Chiều ngày 8/11, đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp của UBND tỉnh nghe Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo tiến độ xây dựng hệ thống đèn điện “Thắp sáng đường quê” trong xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021 – 2025; tiến độ thực hiện cơ chế, chính sách (CCCS) tích tụ, tập trung đất đai.
Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại cuộc họp.
Các đồng chí: Đặng Thanh Giang, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch thường trực HĐND tỉnh; Vũ Kim Cứ, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư; lãnh đạo một số sở, ngành, địa phương dự họp.
Các đại biểu dự cuộc họp.
Thực hiện chương trình đèn điện “Thắp sáng đường quê” và tích tụ, tập trung đất đai, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 25/2021/NQ-HĐND ngày 11/10/2021 quy định CCCS hỗ trợ xây dựng hệ thống đèn điện “Thắp sáng đường quê” trong xây dựng NTM giai đoạn 2021 – 2025; Nghị quyết số 08/2022/NQ-HĐND về sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị quyết số 25; Nghị quyết số 29/2021/NQ-HĐND ngày 10/12/2021 quy định về CCCS hỗ trợ tích tụ đất đai, mua máy cấy, hệ thống thiết bị sấy phục vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Bình giai đoạn 2021 – 2025; Nghị quyết số 08/2023/NQ-HĐND ngày 12/7/2023 quy định về CCCS hỗ trợ tích tụ, tập trung đất đai để phát triển kinh tế nông nghiệp tỉnh Thái Bình giai đoạn đến năm 2028.
Đến nay, tỉnh Thái Bình có 130 xã đăng ký lắp đặt với tổng chiều dài 1.145,7km; trong đó có 42 xã đăng ký thí điểm thực hiện lắp đặt đèn điện năng lượng mặt trời được UBND tỉnh phê duyệt, lắp đặt được 101,4km trong tổng số 591,5km đăng ký; 88 xã đăng ký lắp đặt đèn điện chiếu sáng, đã và đang thực hiện lắp đặt được 264,8km trong tổng số 554,2km đã đăng ký. Một số huyện đang triển khai hướng dẫn thủ tục thanh quyết toán cho các xã đã hoàn thành lắp đặt.
Về tích tụ, tập trung đất đai, đến tháng 7/2023, tỉnh Thái Bình có 1.968 tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thực hiện tích tụ, tập trung đất đai với tổng diện tích 8.045,4ha (sản xuất trồng trọt), bình quân 4,08ha/tổ chức, hộ gia đình, cá nhân; trong đó có 133 hộ tích tụ, tập trung với quy mô trên 10ha. Các hình thức tích tụ chủ yếu: thuê, mượn ruộng; chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp; liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản. Việc tích tụ, tập trung đất đai để sản xuất trồng trọt giảm chi phí đầu vào khoảng 2,6 triệu đồng/ha, thuận lợi thực hiện đồng bộ cơ giới hoá các khâu sản xuất, bảo đảm chất lượng, mẫu mã nông sản…
Công tác triển khai CCCS thực hiện chương trình đèn điện “Thắp sáng đường quê”; tích tụ, tập trung đất đai được thực hiện tương đối đồng bộ giữa các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh. Tuy nhiên, việc thực hiện các CCCS còn gặp nhiều khó khăn, tiến độ thực hiện ở một số địa phương còn chậm so với đăng ký.
Lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư phát biểu tại cuộc họp.
Lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh phát biểu tại cuộc họp. Đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo các nội dung tại cuộc họp.
Tại cuộc họp, các đại biểu tập trung thảo luận những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai đồng thời đề xuất, kiến nghị giải pháp tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các CCCS hỗ trợ chương trình đèn điện “Thắp sáng đường quê”, tích tụ, tập trung ruộng đất.
Kết luận cuộc họp, đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, chương trình đèn điện “Thắp sáng đường quê” và tích tụ, tập trung đất đai là hai chủ trương lớn, nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đồng bộ từ Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh thông qua các CCCS hỗ trợ, góp phần xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, thúc đẩy sản xuất phát triển, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.
Để tạo sự chuyển biến trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận được các CCCS, đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các huyện, thành phố đẩy mạnh tuyên truyền về ý nghĩa, tầm quan trọng của các CCCS hỗ trợ chương trình đèn điện “Thắp sáng đường quê”, tích tụ, tập trung đất đai; tổ chức hội nghị quán triệt, triển khai đến các xã, phường, thị trấn để người dân được biết, hiểu, tạo sự đồng thuận, nhất quán trong triển khai thực hiện. Phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các ngành, địa phương trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các đoàn thể chính trị – xã hội trong tổ chức, triển khai. Cùng với đó, các ngành, địa phương tiếp tục rà soát, nghiên cứu đề ra các giải pháp cụ thể, linh hoạt, sáng tạo thực hiện hiệu quả CCCS của tỉnh.
Đối với CCCS hỗ trợ thực hiện chương trình “Thắp sáng đường quê”, đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các sở, ngành rà soát, sửa đổi những vấn đề bất cập, vướng mắc phát sinh từ thực tiễn; phân cấp triệt để cho các huyện, thành phố trong việc quản lý, nghiệm thu, thanh quyết toán kinh phí hỗ trợ.
Về CCCS hỗ trợ tích tụ, tập trung đất đai, đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương rà soát các điều kiện hỗ trợ quy định tại Nghị quyết số 08, bảo đảm người dân tiếp cận được chính sách, tạo sự đột phá trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh.
Lưu Ngần – Nguyễn Thơi