Thứ ba, ngày 21/11/2023, Quốc hội bước vào ngày làm việc thứ 17 của Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV tại Nhà Quốc hội dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.
Quang cảnh phiên họp của Quốc hội ngày 21/11/2023. (Ảnh: DUY LINH).
Quốc hội họp phiên toàn thể tại Hội trường dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, nghe:
(1) Bộ trưởng Công an Tô Lâm, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2023;
(2) Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí trình bày Báo cáo công tác năm 2023 của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
(3) Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình trình bày Báo cáo công tác của Tòa án nhân dân năm 2023;
(4) Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo về công tác thi hành án năm 2023;
(5) Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày Báo cáo thẩm tra các báo cáo về công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật và công tác thi hành án năm 2023;
(6) Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2023;
(7) Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày Báo cáo thẩm tra Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2023.
Sau đó, Quốc hội dành cả ngày làm việc thảo luận về các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2023.
Tại phiên thảo luận có 19 đại biểu phát biểu, trong đó ý kiến đại biểu cơ bản thống nhất với nội dung các báo cáo; bên cạnh đó, các đại biểu tập trung thảo luận về những nội dung sau:
1. Về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật: Tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm năm 2023 (diễn biến, tính chất và đặc điểm mới của tội phạm và vi phạm pháp luật so với năm 2022, những vấn đề tội phạm và vi phạm pháp luật nổi lên mà dư luận xã hội và cử tri quan tâm và nguyên nhân); kết quả công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; dự báo tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật trong thời gian tới; những tồn tại, hạn chế trong quản lý nhà nước trên các lĩnh vực của đời sống kinh tế-xã hội là những nguyên nhân dẫn đến tội phạm, vi phạm pháp luật; các giải pháp khắc phục; việc chấp hành pháp luật trong công tác xử lý tội phạm và vi phạm pháp luật trên các lĩnh vực: Trật tự, an toàn giao thông, cháy nổ; phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm tham nhũng, nhận hối lộ, tội phạm kinh tế, tội phạm giết người, tội phạm mua bán người, tội phạm xâm hại trẻ em, bắt cóc trẻ em, tội phạm ma túy, khủng bố, tội phạm trên không gian mạng.
Các đại biểu đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành rà soát, làm rõ những bất cập trong công tác quản lý Nhà nước để có giải pháp hạn chế phát sinh vi phạm, tội phạm trong một số lĩnh vực nổi lên trong năm 2023; chỉ đạo, nâng cao hiệu quả công tác điều tra, xử lý tội phạm; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; nâng cao tỷ lệ giải quyết tin báo, tố giác về tội phạm; tập trung thực hiện tốt công tác phòng ngừa và chủ động ngăn chặn hành vi phạm tội; kịp thời rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật phục vụ công tác phòng, chống và xử lý tội phạm theo hướng khoa học, sát với yêu cầu thực tế, tạo điều kiện thuận lợi hơn để lực lượng chuyên trách thuộc các cơ quan bảo vệ pháp luật tập trung tấn công, xử lý đạt hiệu quả cao…
2. Về báo cáo của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao: Công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát việc xét xử các vụ án hình sự; chất lượng tranh tụng của kiểm sát viên tại phiên tòa; công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ, việc dân sự, vụ án hành chính; công tác kiểm sát thi hành án; công tác giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm; những kết quả đạt được, hạn chế, nguyên nhân và giải pháp khắc phục.
Có ý kiến đại biểu đề nghị các cơ quan hữu quan cần quan tâm đến vấn đề biên chế, kinh phí cũng như trang bị cơ sở vật chất đối với cơ quan tư pháp nói chung và viện kiểm sát nói riêng cho tương xứng với nhiệm vụ được giao…
3. Về báo cáo của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao: Công tác giải quyết, xét xử các vụ án hình sự, hành chính, vụ, việc dân sự; công tác giám đốc thẩm, tái thẩm; công tác giải quyết yêu cầu áp dụng các biện pháp xử lý hành chính của tòa án nhân dân các cấp; những kết quả đạt được, hạn chế, nguyên nhân và giải pháp khắc phục.
Có ý kiến đại biểu đề nghị hệ thống tòa án cần hướng dẫn thống nhất về căn cứ, tiêu chí để lựa chọn, xác định vụ án hình sự có thể đưa ra xét xử lưu động để áp dụng thống nhất; đề nghị Tòa án nhân dân tối cao sớm bố trí kinh phí triển khai các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin theo chức năng, nhiệm vụ của tòa án, nhất là trong điều kiện thực hiện xét xử phiên tòa trực tuyến; đầu tư kinh phí nâng cấp, sửa chữa trụ sở làm việc của tòa án nhân dân cấp huyện, nhất là các địa phương khó khăn ở miền núi…
4. Về công tác thi hành án: Công tác thi hành án dân sự (công tác chỉ đạo tổ chức thi hành các vụ án trọng điểm, các vụ án kinh tế, tham nhũng; các giải pháp xử lý án dân sự tồn đọng qua nhiều năm chưa thi hành được); công tác thi hành án hình sự (công tác quản lý giam giữ, tình trạng phạm nhân vi phạm tại các cơ sở giam giữ thi hành án tử hình; công tác giam giữ thi hành án tử hình); công tác thi hành án dân sự, thi hành án hành chính (số bản án quyết định hành chính đã có hiệu lực chưa thi hành xong vẫn còn nhiều, đề nghị cần khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật còn vướng mắc, bất cập; đồng thời, có biện pháp mạnh mẽ hơn nữa, xem xét trách nhiệm các cơ quan thi hành án, thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về xử lý các trường hợp không chấp hành án hành chính, dân sự và trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan quản lý trực tiếp để tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính, nâng cao năng lực, hiệu quả công tác thi hành án hành chính, dân sự).
5. Về công tác phòng, chống tham nhũng: Tình hình tham nhũng hiện nay; ưu điểm, tồn tại, hạn chế và nguyên nhân trong triển khai thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng theo quy định của pháp luật; việc phát hiện, xử lý tham nhũng, thu hồi tài sản tham nhũng (kết quả đạt được; trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan, tổ chức, đơn vị; những hạn chế, khó khăn, bất cập, nguyên nhân và giải pháp); tính khả thi, hiệu quả của những giải pháp nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập của công tác phòng, chống tham nhũng trong thời gian tới.
Các ý kiến đại biểu đề nghị cần phát huy vai trò của người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương trong công tác phòng, chống tham nhũng; có cơ chế, chế tài bảo đảm cho việc giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị xã hội có hiệu lực trên thực tế và tiếp tục hoàn thiện, nâng cao năng lực hiệu quả hoạt động của các cơ quan chức năng về công tác phòng, chống tham nhũng; tiếp tục xây dựng và hoàn thiện chế độ tiền lương hợp lý, nâng cao mức sống của người lao động.
Kết thúc phiên thảo luận, Bộ trưởng Công an Tô Lâm; Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí; Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình; Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Thứ tư, ngày 22/11/2023: Sáng, Quốc hội làm việc tại hội trường, nghe: Báo cáo kết quả tiếp công dân, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội năm 2023; Báo cáo và Báo cáo thẩm tra về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân năm 2023.
Sau đó, Quốc hội thảo luận ở hội trường về kết quả tiếp công dân, xử lý đơn thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân năm 2023.
Chiều, Quốc hội biểu quyết thông qua việc điều chỉnh Chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội XV; thảo luận ở hội trường về dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi).
Theo: nhandan.vn