Sáng ngày 31/10, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự thảo nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hải Phòng và việc thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương.
Các đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình dự phiên họp.
Đồng chí Nguyễn Khắc Định, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội tham dự phiên thảo luận tại tổ 10 gồm đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh: Thái Bình, Đắk Nông và Tiền Giang. Đồng chí Ngô Đông Hải, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình chủ trì buổi thảo luận.
Các đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình đã tham gia thảo luận thể hiện tán thành với sự cần thiết về việc thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương. Việc thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy các giá trị di sản cố đô cũng như bản sắc văn hóa của Huế là phù hợp; thể hiện tư duy đổi mới về phát triển đô thị.
Các đại biểu cũng đánh giá các tiêu chuẩn và điều kiện thành lập theo quy định pháp luật đều đáp ứng yêu cầu, hồ sơ bảo đảm đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét quyết định thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và quy mô dân số của tỉnh Thừa Thiên – Huế. Tuy nhiên, đề nghị các bộ, ngành Trung ương quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho thành phố Huế trực thuộc Trung ương sau khi được thành lập trong việc giải quyết các vấn đề khó khăn, vướng mắc; đặc biệt là tiếp tục hoàn thiện thể chế và tổ chức thực thi pháp luật để phát triển kinh tế – xã hội, tạo đột phá mới dựa trên nền tảng, thế mạnh và đặc thù của địa phương, thu hẹp khoảng cách giữa các vùng trong địa phương, giữa vùng trung tâm và vùng ngoại vi; tiếp tục phát huy giá trị di sản cố đô Huế…
Cũng tại phiên thảo luận, các đại biểu góp ý vào nhiều nội dung cụ thể tại dự thảo Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hải Phòng, như: mô hình tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hải Phòng; nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương khi tổ chức chính quyền đô thị; cơ cấu tổ chức của HĐND và UBND…
Buổi chiều, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành phiên họp.
Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh bày tỏ mong muốn Quốc hội thông qua dự án Luật tại kỳ họp này để Luật sớm có hiệu lực thi hành, đồng bộ với Luật Khám bệnh, chữa bệnh, qua đó sớm tháo gỡ, giải quyết những bất cập, vướng mắc phát sinh trong thực tiễn, bảo đảm quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) cũng như quyền lợi của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Tham gia về đối tượng tham gia BHYT là học sinh, sinh viên, đại biểu đề nghị tăng hỗ trợ mức đóng lên 50% và đóng theo cơ sở giáo dục đào tạo mà không để tự lựa chọn hình thức đóng. Như vậy, sẽ kéo theo 2,8% số học sinh, sinh viên còn lại chưa tham gia sẽ tham gia BHYT.
Liên quan tới sử dụng quỹ BHYT, đại biểu đề nghị tăng thêm tỷ lệ dành cho khám bệnh, chữa bệnh. Đại biểu phân tích, về nguyên tắc, quỹ BHYT là quỹ ngắn hạn, thu năm nào chi năm đó, chỉ để kết dư một phần để gối đầu năm sau và bổ sung phần thiếu hụt quỹ khám chữa BHYT. Theo báo cáo của Bộ Y tế, hiện nay quỹ dự phòng đang tích lũy gần 50% quỹ khám chữa bệnh hàng năm mà chưa có biện pháp điều tiết phân bổ từ đầu năm cho kinh phí khám bệnh, chữa bệnh hoặc tăng quyền lợi, mức hưởng. Do đó, nếu tiếp tục để tối thiểu 5% quỹ dự phòng là rất cao, có thể gây khó khăn cho nguồn chi khám chữa bệnh cho nhân dân. Do đó, đại biểu cho rằng cần thiết phải tính toán cụ thể để dự phòng bao nhiêu cho phù hợp với gối đầu khi chưa thu kịp.
Thống nhất với sự cần thiết sửa đổi Luật Bảo hiểm y tế và đề xuất thông qua Luật theo quy trình 1 kỳ họp, đại biểu Trần Khánh Thu, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh cho biết, dự thảo Luật có những điều khoản sẽ có hiệu lực ngay từ ngày 1/1/2025 nên có thể có những văn bản quy định thường có hiệu lực ngay dẫn đến khó khăn cho các cơ sở y tế. Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo xem xét những gì quy định được trong Luật thì cố gắng quy định cụ thể và khẩn trương hoàn thiện các dự thảo quy định hiện giao cho các cấp.
Tham gia về cơ chế thông tuyến cho phép người bệnh đến khám, chữa bệnh ở cơ sở khác không cần giấy chuyển tuyến. Đại biểu cho rằng quy định sẽ hỗ trợ cho người tham gia BHYT tiếp cận dịch vụ thuận lợi hơn; nhưng có thể sẽ bỏ qua cơ hội phát hiện sớm một số triệu chứng bệnh do người bệnh đã bỏ qua chăm sóc sức khỏe ban đầu để lên khám, chữa bệnh tại tuyến cao hơn, kể cả trong trường hợp không cần thiết. Điều này sẽ dẫn đến giảm hiệu suất; thậm chí phá vỡ phân cấp chuyên môn của hệ thống y tế. Vì vậy, đề nghị giữ nguyên phạm vi hưởng như lộ trình thông tuyến khám, chữa bệnh BHYT hiện nay nhưng điều chỉnh bổ sung quy định giao Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành định nghĩa bệnh hiếm và danh mục bệnh hiểm nghèo, bệnh hiếm được sử dụng giấy chuyển tuyến 1 lần dùng trọn quá trình điều trị chứ không phải có thời hạn trong năm tài chính như hiện nay. Đề nghị tiếp tục tăng cường củng cố năng lực cho hệ thống y tế cơ sở để có thể thực hiện điều trị cấp thuốc điều trị ngoại trú cho một số bệnh mạn tính đồng nhất trên các cấp chuyên môn các cơ sở y tế. Tăng cường các quy định giải quyết triệt để các bức xúc trong quá trình cấp giấy chuyển tuyến…
Vũ Sơn Tùng
(Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh)
Nguồn: https://baothaibinh.com.vn/tin-tuc/1/211088/tiep-tuc-chuong-trinh-ky-hop-thu-tam-quoc-hoi-thao-luan-ve-cac-du-an-luat-nghi-quyet