Quốc hội: Thảo luận về các nghị quyết trình Quốc hội
Thứ 6, 31/05/2024 | 15:12:50
258 lượt xem
Sáng 31/5, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội Khóa XV, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội đã nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết về thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An; tờ trình và báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng; tờ trình và báo cáo thẩm tra về Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Buổi chiều, Quốc hội thảo luận ở tổ về: Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An; dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng và Phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2022 (trong đó có việc thực hiện quy định tại Nghị quyết số 91/2023/QH15 về phê chuẩn quyết toán NSNN năm 2021 và Nghị quyết số 94/2019/QH14 về khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp NSNN.
Thảo luận về Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An, các vị đại biểu Quốc hội nhất trí với sự cần thiết việc xây dựng một số cơ chế, chính sách đặc thù nhằm thể chế hóa Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 18 tháng 7 năm 2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nhằm phát huy mọi tiềm năng, lợi thế để phát triển tỉnh Nghệ An nhanh và bền vững. Ngoài ra các đại biểu tập trung thảo luận về 4 nhóm lĩnh vực với 14 chính sách, gồm: Quản lý tài chính – NSNN (4 chính sách); quản lý đầu tư (6 chính sách); quản lý đô thị, tài nguyên rừng (2 chính sách); tổ chức bộ máy và biên chế (2 chính sách)…
Đối với Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng, các vị đại biểu Quốc hội đánh giá việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 119/2020/QH14 ngày 19/06/2020 của Quốc hội để sửa đổi, bổ sung một số cơ chế, chính sách nhằm thực hiện mô hình chính quyền đô thị và xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội nhằm phát huy tính ưu việt, khắc phục những khó khăn, vướng mắc, bất cập của mô hình chính quyền đô thị tại Nghị quyết số 119/2020/QH14 và tạo cơ sở pháp lý hữu hiệu để phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo đột phá, giải quyết các điểm nghẽn, nút thắt về phát triển kinh tế – xã hội, góp phần xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050…
Về phê chuẩn quyết toán NSNN năm 2022, các vị đại biểu Quốc hội đã tập trung vào các nội dung như: Việc thực hiện các quy định của Luật NSNN, các nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội liên quan đến lập, chấp hành dự toán, quyết toán NSNN năm 2022; kết quả thực hiện, quyết toán thu, chi NSNN năm 2022, đặc biệt là các vấn đề: (1) Kỷ luật, kỷ cương trong lập, chấp hành dự toán, quyết toán NSNN, bao gồm chi đầu tư, chi thường xuyên, vay trả nợ; (2) Thực hiện, giải ngân chi đầu tư phát triển nguồn NSNN; (3) Thực hiện các nhiệm vụ chi thường xuyên năm 2022; (4) Chuyển nguồn NSNN năm 2022 sang năm 2023; bội chi NSNN, phát hành trái phiếu Chính phủ, vay trả nợ gốc, lãi, bù đắp bội chi; nợ công năm 2022; việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội liên quan đến quyết toán NSNN năm 2022, trong đó tập trung thảo luận các nội dung giao Chính phủ, KTNN thực hiện tại Nghị quyết số 91/2023/QH15, Nghị quyết số 94/2019/QH14 và các nghị quyết khác của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; các kết luận, kiến nghị của KTNN trong báo cáo kiểm toán quyết toán NSNN năm 2022 và báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm 2023 và việc thực hiện các kết luận của KTNN, các cơ quan thanh tra, kiểm tra trong quản lý, sử dụng NSNN năm 2021 trở về trước…
Vũ Sơn Tùng
(Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh)