Hoàng Thị Hồng Nga (sinh năm 2001) là thủ khoa đầu ra ngành Công nghệ Nông nghiệp thuộc Trường Đại học Công nghệ – Đại học Quốc gia Hà Nội. Em tốt nghiệp với điểm số 3.78/4.0.
Em cũng là một trong 100 thủ khoa trong Lễ tuyên dương thủ khoa xuất sắc tốt nghiệp các trường đại học, học viện trên địa bàn Hà Nội năm 2024.
“Đây là món quà em dành tặng cho gia đình của mình – những người đã đồng hành và hỗ trợ em trong suốt 4 năm học. Cảm xúc của em dường như vỡ òa khi được đứng trên sân khấu và nhận giải thưởng danh giá này”, Hồng Nga xúc động.
Vào ngày lễ tuyên dương diễn ra, chỉ có anh trai Hồng Nga đến dự. Vì hoàn cảnh gia đình đặc biệt khi mẹ em đã mất vào năm ngoái và bố em sức khỏe yếu. Nhưng ngày hôm đó đối với Hồng Nga là một ngày đáng nhớ khi những nỗ lực và sự cố gắng của em đã được đền đáp xứng đáng.
Điều quan trọng là một trái tim kiên cường
Trải qua ba lần tai nạn giao thông, thần kinh của bố Hồng Nga bị ảnh hưởng nặng nề. Điều này đã dẫn đến việc ông mất đi khả năng lao động. Từ nhỏ, mẹ của Hồng Nga đã là trụ cột gia đình. Bằng sự hy sinh của mình, bà đã một mình gánh vác trách nhiệm, nuôi anh em Hồng Nga học đại học.
Sau một thời gian cân nhắc, Hồng Nga đã quyết định lựa chọn ngành Công nghệ Nông nghiệp. Ban đầu, em vấp phải sự phản đối từ gia đình khi nhiều người quan niệm học nông nghiệp thì sẽ vất vả và chỉ là công việc tay chân ngoài ruộng đồng.
Nhưng với Nga, em hiểu rằng: “Em lựa chọn nông nghiệp bởi vì đây là xương sống của nền kinh tế Việt Nam. Qua những câu chuyện về những mùa màng trắng tay, khi được giá lại mất mùa, khi được mùa lại rơi vào cảnh mất giá, em càng thấm thía được tầm quan trọng của việc ứng dụng công nghệ hiện đại vào trong nông nghiệp.
Thời điểm đó, em mong muốn có thể tìm ra được những phương pháp và kỹ thuật canh tác hiệu quả để hỗ trợ người nông dân. Từ đó giúp ngành nông nghiệp Việt Nam trở nên vững mạnh và vươn mình ra biển lớn”.
Sau một thời gian thuyết phục gia đình bằng những thành tích tốt trên trường, Hồng Nga cũng dần được gia đình ủng hộ và động viên.
Ngoài việc học tập trên giảng đường, nữ sinh còn tham gia các hoạt động tình nguyện, nghiên cứu khoa học và một số dự án khác. Có thời điểm, Hồng Nga cảm thấy bị “quá tải” và không thích nghi được với cường độ làm việc và lịch trình nghiên cứu dày đặc.
Những thử thách mà Hồng Nga trải qua trước đó dường như là không là gì so với cú sốc mà em nhận được vào cuối năm 3 đại học. Sau khi biết tin mẹ của mình, người đã đồng hành, che chở và nuôi dưỡng em từ thuở bé, mắc phải căn bệnh ung thư, em đã chới với và vô định với cuộc đời.
Khoảng thời gian ấy là chuỗi ngày khắc nghiệt nhất trong cuộc đời của Hồng Nga. Từ giảng đường, phòng thí nghiệm nghiên cứu đến bệnh viện, nữ sinh đã phải liên tục di chuyển giữa ba nơi. Đồng thời, em phải cố gắng giữ cho tinh thần ổn định để trở thành chỗ dựa vững chắc cho mẹ.
Sau một quãng thời gian chiến đấu với căn bệnh ung thư, mẹ của Hồng Nga qua đời.
“Mẹ thường nấu những bữa cơm như một lời động viên tinh thần vào những lúc em gặp khó khăn. Đây là ngôn ngữ tình yêu của mẹ. Một ngôn ngữ mà dường như em không thể tìm lại được nữa. Có những lúc, em sợ quên đi hương vị mà mẹ nấu. Hay không còn nhớ canh mẹ nấu sẽ ngọt, mặn ra sao nữa”, Nga bộc bạch.
Với nữ sinh, hương vị tình thân đó giống như liều thuốc tiếp thêm sức mạnh cho em suốt những năm tháng đi học.
Hiểu được sống là phải bước tiếp, nữ sinh nhớ lấy lời mẹ dù cho có khó khăn đến đâu, khi đã đi trên con đường mình chọn thì phải tin vào nỗ lực của mình. Hồng Nga nhanh chóng quay trở lại nhịp sống của mình: tiếp tục đi học, nghiên cứu và trở thành chỗ dựa tinh thần cho gia đình hiện tại.
Ở lễ tốt nghiệp của mình, đứng trước toàn thể sinh viên, nữ sinh nhắc lại lời dặn dò của mẹ: “Hãy tiếp tục tiến bước, dù cho con đường có chông gai. Niềm tin và ý chí bền bỉ, quyết tâm làm đến cùng sẽ giúp bạn đạt được mọi mục tiêu trên hành trình chinh phục ước mơ của bạn.
Không một hòn đá nào, dù to lớn đến đâu, có thể ngăn cản được bước chân kiên cường của những con người luôn nuôi dưỡng hy vọng và không bao giờ chịu quỳ gối trước số phận”.
Chân “cứng” thì đá nào cũng phải “mềm”
Hồng Nga nhớ lại, vào năm 2, nữ sinh tham gia dự án “Trồng khoai lang tím hữu cơ tại trang trại hữu cơ Kikubara” để học hỏi mô hình canh tác nông nghiệp thực tế. Thời gian di chuyển từ nhà đến trang trại là hơn 20km. Vừa phải tham gia lớp học, vừa di chuyển thời gian để thực nghiệm trồng khoai đã khiến Hồng Nga không thể thích nghi được với nhịp độ công việc.
“Sau khi điều chỉnh và ổn định tinh thần, em đã sắp xếp thời gian một cách khoa học và hiệu quả. Nhờ có sự hỗ trợ từ các bạn đồng khóa và sự giúp đỡ của anh quản lý trang trại, em đã nhanh chóng thích ứng với nhịp độ công việc. Từ đó, em đã hoàn thành tốt bài nghiên cứu khoa học và bài tập trên lớp”, Nga bộc bạch.
Nữ sinh cho biết việc sắp xếp thời gian hợp lý có thể nâng cao được hiệu quả cho người học. Ngoài việc lên lịch và chuẩn bị bài trước cho một số môn học, người học cần thành thạo khả năng ghi chép bằng sơ đồ tư duy.
Đặc biệt, Hồng Nga chia sẻ bản thân đã áp dụng thành công phương pháp ghi chép bằng sơ đồ tư duy, sử dụng các ứng dụng thẻ học tập Quizlet, Anki vào quá trình học tập của mình để có được thành tích đáng nể trên.
TS. Hà Thị Quyến, giảng viên hướng dẫn nghiên cứu khoa học và đồ án tốt nghiệp của nữ sinh nhận xét: “Hồng Nga là một nữ sinh thông minh, siêng năng, có ý chí và nghị lực vượt khó. Xuất thân từ nông thôn với điều kiện hoàn cảnh khó khăn, nhưng với năng lực học tốt em đã trúng tuyển vào khoa với vị trí thủ khoa đầu vào.
Với khát khao giúp bà con nông dân vơi bớt nhọc nhằn trong sản xuất bằng cách ứng dụng những công nghệ tiên tiến vào trong khâu sản xuất nông nghiệp để tăng giá trị nông sản và đưa nông sản của Việt Nam ra thế giới, em quyết tâm trở thành một kỹ sư công nghệ cho ngành nông nghiệp.
Tôi cũng như thầy cô của khoa và trường rất tự hào về em. Với những tiềm năng sẵn có của bản thân cùng ý chí phấn đấu quyết tâm làm theo hướng đi mình chọn, tôi tin rằng tương lai phía trước của em sẽ rất rộng mở”.
Hiện tại, Hồng Nga đang thực hiện những dự án mang tính đổi mới tại các hợp tác xã vùng núi, với trọng tâm là phát triển nông nghiệp bền vững và thân thiện với môi trường. Trực tiếp xuống địa bàn, nữ sinh đào tạo và hướng dẫn cho người nông dân những phương pháp canh tác tiên tiến, giúp họ nâng cao năng suất và hiệu quả sản xuất thông qua việc áp dụng kỹ thuật tưới tiêu khoa học và mô hình trồng trọt thế hệ mới.
Chia sẻ với phóng viên Dân trí, Hồng Nga cho biết sau khi tích lũy kinh nghiệm từ việc đi làm và tiếp xúc với các hợp tác xã, mô hình canh tác nông nghiệp thực tế, em sẽ tiếp tục học chương trình cao hơn và nghiên cứu sâu hơn về nông nghiệp bền vững.
Dantri.com.vn
Nguồn:https://dantri.com.vn/giao-duc/thu-khoa-tot-nghiep-xuat-sac-va-mon-qua-danh-tang-nguoi-me-da-khuat-20241223065955190.htm