Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp bất thường lần thứ 5, ngày 16/1, tại Nhà Quốc hội, Quốc hội nghe các tờ trình, báo cáo thẩm tra và thảo luận tại tổ và hội trường về dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; việc bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 từ nguồn dự phòng chung tương ứng với nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2022 cho các nhiệm vụ, dự án đầu tư công và bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam từ nguồn dự phòng của kế hoạch đầu tư công trung hạn.
Các đại biểu Quốc hội tỉnh tham dự Kỳ họp.
Qua thảo luận, các đại biểu nhất trí sự cần thiết ban hành, xuất phát từ thực tiễn triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia và cụ thể hóa nhiệm vụ Quốc hội giao, Chính phủ đề xuất các giải pháp chính sách đặc thù vượt thẩm quyền của Chính phủ nhằm tháo gỡ triệt để các khó khăn, vướng mắc, tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để các địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn các chương trình mục tiêu quốc gia trong thời gian tới. Theo đó, dự thảo Nghị quyết gồm 6 điều quy định về: Phạm vi điều chỉnh; đối tượng áp dụng; giải thích từ ngữ; nội dung các cơ chế đặc thù; tổ chức thực hiện và điều khoản thi hành. Nội dung cơ bản của 8 cơ chế đặc thù, bao gồm: Cơ chế phân bổ, giao dự toán chi thường xuyên ngân sách trung ương hằng năm; cơ chế điều chỉnh dự toán ngân sách nhà nước, điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn hằng năm; Ban hành quy định trình tự, thủ tục, tiêu chí, mẫu hồ sơ lựa chọn dự án phát triển sản xuất; cơ chế sử dụng ngân sách nhà nước trong trường hợp giao chủ dự án phát triển sản xuất tự thực hiện việc mua sắm hàng hóa, Chính phủ đề xuất Quốc hội quyết nghị cơ chế khác quy định tại khoản 1 Điều 2 Luật Đấu thầu số 22/2023/QH15; cơ chế quản lý, sử dụng tài sản hình thành từ dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, Chính phủ đề xuất cơ chế đặc thù chưa được quy định tại Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017 và các quy định khác có liên quan;… Dự thảo Nghị quyết cũng đề xuất: Cơ chế ủy thác vốn cân đối của ngân sách địa phương qua hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội; cơ chế thí điểm phân cấp cho cấp huyện trong quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; cơ chế giao kế hoạch đầu tư công trung hạn, đầu tư vốn hằng năm đối với dự án đầu tư quy mô nhỏ, kỹ thuật không phức tạp, trên cơ sở thực tiễn triển khai và nguyện vọng của nhiều địa phương.
Nhấn mạnh việc Chính phủ trình Quốc hội xem xét, ban hành Nghị quyết là đúng thẩm quyền, các đại biểu tập trung cho ý kiến vào một số nội dung trọng tâm như: Phạm vi, giải thích từ ngữ, thời gian thực hiện nghị quyết; về các chính sách cụ thể tại Điều 4 dự thảo Nghị quyết; những vấn đề liên quan đến kiểm toán;…
Phát biểu tại phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, nội dung các chính sách tại Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia đã được nghiên cứu kỹ lưỡng. Theo đó, mục tiêu của việc ban hành Nghị quyết nhằm đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.
Theo đó, với 8 chính sách được đề xuất, có 4 chính sách gồm: Phân bổ, giao dự toán chi thường xuyên ngân sách trung ương hằng năm; điều chỉnh dự toán ngân sách nhà nước, điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn hằng năm; ban hành quy định trình tự, thủ tục, tiêu chí, mẫu hồ sơ lựa chọn dự án phát triển sản xuất; giao kế hoạch đầu tư công trung hạn, đầu tư vốn hằng năm đối với dự án đầu tư xây dựng có quy mô nhỏ, kỹ thuật không phức tạp có tính khả thi cao; đưa vào thực hiện được ngay. Đối với 4 chính sách còn lại, tiếp tục làm rõ hơn, bảo đảm sự phù hợp và tính khả thi cao.
Liên quan đến khoản 5, về quản lý, sử dụng tài sản hình thành từ dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, dự thảo Chính phủ đưa ra 2 phương án. Góp ý vào nội dung này, đại biểu Nguyễn Văn Huy, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình bày tỏ tán thành phương án 1. Theo đại biểu, phương án này kế thừa được kinh nghiệm trong quản lý, tổ chức thực hiện các dự án cộng đồng của Chương trình 135 trước đây. Tuy nhiên, cần phải có nghiệm thu trước khi giao cho cộng đồng, chủ trì liên kết quản lý. Tại điểm b, Chính phủ nghiên cứu ở những vùng biến đổi khí hậu, đối với các tài sản có giá trị trên 500 triệu, ngân sách nhà nước hỗ trợ không quá 20%, giá trị tài sản còn lại là vốn của chủ trì liên kết hoặc được hưởng vay tín dụng ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Ngoài ra, để phù hợp với tình hình thực tiễn địa phương, chính sách này có thể giao cho UBND các tỉnh quy định từng trường hợp cụ thể. Đại biểu cũng lưu ý, trong quá trình thực hiện cần có sự kiểm soát chặt chẽ, tránh việc trục lợi từ chính sách, đồng thời tăng cường công tác thông tin tuyên truyền để nâng cao ý thức người dân.
Cũng tại phiên thảo luận, các đại biểu tán thành việc bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 từ nguồn dự phòng chung tương ứng với nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2022 cho các nhiệm vụ, dự án đầu tư công và bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam từ nguồn dự phòng của kế hoạch đầu tư công trung hạn.
Vũ Sơn Tùng
(Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh)