quoc-hoi-thao-luan-ve-cac-du-thao-nghi-quyet