Ngày 15/11, Bộ Thông tin và Truyền thông, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam phát hành bộ tem “Kỷ niệm 100 năm sinh nhạc sĩ Văn Cao (1923-2023)”.
Bộ tem “Kỷ niệm 100 năm sinh nhạc sĩ Văn Cao (1923-2023)” gồm 1 mẫu, với giá mặt 4000 đồng do họa sĩ Phạm Quang Diệu (Tổng công ty Bưu điện Việt Nam) thiết kế, có khuôn khổ 43 x 32 (mm), được cung ứng trên mạng lưới bưu chính từ ngày 15/11/2023 đến ngày 30/6/2025.
Được thiết kế theo phong cách đồ họa, màu sắc chủ đạo của bộ tem là gam màu nâu ấm nhằm tôn vinh giá trị lịch sử mà nhạc sĩ đã để lại với hình ảnh chân dung rất đỗi quen thuộc và gần gũi của người nhạc sĩ tài năng cùng bản nhạc và lời bài hát “Tiến quân ca” do nhạc sĩ sáng tác năm 1944 đã được Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 quy định tại Khoản 3 điều 13 là Quốc ca nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
Bộ tem được phát hành nhằm tôn vinh những đóng góp to lớn của nhạc sĩ Văn Cao đối với nền âm nhạc cách mạng Việt Nam. Không chỉ bản “Tiến quân ca” lần đầu tiên được vang lên đầy tự hào trước biển người tại quảng trường Nhà hát Lớn Hà Nội, mà ông còn tiếp tục một hành trình dài với sự nghiệp âm nhạc đồ sộ góp phần làm nên giá trị bất hủ của nền âm nhạc Việt Nam, cùng những bài thơ cách tân tiêu biểu, tài năng của nhạc sĩ Văn Cao còn thể hiện trong hội họa.
Nhạc sĩ Văn Cao tên đầy đủ là Nguyễn Văn Cao, sinh ngày 15/11/1923 tại phường Lạch Tray, quận Ngô Quyền, thành phố Hải Phòng, còn quê gốc ở thôn An Lễ, xã Liên Minh, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Thuộc thế hệ nhạc sĩ tiên phong, Văn Cao tham gia nhóm Đồng Vọng, sáng tác các ca khúc trữ tình lãng mạn, đáng chú ý nhất là Bến xuân, Suối mơ, Thiên Thai và Trương Chi. Ông nhanh chóng trở thành một trong những gương mặt tiên phong, nổi bật nhất của trào lưu lãng mạn trong lịch sử âm nhạc Việt Nam, đặc biệt là để lại những dấu ấn mang tính khai phá của ông trong tân nhạc Việt.
Năm 1944, Văn Cao tham gia Việt Minh và cho ra đời bài hát “Tiến quân ca”. Từ đó, âm nhạc của ông có bước chuyển lớn từ phong cách lãng mạn, trữ tình và cả hiện thực phê phán sang phong cách cách mạng – kháng chiến (cả trong âm nhạc, hội họa và thơ). Ông viết nhiều ca khúc, hành khúc như là sự tiên tri về tương lai của đất nước: “Hải quân Việt Nam”, “Không quân Việt Nam”, “Công nhân Việt Nam”, “Chiến sĩ Việt Nam”, tiếp đó là “Làng tôi”, “Ngày mùa”, “Tiến về Hà Nội”, đặc biệt là ca khúc “Ca ngợi Hồ Chủ tịch” và “Trường ca sông Lô”…
Ông mất năm 1995, một năm sau khi mất, nhạc sĩ Văn Cao được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh trong đợt trao giải đầu tiên. Ông cũng đã được Nhà nước trao tặng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Độc lập hạng Ba, Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Hồ Chí Minh. Tên ông cũng được đặt cho nhiều con phố đẹp ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Huế, Đà Nẵng, Nam Định…
Theo vtv.vn