Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, ngày 28/10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về báo cáo của Đoàn giám sát và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về kết quả giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023.
Đại biểu Nguyễn Văn Huy, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình phát biểu thảo luận.
Tham gia phát biểu ý kiến, đại biểu Nguyễn Văn An, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình cho rằng, nội dung của báo cáo đã thể hiện rõ tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023, gồm kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế và các nguyên nhân.
Theo đại biểu, về tổng thể, các nhiệm vụ và giải pháp đề ra trong dự thảo Nghị quyết về tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội chưa thực sự cụ thể để có thể triển khai ngay nhằm khắc phục được những hạn chế như đã nêu trong báo cáo giám sát, cụ thể như: Báo cáo đã chỉ ra nhiều tồn tại, hạn chế và vướng mắc lớn trong việc định giá đất. Tuy nhiên, các giải pháp liên quan đến định giá đất đưa ra trong dự thảo Nghị quyết còn mang tính chung chung, chưa đủ cụ thể để tháo gỡ các vấn đề thực tiễn. Do vậy, đại biểu cho rằng, cần phải rà soát, hoàn thiện các giải pháp theo hướng cụ thể hơn, có mốc thời gian thực hiện rõ ràng để tháo gỡ các vướng mắc. Về việc rà soát pháp lý của các dự án, dự thảo Nghị quyết giao Chính phủ hướng dẫn rõ nội hàm “không hợp thức hóa các vi phạm” để nâng cao hiệu quả công tác xây dựng và thực thi pháp luật, đại biểu đề nghị cần lấy ý kiến các cơ quan và báo cáo cấp có thẩm quyền cho chủ trương, Chính phủ cũng cần sớm có chỉ đạo, hướng dẫn để triển khai được khả thi; dự thảo Nghị quyết cần quy định thêm các nhiệm vụ, giải pháp để hạn chế tình trạng xét duyệt đối tượng không đúng, mua nhà ở xã hội để bán sang tay, đồng thời đẩy mạnh việc xây dựng nhà ở xã hội từ ngân sách nhà nước để cho thuê… trong thời gian tới để bảo đảm thực hiện được mục tiêu xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 – 2030…
Tham gia thảo luận, đại biểu Nguyễn Văn Huy, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình đánh giá, thời gian qua, thị trường bất động sản nước ta có những bước phát triển về quy mô thị trường, số lượng, quy mô dự án bất động sản và chủ thể tham gia, đa dạng về loại hình sản phẩm, đóng vai trò quan trọng trong việc tạo động lực phát triển kinh tế – xã hội, đồng thời góp phần từng bước đáp ứng nhu cầu về nhà ở của người dân.
Đề cập đến những hạn chế đã được Đoàn giám sát chỉ ra, đại biểu cho rằng, thị trường bất động sản và nhà ở xã hội phát triển chưa bền vững, mất cân đối cung cầu; giá bất động sản còn cao so với thu nhập của đa số người dân; nhiều khu đô thị bỏ hoang, quản lý chung cư mini còn nhiều bất cập, chưa có phương án xử lý, giải pháp hiệu quả đối với các chung cư cũ, không bảo đảm cuộc sống của người dân; các loại hình bất động sản mới gặp nhiều vướng mắc pháp lý, thiếu rõ ràng, cụ thể để điều chỉnh…
Đại biểu chỉ ra nguyên nhân được nhắc đến đầu tiên là điểm nghẽn về thể chế và hạn chế nhiều lần được chỉ ra là một số quy định của các luật còn chồng chéo, chưa thống nhất, chưa đồng bộ và chưa phù hợp với thực tế, chậm được rà soát, sửa đổi, bổ sung. Theo báo cáo của Đoàn giám sát, trong tổng số 191 vướng mắc, bất cập chung ở cả hai lĩnh vực từ năm 2015 đến năm 2023, có đến 103 vướng mắc, bất cập trong chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản; 60 vướng mắc, bất cập trong chính sách, pháp luật về phát triển nhà ở xã hội… Điển hình trong các vướng mắc, bất cập trong quản lý thị trường bất động sản phải kể đến là quy định về thẩm quyền, thủ tục quyết định chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, thủ tục thành lập tổ chức kinh tế, điều chỉnh, tạm ngừng, giãn tiến độ, chấm dứt dự án đầu tư; quy định về đất công xen kẹt trong khu đất thực hiện dự án, về giao đất, cho thuê đất theo tiến độ thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, quy định về thời gian thực hiện giá đất; về quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng, quy định về điều chỉnh dự án chuyển nhượng, về thiết kế xây dựng; về rà soát điều chỉnh quy hoạch đô thị…
Đại biểu kiến nghị Quốc hội, Chính phủ cần bổ sung những giải pháp riêng, đủ mạnh để kịp thời tháo gỡ vướng mắc cho các dự án bất động sản còn nhiều khó khăn do quá trình triển khai thực hiện kéo dài, có nguyên nhân từ việc pháp luật qua các thời kỳ thay đổi, các dự án bất động sản theo các kết luận thanh tra, kiểm toán kéo dài, chưa có kết quả, làm chậm xử lý các thủ tục triển khai thực hiện, gây thiệt hại về kinh tế cho doanh nghiệp và khách hàng đã mua bất động sản…
Đại biểu nhấn mạnh, những hạn chế, vướng mắc đã được nhận diện và bước đầu đang được Quốc hội, Chính phủ quyết tâm tháo gỡ bằng những quyết sách khẩn trương và kịp thời. Song, số lượng công việc được chỉ ra là rất lớn. Để căn cơ xử lý đồng bộ và hiệu quả, cử tri và nhân dân rất mong muốn những nội dung vướng mắc, bất cập đã được chỉ ra sẽ tiếp tục được rà soát và bổ sung vào nhiệm vụ lập pháp trong thời gian sớm nhất và kỳ vọng sẽ được hoàn thành trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV để thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội phát huy tốt hơn vai trò của mình đối với nền kinh tế cũng như góp phần bảo đảm an sinh và công bằng xã hội.
Vũ Sơn Tùng
(Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh)
Nguồn: https://baothaibinh.com.vn/tin-tuc/1/210877/quoc-hoi-thao-luan-ve-viec-thuc-hien-chinh-sach-phap-luat-ve-quan-ly-thi-truong-bat-dong-san-va-phat-trien-nha-o-xa-hoi