Thái Bình thuộc đồng bằng sông Hồng, cách Hà Nội 120 km về phía đông nam, giáp Hải Phòng, Hải Dương, Nam Định và biển Đông. Tỉnh có các danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, làng nghề truyền thống, món ăn ngon và nhiều bãi biển. Thái Bình thích hợp với trải nghiệm lần đầu, hoặc với những người muốn thay đổi không khí, ra khỏi không gian chật hẹp của thành phố lớn.
Xuất phát từ Hà Nội, du khách di chuyển theo CT01, sau đó vào quốc lộ 21B, qua thành phố Nam Định. Thời gian di chuyển nhanh nhất khoảng hai tiếng. Du khách cũng có thể chọn đi theo tuyến CT04 hoặc CT16. Nếu đi xe máy, quốc lộ 1A là tuyến đường phù hợp.
Vãn cảnh chùa Keo
Gác chuông, điểm cao nhất ở chùa Keo. Ảnh: Linh Hương
Một góc chùa Keo nhìn từ bên ngoài. Ảnh: Linh Hương
Sân chùa Keo. Ảnh: Linh Hương
Chùa Keo (Thần Quang tự) nằm ở xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư mang kiến trúc nghệ thuật thời Lê. Đây là điểm không nên bỏ qua khi đến Thái Bình. Trải qua hơn 400 năm, ngôi chùa vẫn giữ được vẻ cổ kính, còn lưu giữ được hầu như nguyên vẹn kiến trúc xưa.
Kiến trúc chính của chùa Keo gồm: Tam quan ngoại, Tam quan nội, chùa Phật, các tòa chùa Ông Hộ, Tam bảo, đền Thánh, Giá roi, Thiêu hương, Phụ quốc, Thượng điện và gác chuông. Các công trình kiến trúc phụ gồm khu tăng xá, trong đó có nhà tăng xá, hai nhà khách ở phía đông và phía tây, nhà của ban quản lý Chùa Keo. Chùa Keo có khung cảnh yên bình, nơi du khách có thể lang thang vãn cảnh chùa, tĩnh tâm và nghỉ ngơi thư giãn.
Thưởng thức canh cá Quỳnh Côi
Canh cá Quỳnh Côi. Ảnh: Quỳnh Mai
Canh cá Quỳnh Côi là đặc sản của Thái Bình. Cá để chế biến món ăn này thường là cá rô đồng, được đánh vảy, làm sạch, luộc sơ để lọc thịt và xương. Công đoạn gỡ xương đòi hỏi sự khéo léo để cá không nát. Cá sau đó được thái thành từng miếng khoảng 3 cm, ướp gia vị trong 30 phút rồi rim nhỏ lửa hoặc nướng than hoa sơ đến khi miếng cá săn lại.
Phần đầu và xương cá được ninh cùng xương lợn, hành khô, gừng đập dập trong khoảng 7-8 tiếng để làm nước dùng. Ngày nay, do cá rô đồng hiếm, canh cá Quỳnh Côi còn được chế biến từ cá quả, cá trôi.
Gọi là canh cá, nhưng món ăn thường được dùng kèm bánh đa sợi trắng. Mùa hè, canh cá ăn cùng rau rút, rau ngót, mùa đông là rau cần hoặc rau cải cúc. Ngay tại thành phố Thái Bình, du khách có thể ăn món này tại các quán như quán Bảy, quán Phúc Tửu, giá mỗi bát từ 30.000 đến 40.000 đồng.
Nghỉ đêm tại biển Đồng Châu
Bình minh trên biển Đồng Châu. Ảnh: Ngọc Anh
Bãi biển Đồng Châu nằm cách trung tâm thành phố Thái Bình khoảng 30 km, thuộc huyện Tiền Hải. Đây là vùng biển hoang sơ, không nhiều khách du lịch. Cũng như nhiều bãi biển khác ở Thái Bình và địa phương lân cận ở miền Bắc, biển Đồng Châu nước không trong xanh, ít người tắm. Tuy nhiên ở đây có không khí trong lành, đặc biệt có khung cảnh đẹp mỗi buổi bình minh, thích hợp để sáng tác nhiều bức ảnh.
Đồng Châu có khu nghỉ dưỡng tiện nghi, các hàng quán hải sản xung quanh rất thuận tiện cho du khách, giá cả hợp lý, từ khoảng 150.000 đồng một người.
Nhà thờ Bác Trạch
Nhà thờ Bác Trạch. Ảnh: Nguyễn Trọng Cung
Nhà thờ Bác Trạch thuộc huyện Tiền Hải, cách trung tâm thành phố Thái Bình khoảng 25 km. Nhà thờ có kiến trúc Gothic với nhiều ô cửa, tháp nhọn và vòm cung nhọn. Với kiến trúc tinh xảo, nhà thờ Bác Trạch được xem như công trình tôn giáo đẹp nhất Thái Bình. Đây cũng là điểm hút giới trẻ đến check in.
Du khách có thể tham quan tìm hiểu bên ngoài nhà thờ, để vào bên trong, cần xin phép trước. Thời điểm đẹp để tới đây là sáng sớm hoặc lúc hoàng hôn, để dễ chụp những bức ảnh đẹp.
Biển vô cực Thụy Xuân. Ảnh: Đình Long
Nếu đến Thái Bình vào mùa hè sang thu, thường tháng 7 đến tháng 10, du khách nên căn thời gian để ghé thăm “biển vô cực” ở các bãi Thụy Xuân hay Quang Lang ở huyện Thái Thụy. Để có bức ảnh đẹp ở “biển vô cực” cần trời trong, nắng đẹp, lặng gió và thủy triều thấp để mặt nước biển có thể phản chiếu bầu trời.
Lựa chọn thay thế: biển Cồn Tiên, Cồn Vành, làng nghề chạm bạc Đồng Xâm, nhà thờ chính tòa thành phố Thái Bình.
Theo vnexpress.net
Nguồn: https://baothaibinh.com.vn/tin-tuc/38/214503/thai-binh-nhung-diem-den-thu-vi