Những ngày tháng 3 âm lịch, nhân dân huyện Hưng Hà nói riêng, du khách thập phương nói chung đang hướng về vùng đất cổ Đa Cương xưa, nơi thờ Đông Nhung Đại tướng quân Vũ Thị Thục – nữ anh hùng dân tộc đã có công cứu nước, cứu dân thoát khỏi ách đô hộ của quân Đông Hán. Tự hào với bề dày truyền thống lịch sử, đến nay người dân trong huyện vẫn truyền nhau câu ca “Đã là con mẹ, con cha/Tháng ba giỗ Mẫu Tiên La thì về”.
Độc đáo nghi thức rước Thánh Mẫu tại lễ hội Tiên La.
Đền Tiên La là nơi thờ Đông Nhung Đại tướng quân Vũ Thị Thục – nữ tướng dưới thời Hai Bà Trưng. Những chiến công hiển hách của Đông Nhung Đại tướng quân đã được sử sách ghi danh và muôn đời các thế hệ người dân Việt Nam tôn vinh, ca ngợi và hương khói, giữ gìn… Đền thờ Thánh mẫu Đông Nhung Đại tướng quân Vũ Thị Thục tọa lạc ở hai bên bờ sông Tiên Hưng với kiến trúc uy nghi, lộng lẫy, từng bước xứng tầm với công lao to lớn của người nữ anh hùng dân tộc, trở thành một trong những điểm nhấn du lịch văn hóa tâm linh của huyện.
Ông Đặng Vũ Trần Nhã, thủ nhang đền Tiên La cho biết: Đền Tiên La được công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia năm 1986. Đền tọa lạc trên diện tích gần 3ha theo kiến trúc cổ “Tiền nhất – hậu đinh”. Mặt trước đền hướng ra sông Tiên Hưng, cổng tam quan hai tầng sừng sững uy nghi, phía ngoài cổng có nhiều tượng ngựa đá, voi đá, các nữ binh sĩ bằng đá, người tuốt gươm, người nắm đốc gươm đứng oai nghiêm như gợi nhớ về thuở oai hùng nghìn năm trước. Tại đây còn lưu những bức đại tự có nội dung ca ngợi triều Trưng Vương và đức hạnh, tài sắc của nữ tướng và nhiều đồ tế quý giá có giá trị thẩm mỹ cao, có niên đại từ thời Lê. Trải qua nhiều lần tu bổ, đến nay đền Tiên La có quy mô rộng lớn, đặc sắc cả về địa thế và vóc dáng. Vào dịp đầu xuân năm mới và dịp khai hội đền Tiên La có tới hàng nghìn người dân và du khách đến đây dâng hương, vãn cảnh.
Với lịch sử khoảng 2.000 năm, đền Tiên La là một trong số ít ngôi đền có kiến trúc đá đồ sộ bậc nhất vùng châu thổ sông Hồng. Sự độc đáo của nghệ thuật kiến trúc và thế đất thiêng huyền bí của gò Kim Quy, nơi tọa lạc ngôi đền đã tạo ra sức hút mãnh liệt, hội tụ các giá trị nhân văn trong tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt.
Theo phong tục cổ truyền, định lệ hàng năm, ngày 10/3 âm lịch là ngày khai mạc và tổ chức lễ hội Tiên La. Đây là dịp để các tầng lớp nhân dân Hưng Hà, đồng bào, du khách thập phương trong và ngoài nước về đây thắp hương tưởng niệm, tỏ lòng tri ân nữ anh hùng dân tộc.
Ông Bùi Ngọc Minh, du khách đến từ Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ: Năm nào chuẩn bị đến ngày giỗ Mẫu, gia đình tôi cũng về quê đến thắp hương để cầu mong sức khỏe cho tất cả mọi người. Mỗi lần về với đền Tiên La, chúng tôi rất ấn tượng với sự mến khách của người dân nơi đây và được chiêm ngưỡng những giá trị văn hóa tâm linh, kiến trúc của ngôi đền. Đặc biệt, khi tìm hiểu về những giá trị văn hóa lâu đời của dân tộc ta, tôi càng tự hào và thêm yêu quê hương, đất nước.
Lễ hội Tiên La năm nay có chủ đề: “Tiên La Thánh Tích” nhằm diễn tả thân thế, sự nghiệp của Đông Nhung Đại tướng quân Vũ Thị Thục. Đặc biệt, lễ hội Tiên La năm nay không tổ chức lễ rước nước mà tập trung tổ chức các phần hội như: hội thi giã bánh giầy, liên hoan các câu lạc bộ chèo; têm trầu cánh phượng; cờ biển, pháo đất, liên hoan hát văn, kéo co…
Bà Nguyễn Thị Tuyết, thôn Tiên La cho biết: Từ thanh niên, trung niên tới người cao tuổi đều chung niềm phấn khởi, nô nức tham gia lễ hội. Năm nay tôi tiếp tục tham gia các nghi thức tế lễ và hội thi giã bánh giầy, têm trầu cánh phượng với mong muốn dâng lên Mẫu những vật phẩm ngon nhất, ý nghĩa nhất.
Ông Nguyễn Văn Mai, Phó Chủ tịch UBND xã Đoan Hùng cho biết: Ngày 15/4/2016, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đưa lễ hội Tiên La vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là điểm nhấn quan trọng, là nguồn cổ vũ lớn lao để chúng tôi tiếp tục phấn đấu, giữ gìn và phát huy giá trị của quần thể khu di tích thờ Đông Nhung Đại tướng quân cho muôn đời sau. Với chuỗi hoạt động phong phú, kết hợp hài hòa giữa tính truyền thống và hiện đại, thể hiện nét văn hóa đặc sắc của vùng đất Long Hưng, Hưng Hà, năm 2024, lễ hội Tiên La diễn ra từ ngày 18 – 22/4. Việc duy trì tổ chức lễ hội nhằm thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, tưởng nhớ và tri ân công lao to lớn của Đông Nhung Đại tướng quân; đồng thời, góp phần quảng bá tiềm năng, thế mạnh phát triển du lịch của tỉnh Thái Bình.
Trải qua suốt chiều dài lịch sử, thời gian không làm mờ tín ngưỡng của người dân đối với Mẫu Tiên La. Với giá trị lịch sử, lối kiến trúc độc đáo, đền Tiên La là điểm đến du lịch văn hóa tâm linh ý nghĩa, góp phần tuyên truyền, quảng bá nét đẹp của huyện Hưng Hà nói riêng, tỉnh Thái Bình nói chung đến đông đảo du khách thập phương. Đồng thời, thông qua đó giáo dục thế hệ trẻ lòng yêu nước, niềm tự hào về truyền thống đấu tranh anh dũng bất khuất, kiên cường chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam anh hùng.
Biểu diễn múa rồng tại lễ hội Tiên La.
Thanh Thủy