Sáng ngày 6/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2024 và hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương để đánh giá về tình hình kinh tế – xã hội tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2024; tình hình thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ; tình hình phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công, triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia; tình hình thực hiện ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm và một số vấn đề quan trọng khác.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị. Ảnh khai thác.
Dự hội nghị tại điểm cầu Thái Bình có các đồng chí: Ngô Đông Hải, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Quang Hưng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh; Lại Văn Hoàn, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Phạm Văn Nghiêm, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo các sở, ngành.
Các đồng chí: Ngô Đông Hải, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh dự hội nghị tại điểm cầu Thái Bình.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, từ đầu năm đến nay, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng nền kinh tế đã thể hiện rõ sự phục hồi tích cực. Tăng trưởng GDP quý II ước tăng 6,93% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó một số địa phương có tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng mạnh như: Bắc Giang tăng 14,14%, Khánh Hòa tăng 12,73%, Thanh Hóa tăng 11,49%, Hà Nam tăng 10,35%, Hải Phòng tăng 10,32%, Trà Vinh tăng 10,27%, Hải Dương tăng 10%. Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) quý II tăng 4,39% so với cùng kỳ năm 2023. Thu ngân sách nhà nước 6 tháng ước đạt 60% dự toán, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm 2023. Kim ngạch xuất nhập khẩu 6 tháng tăng 15,7%, ước xuất siêu 11,63 tỷ USD. Tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký 6 tháng đạt gần 15,2 tỷ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó vốn FDI đăng ký mới đạt hơn 9,5 tỷ USD, tăng 46,9%, vốn FDI thực hiện đạt khoảng 10,8 tỷ USD, tăng 8,2%; nhiều dự án FDI lớn trong các lĩnh vực bán dẫn, điện tử, năng lượng… được đầu tư mới và mở rộng tăng vốn. Công tác hoàn thiện thể chế, pháp luật, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh được thúc đẩy. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội tiếp tục được quan tâm, đẩy mạnh; an sinh xã hội được bảo đảm, đời sống người dân tiếp tục được nâng lên. Tình hình chính trị ổn định, độc lập, chủ quyền quốc gia được giữ vững; tiềm lực quốc phòng, an ninh được tăng cường. Công tác đối ngoại, ngoại giao kinh tế, nhất là đối ngoại cấp cao tiếp tục được triển khai chủ động, tích cực, hiệu quả, có dấu ấn nổi bật, cụ thể hóa thành các dự án cụ thể, thiết thực, mang tính đột phá.
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh và đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Thái Bình.
Đại diện các bộ, ngành, địa phương phát biểu làm rõ thêm về những kết quả đã đạt được, tồn tại, hạn chế, nguyên nhân và giải pháp khắc phục nhằm đạt được mục tiêu, kế hoạch đã đề ra ở mức cao nhất.
Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính cơ bản đồng tình với các báo cáo, ý kiến tại hội nghị; giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng Chính phủ tiếp thu các ý kiến, hoàn thiện báo cáo và dự thảo nghị quyết phiên họp, sớm trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành.
Cùng với việc nhấn mạnh những kết quả nổi bật trong phát triển kinh tế – xã hội 6 tháng đầu năm, Thủ tướng cũng chỉ rõ những tồn tại, hạn chế và khó khăn, thách thức cần khắc phục trong thời gian tới, đó là tăng trưởng kinh tế ở một số địa phương còn thấp; tình hình sản xuất, kinh doanh một số lĩnh vực còn khó khăn; nợ xấu có xu hướng tăng; thị trường bất động sản bước đầu ổn định nhưng khó khăn, vướng mắc còn chậm được giải quyết; đời sống một bộ phận người dân còn khó khăn; nắng nóng, hạn hán nghiêm trọng ở nhiều nơi; tình hình tội phạm, tệ nạn xã hội, tội phạm mạng, an ninh an toàn thông tin diễn biến phức tạp; còn xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông, cháy nổ nghiêm trọng…
Đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Thái Bình.
Để phấn đấu tăng trưởng GDP quý III đạt từ 6,5 – 7%, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ban, ngành, địa phương không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, “say sưa chiến thắng”; chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính; đề cao trách nhiệm người đứng đầu; không để tình trạng né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm; tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh; chú trọng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; khơi thông, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực bên trong và bên ngoài; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; phát huy tinh thần chủ động, tích cực, đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm; nắm chắc diễn biến tình hình, phản ứng chính sách kịp thời, hiệu quả; tăng cường đoàn kết, thống nhất; ổn định chính trị xã hội; củng cố quốc phòng, an ninh; đẩy mạnh đối ngoại, hội nhập quốc tế và thông tin truyền thông, tạo đồng thuận xã hội.
Thủ tướng cũng chỉ rõ 10 nhóm nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, đó là thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra trên các lĩnh vực theo kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, lãnh đạo chủ chốt và các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ; tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, điều hành chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm; quyết liệt đẩy mạnh hơn nữa giải ngân vốn đầu tư công và ba chương trình mục tiêu quốc gia, tiếp tục đẩy mạnh hoạt động của 5 tổ công tác của Thủ tướng và 26 tổ công tác của thành viên Chính phủ, kịp thời xử lý khó khăn, vướng mắc, tập trung hoàn thành giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng trọng điểm; tập trung làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng) và thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới; tập trung hoàn thiện thể chế, pháp luật, cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia; chú trọng các lĩnh vực văn hóa, xã hội, môi trường, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống của nhân dân; củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, tăng cường phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; triển khai chu đáo, thực chất, hiệu quả các hoạt động đối ngoại; tăng cường thông tin, truyền thông, tạo đồng thuận xã hội, động lực, truyền cảm hứng và tập trung thông tin về những điểm sáng, đổi mới sáng tạo, mô hình hay, cách làm mới, điển hình tiên tiến; tích cực triển khai các nhiệm vụ của Tiểu ban kinh tế – xã hội Đại hội XIV của Đảng bảo đảm tiến độ, chất lượng và chuẩn bị triển khai Đại hội Đảng các cấp.
Về kiến nghị của các địa phương, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành rà soát theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền tập trung chỉ đạo tháo gỡ ngay những khó khăn, vướng mắc; kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền về những vấn đề vượt thẩm quyền.
Minh Hương
Nguồn: https://baothaibinh.com.vn/tin-tuc/1/203142/phan-dau-tang-truong-gdp-quy-iii-dat-tu-6-5-7