Sáng 21/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương điều hành phiên họp, Quốc hội thảo luận phiên toàn thể tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Đường bộ.
Các đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình tham dự phiên họp.
Theo đó, tại phiên họp, Quốc hội nghe báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đường bộ và tiến hành thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Đường bộ; đã có 23 lượt đại biểu Quốc hội phát biểu ý kiến.
Qua thảo luận, phần lớn ý kiến đại biểu Quốc hội đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, cơ quan hữu quan theo sự chỉ đạo để nghiên cứu kỹ lưỡng, tổ chức các cuộc hội thảo, tọa đàm chuyên sâu, khảo sát thực tiễn, thu thập thêm nhiều thông tin hữu ích phục vụ việc tiếp thu, chỉnh lý, giải trình. Các ý kiến cơ bản nhất trí về bố cục, nội dung cụ thể của dự thảo luật tiếp thu, chỉnh lý và báo cáo tiếp thu giải trình chỉnh lý dự thảo luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đồng thời đề nghị bổ sung các nội dung cơ bản sau: Đề nghị rà soát bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật và giữa hai luật, chấp nhận sự giao thoa nhưng không được mâu thuẫn và rõ phạm vi điều chỉnh; sự thống nhất của các điều luật, các khoản trong các điều luật và bảo đảm tính khả thi; bổ sung giải thích từ ngữ, các hành vi bị nghiêm cấm, chính sách phát triển đường bộ, huy động nguồn lực xây dựng mạng lưới đường bộ, mô hình chia sẻ chuyến xe hợp đồng, ưu tiên phát triển một số loại đường, quy hoạch mạng lưới đường bộ, quỹ đất dành cho đường bộ, không gian ngầm, giới hạn trên cao, loại hình kinh doanh vận tải khách du lịch, vận tải khách theo hợp đồng, vận tải khách công cộng, nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng đường bộ, sử dụng đất hành lang an toàn các loại đường bộ, đê điều, quy định lắp đặt biển báo an toàn giao thông, biển quảng cáo, biển tuyên truyền tránh hiệu ứng ánh sáng, tiếng động ảnh hưởng đến việc điều khiển phương tiện của người tham gia giao thông…
Buổi chiều, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp, Quốc hội thảo luận phiên toàn thể tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản.
Dự thảo Luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý đã sửa đổi, bổ sung 43 điều và bãi bỏ 3 điều của Luật hiện hành; bổ sung 3 điều mới; tăng 18 khoản so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 nhưng chủ yếu là sửa về mặt kỹ thuật lập pháp, không phát sinh nhiều chính sách mới.
Các đại biểu Quốc hội đã phát biểu đánh giá dự thảo Luật đã kế thừa quan điểm xây dựng Luật Đấu giá tài sản là luật hình thức, quy định áp dụng thống nhất về trình tự, thủ tục đấu giá đối với các loại tài sản mà pháp luật chuyên ngành quy định phải thực hiện thông qua đấu giá. Để bảo đảm tính rõ ràng, dễ hiểu, dễ áp dụng trên thực tế, các ý kiến đề nghị quy định theo hướng liệt kê các loại tài sản mà pháp luật chuyên ngành hiện hành quy định phải đấu giá trên cơ sở rà soát, bảo đảm phù hợp, thống nhất với quy định của pháp luật chuyên ngành.
Ngoài ra, các đại biểu còn tham gia vào một số nội dung cụ thể của dự thảo như về tài sản đấu giá; về các hành vi bị nghiêm cấm; về chứng chỉ hành nghề đấu giá viên; về quyền và nghĩa vụ của tổ chức hành nghề đấu giá tài sản; về đăng ký tham gia đấu giá; về tiền đặt trước và xử lý tiền đặt trước; về đấu giá bằng bỏ phiếu trực tiếp tại cuộc đấu giá và đấu giá bằng bỏ phiếu gián tiếp; về đấu giá trực tuyến; về chế tài xử lý vi phạm đối với người trúng đấu giá không nộp tiền trúng đấu giá; về hủy kết quả đấu giá tài sản và hậu quả pháp lý khi hủy kết quả đấu giá; về điều khoản chuyển tiếp…
Vũ Sơn Tùng
(Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh)