Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ảnh hưởng từ bão số 3 và tình trạng ngập úng đã và đang có nguy cơ gây hại nặng trên trà lúa trỗ sau ngày 5/9 trên địa bàn tỉnh như: tình trạng ngập úng làm cho bộ rễ và thân lúa yếu sau rút nước lúa sẽ tiếp tục bị đổ ngã làm giảm năng suất và chất lượng; hiện tượng ngập đòng lúa làm giảm chất lượng hạt phấn, cây lúa vẫn trỗ bông và phơi màu song tỷ lệ lép sẽ cao, đặc biệt có giống lúa mẫn cảm tỷ lệ lép sẽ từ 30% trở lên. Ngoài ra, hiện tượng nghẹn đòng lúa không trỗ thoát; bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn gây cháy lá lúa, giảm khả năng quang hợp; bệnh khô vằn, lem lép hạt lúa, sâu đục thân 2 chấm, sâu cuốn lá nhỏ…
Nông dân xã Tân Tiến (Hưng Hà) dựng, buộc lúa sau khi bị đổ bởi mưa bão.
Tính đến này 20/9, toàn tỉnh sẽ có gần 60.000 lúa mùa trỗ bông, trong đó có 25.000ha lúa mùa trỗ bông trước ngày 5/9, gần 35.000ha lúa mùa trỗ bông sau ngày 5/9. Diện tích lúa trỗ sau 20/9 khoảng gần 15.000 ha. Để bảo vệ sản xuất vụ Mùa, chuẩn bị mọi nguồn lực tốt nhất triển khai sản xuất vụ đông 2024, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị UBND các huyện, thành phố, các cơ quan chuyên môn thuộc ngành nông nghiệp khẩn trương chỉ đạo, triển khai, thực hiện một số nội dung:
Đối với sản xuất lúa mùa, khẩn trương chỉ đạo việc đánh giá đồng ruộng, phân loại các trà lúa trỗ và triển khai ngay các giải pháp để bảo vệ năng suất và sản lượng lúa vụ mùa 2024.
Đối với trà lúa trỗ bông trong tháng 8 đang trong thời kỳ chín sáp, đề nghị các địa phương kiểm tra khi đủ điều kiện thu hoạch, huy động nhân lực và phương tiện máy nông nghiệp khẩn trương thu hoạch nhanh gọn với phương châm “xanh nhà hơn già đồng”, tạo quỹ đất để phát triển cây vụ đông khi thời tiêt cho phép.
Đối với diện tích lúa đã trỗ bông chưa đến kỳ thu hoạch sau khi nước rút sẽ bị đổ khom hoặc đổ ẹp xuống ruộng cần phải dựng, buộc (3 – 5 khóm/túm) hạn chế việc bông lúa bị ngập lâu ngày dưới nước dẫn đến mọc mầm; đồng thời chú trọng việc phun thuốc phòng bệnh khô vằn, rầy nâu để hạn chế tình trạng lúa chín ép, gây ra hiện tượng lép lửng ảnh hưởng đến năng suất.
Đối với trà lúa mùa chưa trỗ bông hoặc mới trỗ lá lúa bị dập nát bị nhiễm bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn cần khẩn trương phun phòng bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn, lem lép hạt để giảm thiểu thiệt hại.
Đối với diện tích lúa bị dập lá đòng có hiện tượng nghẹn đòng không trỗ thoát cần phải sử dụng các chế phẩm có hàm lượng Kaliclorua cao phun để thúc đẩy lúa trỗ và tăng tỷ lệ mẩy của hạt lúa.
Diện tích lúa trỗ bông muộn sau ngày 20/9 phải phun thuốc phòng trừ sâu đục thân 2 chấm, bệnh đạo ôn cổ bông khi lúa thấp tho trỗ bông.
Tiếp tục rà soát đánh giá tình hình ảnh hưởng của bão số 3 đến sản xuất trồng trọt, đặc biệt là thiệt hại năng suất của trà lúa mùa trỗ bông sau ngày 5/9, trong trường hợp có thiệt hại đến năng suất cần thực hiện đầy đủ các quy định của Nghị định số 02/2017/NĐ-CP về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dich bệnh để hỗ trợ nông dân khôi phục sản xuất.
Đối với cây rau màu, nhanh chóng tận thu các loại rau còn có thể được thu hoạch đồng thời gieo trồng lại bằng các giống cây rau ngắn ngày để kịp thời phục vụ khi giá bán trên thị trường ở mức cao; làm bầu, ươm giống các cây vụ Đông ưa ấm, tranh thủ ra bầu trên ruộng khi thời tiết cho phép để kịp thời vụ gieo trồng trong khung thời vụ tốt nhất (trước ngày 5 tháng 10); chuẩn bị hạt giống và lựa chọn cây trồng ưa lạnh có lợi thế ở Thái Bình (khoai tây, củ cải ngọt, bắp cải, rau gia vị….) để gieo trồng phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu.
Đối với cây lâu năm, thu dọn sớm tàn dư cây bị hại; đồng thời tiến hành tỉa cành chăm sóc kịp thời; khi rút nước xong cần xới nhẹ phá váng giúp cho lớp đất mặt thông thoáng khắc phục tổn thương của rễ và tái sinh rễ mới ra nhanh; những vườn cây đang ở giai đoạn ra hoa, phát triển quả phun phân qua lá có chứa Fe, Bo, Ca… để tránh hiện tượng quả bị nứt và rụng, thường xuyên theo dõi và có biện pháp phòng trừ sâu bệnh kịp thời…
Nguồn: https://thaibinh.gov.vn/tin-tuc/tin-kinh-te/tap-trung-cac-bien-phap-bao-ve-san-xuat-vu-mua-vu-dong-nam-2.html