Công tác quản lý nhà nước về đất đai luôn được tỉnh Thái Bình đặc biệt quan tâm và có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần thúc đẩy kinh tế – xã hội phát triển bền vững.
Thi công tuyến đường bộ ven biển đoạn qua địa bàn huyện Thái Thụy.
Hiệu quả sử dụng đất được nâng cao
Ông Nguyễn Văn Trường, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: Để quản lý, sử dụng đất đai hiệu quả, những năm qua, ngành đã tham mưu UBND tỉnh làm tốt công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Qua đó tạo thuận lợi trong việc định hướng, bố trí sử dụng đất cho các ngành, lĩnh vực, các địa phương, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng trên địa bàn tỉnh; công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã trở thành công cụ quan trọng để nhà nước thống nhất quản lý về đất đai; việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã tuân thủ các nguyên tắc, căn cứ, trình tự, nội dung mà pháp luật về đất đai quy định. Công tác bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng (GPMB), tái định cư khi nhà nước thu hồi đất bảo đảm dân chủ, công khai, khách quan, công bằng và đúng quy định của pháp luật. Qua đó, góp phần phát triển bền vững kinh tế – xã hội của địa phương.
Từ đầu năm đến nay, Sở Tài nguyên và Môi trường đã chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố và đơn vị tư vấn rà soát kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021 – 2025) tỉnh Thái Bình; điều chỉnh, bổ sung quy mô, địa điểm, số lượng dự án trong quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 của các huyện: Thái Thụy, Kiến Xương và thành phố Thái Bình; hướng dẫn UBND các huyện, thành phố lập điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 cấp huyện trình thẩm định, phê duyệt theo quy định. Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư rà soát, hoàn thiện phương án phân bổ khoanh vùng đất đai trong Quy hoạch tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đã thẩm định, trình UBND tỉnh trên 100 hồ sơ giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, thu hồi đất, điều chỉnh, gia hạn sử dụng đất, gia hạn tiến độ sử dụng đất, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Tham mưu UBND tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa để thực hiện 13 dự án với tổng diện tích 421,54ha đất trồng lúa…
Ông Nguyễn Văn Sáng, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Thái Thụy cho biết: Thời gian qua, Phòng đã chủ trì, phối hợp với các phòng, ban, đơn vị liên quan thông báo rộng rãi tới mọi đối tượng có nhu cầu sử dụng đất và tổng hợp xây dựng kế hoạch sử dụng đất hàng năm của huyện làm căn cứ để thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất; đồng thời, phối hợp giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác bồi thường GPMB bảo đảm sớm bàn giao mặt bằng cho các dự án đầu tư theo đúng quy định. 6 tháng đầu năm 2024, Phòng đã tham mưu UBND huyện phê duyệt phương án GPMB thực hiện 25 dự án, với tổng diện tích đất thu hồi trên 280.700m2 của 696 hộ, số tiền bồi thường, hỗ trợ GPMB hơn 107 tỷ đồng.
Tăng chỉ số tiếp cận đất đai
Năm 2023, thứ hạng chỉ số tiếp cận đất đai của tỉnh tăng 24 bậc so với năm 2022, xếp thứ 10/63 tỉnh, thành phố, đã phản ánh quyết tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp trong cải thiện, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Để đạt được kết quả đó, những năm gần đây các cấp chính quyền của tỉnh đều nhận thức rõ vấn đề tiếp cận đất đai và duy trì ổn định trong quá trình sử dụng đất để phục vụ sản xuất, kinh doanh luôn là điều mà các doanh nghiệp đặc biệt quan tâm. Tỉnh đã thẳng thắn chỉ rõ “nút thắt” gây phức tạp và khó cải thiện nhất trong lĩnh vực đất đai là tính liên ngành, liên cấp trong quản lý, giải quyết thủ tục đất đai, từ đó chỉ đạo các ngành, các địa phương tăng cường phối hợp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận đất đai.
Nhờ làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, hạ tầng giao thông xã Duy Nhất (Vũ Thư) được đầu tư đồng bộ.
Thực hiện chỉ đạo của tỉnh, các ngành, các địa phương tập trung xây dựng quy hoạch đất đai hợp lý; chuẩn bị sẵn quỹ đất sạch cho nhà đầu tư nghiên cứu, lựa chọn; minh bạch và chủ động cung cấp thông tin về quy hoạch tới các doanh nghiệp; giải quyết thông thoáng các thủ tục thuê, mua đất; nhanh chóng cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; tích cực hỗ trợ GPMB, giúp doanh nghiệp sớm thiết lập hoạt động trên mặt bằng kinh doanh đã có.
Là cơ quan được phân công phụ trách chỉ số thành phần tiếp cận đất đai, Sở Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với các sở, ngành, địa phương rà soát và thông tin kịp thời về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cho doanh nghiệp, nhà đầu tư biết để chủ động trong việc lập dự án sản xuất, kinh doanh. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến đất đai. Đã triển khai thực hiện số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính; tạo tài khoản cho công dân; chuyển thông tin điện tử sang cơ quan thuế; tra cứu dữ liệu từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong thực hiện thủ tục hành chính; triển khai tiếp nhận, giải quyết các dịch vụ công trực tuyến trong lĩnh vực đất đai trên cổng dịch vụ công của tỉnh, cổng dịch vụ công quốc gia.
Để công tác quản lý đất đai tiếp tục phát huy hiệu quả, ngành tài nguyên và môi trường cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, chấn chỉnh công tác quản lý đất đai của các đơn vị sử dụng đất, các địa phương; làm tốt công tác lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, trình thông qua danh mục các dự án nhà nước thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất; tập trung tháo gỡ vướng mắc trong công tác GPMB, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, nâng cao chỉ số tiếp cận đất đai.
Minh Nguyệt
Nguồn: https://baothaibinh.com.vn/tin-tuc/4/207028/quan-ly-hieu-qua-dat-dai-dong-luc-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-ben-vung