Quốc hội thảo luận về dự án Luật Dược và Luật Dữ liệu
Thứ 3, 22/10/2024 | 16:55:06
94 lượt xem
Sáng 22/10, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường nghe: Báo cáo và báo cáo thẩm tra về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2024, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2025, Kế hoạch tài chính – ngân sách nhà nước 3 năm 2025 – 2027; Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược và tiến hành thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo luật này.
Điều hành phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho biết, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược đã nhận được nhiều sự quan tâm của cử tri và các vị đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7. Đã có 81 ý kiến phát biểu ở tổ, hội trường và có 5 ý kiến góp ý bằng văn bản. Sau Kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp với cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan hữu quan tích cực tổ chức các hoạt động nghiên cứu, tham vấn ý kiến để tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật, xem xét, cho ý kiến tại phiên họp chuyên đề pháp luật và hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách trong tháng 8.
Gợi ý nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đề nghị các vị đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận về 6 vấn đề còn ý kiến khác nhau: Về chính sách của Nhà nước về dược và chính sách phát triển công nghiệp dược; về kinh doanh chuỗi nhà thuốc; về quyền và trách nhiệm của cơ sở kinh doanh dược, cơ sở kinh doanh dược có vốn đầu tư nước ngoài; về đăng ký thuốc, nguyên liệu làm thuốc; về quản lý giá thuốc…
Tham gia thảo luận, đại biểu Trần Khánh Thu, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình cho biết dự thảo Luật trình tại Kỳ họp thứ 8 đã được các cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan soạn thảo phối hợp với các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu một số ý kiến; tổng hợp và giải trình ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV và hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách. Góp ý về quyền và trách nhiệm của cơ sở kinh doanh dược có vốn đầu tư nước ngoài (FIE), đại biểu cho biết, tại điều 32 khoản 1 của Luật Dược quy định hoạt động “kinh doanh bảo quản thuốc, nguyên liệu làm thuốc” là một hoạt động kinh doanh dược độc lập. Cơ sở kinh doanh dịch vụ bảo quản thuốc, nguyên liệu làm thuốc cũng được liệt kê tại khoản 2 điều 32 như một cơ sở kinh doanh dược độc lập với cơ sở bán buôn hay cơ sở bán lẻ thuốc, nguyên liệu làm thuốc. Vì vậy, khi khoản 4 điều 53a quy định các cơ sở kinh doanh dược có vốn đầu tư nước ngoài không được thực hiện các hoạt động bảo quản thuốc, nguyên liệu làm thuốc mà không nêu rõ là các hoạt động này gắn với bán hàng thì vô hình chung đã loại trừ quyền kinh doanh của các doanh nghiệp FIE đối với một hoạt động kinh doanh độc lập không có liên quan đến phân phối thuốc được quy định trong Luật. Theo các hiệp định thương mại tự do như WTO, CPTTP, EVFTA, … Việt Nam chưa cam kết mở cửa cho phân phối dược phẩm nhưng không bảo lưu quyền tiếp cận thị trường đối với các nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực logistics. Theo cam kết trong WTO, Việt Nam đã bỏ hạn chế về tỷ lệ góp vốn của nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực logistics sau 7 năm kể từ khi gia nhập – tức là kể từ năm 2014, Việt Nam đã không còn hạn chế đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực này.
Nếu mở rộng thêm quyền cho các doanh nghiệp FIE sẽ ảnh hưởng đến lợi ích của doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là doanh nghiệp đã tập trung đầu tư xây dựng, cung cấp dịch vụ cho thuê kho bãi, logistics trong hoạt động kinh doanh phân phối thuốc, nguyên liệu làm thuốc trong thời gian qua. Bên cạnh đó, phần lớn các quốc gia trong khu vực và trên thế giới có ngành công nghiệp dược phẩm phát triển như Ấn Độ, Hàn Quốc, Singapore đều thực hiện chính sách mở cửa trong lĩnh vực phân phối và logistics dược phẩm và những chính sách này đã có tác động tích cực trong việc huy động và thu hút vốn đầu tư nước ngoài để nâng cao năng lực phát triển cho các doanh nghiệp trong nước.
Buổi chiều, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội đã nghe tờ trình, báo cáo thẩm tra và tiến hành thảo luận về dự án Luật Dữ liệu.
Tham gia thảo luận, các vị đại biểu Quốc hội nhất trí cao với sự cần thiết xây dựng Luật Dữ liệu nhằm hoàn thiện pháp luật, quy định những chính sách trong phát triển, ứng dụng dữ liệu vào công tác quản lý nhà nước và phát triển kinh tế – xã hội; tạo điều kiện cho mọi người dân được thụ hưởng lợi ích từ hoạt động chuyển đổi số. Việc xây dựng dự án Luật Dữ liệu nhằm tạo sự thống nhất, đồng bộ, sử dụng hiệu quả dữ liệu phục vụ công tác quản lý nhà nước và phát triển kinh tế – xã hội; phục vụ phát triển Chính phủ số và cải cách, cắt giảm thủ tục hành chính; phát triển kinh tế – xã hội; phát triển Trung tâm dữ liệu quốc gia. Đại biểu cũng cho biết đây là những nội dung đang được điều chỉnh bởi một số luật liên quan như: Luật Giao dịch điện tử, Luật An ninh mạng, Luật An toàn thông tin mạng, Luật Viễn thông và đặc biệt là dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số. Do đó, đề nghị cân nhắc, làm rõ mối quan hệ giữa các quy định của dự án luật này với quy định của các luật hiện hành và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số để phân định phạm vi điều chỉnh bảo đảm phù hợp, tránh chồng chéo…
Vũ Sơn Tùng
(Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh)
Nguồn: https://baothaibinh.com.vn/tin-tuc/1/210502/quoc-hoi-thao-luan-ve-du-an-luat-duoc-va-luat-du-lieu