Tại thủ đô Ulan Bator, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã nhận được sự đón tiếp thân tình, trọng thị và chu đáo. Trong khuôn khổ chuyến thăm cấp Nhà nước tới Mông Cổ, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã có cuộc hội đàm với Tổng thống Mông Cổ Ukhnaagiin Khurelsukh; các cuộc hội kiến Thủ tướng Mông Cổ Luvsannamsrain Oyun-Erdene và Chủ tịch Quốc hội Mông Cổ Dashzegve Amarbayasgalan.
Trong không khí tin cậy, chân thành và cởi mở, các nhà lãnh đạo hai nước bày tỏ vui mừng và hài lòng trước sự phát triển mạnh mẽ của quan hệ hữu nghị truyền thống Việt Nam-Mông Cổ.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Tổng thống Mông Cổ Ukhnaagiin Khurelsukh đã ra Tuyên bố chung Việt Nam-Mông Cổ về thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện, nhằm định hướng cho sự hợp tác tin cậy sâu sắc giữa hai nước trên tất cả các lĩnh vực, mở ra thời kỳ hợp tác phát triển mới thực chất, hiệu quả và toàn diện hơn vì cuộc sống ấm no và hạnh phúc của nhân dân hai nước.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Tổng thống Mông Cổ Ukhnaagiin Khurelsukh chụp ảnh chung. (Ảnh: TTXVN)
Mông Cổ khẳng định luôn coi Việt Nam là đối tác quan trọng tại khu vực Đông Nam Á, mong muốn phát triển mở rộng quan hệ hợp tác cùng có lợi trên tất cả các lĩnh vực.
Việt Nam khẳng định coi trọng phát triển quan hệ với Mông Cổ, tôn trọng chính sách đối ngoại yêu chuộng hòa bình, rộng mở, tự chủ và đa trụ cột của Mông Cổ, chính sách “láng giềng thứ ba” và mong muốn thúc đẩy quan hệ hai nước phát triển hơn nữa trong thời gian tới.
Lãnh đạo cấp cao hai nước nhất trí tăng cường giao lưu, tiếp xúc, trao đổi đoàn cấp cao và các cấp với các hình thức đa dạng, linh hoạt, đồng thời, mở rộng quan hệ mật thiết giữa nhân dân hai nước.
Nhằm tăng cường hợp tác giữa các Cơ quan lập pháp, trong đó phát triển hợp tác giữa các Ủy ban chuyên môn, nhóm Nghị sĩ, nghị sĩ trẻ và nữ nghị sĩ tương xứng với khuôn khổ quan hệ mới, Việt Nam và Mông Cổ sẽ cùng thúc đẩy ký mới Thỏa thuận hợp tác giữa hai Quốc hội thay thế Thỏa thuận đã ký năm 2018. Đồng thời, duy trì hiệu quả cơ chế Tham khảo chính trị luân phiên cấp Thứ trưởng Ngoại giao.
Đánh giá cao những tiến triển mới trong hợp tác quốc phòng và an ninh thời gian qua, lãnh đạo cấp cao hai nước nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiếp tục mở rộng hợp tác giữa các lực lượng vũ trang và cơ quan thực thi pháp luật. Nhất là triển khai hiệu quả các thỏa thuận hợp tác đã ký, đẩy nhanh thủ tục đàm phán tiến tới ký kết các hiệp định trong lĩnh vực an ninh, phòng chống tội phạm; tăng cường hợp tác trao đổi thông tin tội phạm liên quan; phối hợp đánh giá, dự báo về các vấn đề liên quan tới lợi ích và an ninh quốc gia hai nước.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm hội kiến Thủ tướng Mông Cổ Luvsannamsrain Oyun-Erdene. (Ảnh: TTXVN)
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm hội kiến Chủ tịch Quốc hội Mông Cổ Dashzegviin Amarbayasgalan. (Ảnh: TTXVN)
Lãnh đạo cấp cao hai bên nhất trí thúc đẩy hợp tác kinh tế, trong đó duy trì cơ chế Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác kinh tế, thương mại, khoa học và kỹ thuật. Đồng thời, tăng cường vai trò của Hội đồng Doanh nghiệp hai bên thông qua hỗ trợ triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, thúc đẩy kết nối hợp tác doanh nghiệp. Trong thời gian tới, hai nước sẽ thúc đẩy nghiên cứu các giải pháp phù hợp cải thiện môi trường đầu tư và xem xét ký mới Hiệp định Khuyến khích và Bảo hộ đầu tư.
Hai nước sẽ tăng cường hợp tác nghiên cứu, phát triển khoa học công nghệ cao, công nghệ số, đổi mới sáng tạo, công nghệ trí tuệ nhân tạo, thông tin truyền thông, ứng phó biến đổi khí hậu, khai thác khoáng sản, chăn nuôi… Đặc biệt là cùng phối hợp tìm biện pháp tháo gỡ khó khăn, thách thức trong vận tải logistics; trao đổi kinh nghiệm, thực hiện hiệu quả các thỏa thuận hợp tác đã ký trong lĩnh vực đường bộ, đường sắt, vận tải biển và hàng không.
Việt Nam và Mông Cổ cùng chia sẻ mong muốn thúc đẩy việc xây dựng các cơ chế trao đổi chuyên gia, giảng viên, sinh viên, giao lưu sinh viên hai nước. Đồng thời, tăng cường trao đổi kinh nghiệm về cơ chế, chính sách giáo dục, ứng dụng công nghệ số trong giáo dục…
7 văn kiện hợp tác được ký giữa các bộ, ngành và địa phương hai nước:
- Bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực pháp luật giữa Bộ Tư pháp Việt Nam và Bộ Tư pháp và Nội vụ Mông Cổ.
- Thỏa thuận hợp tác giữa Bộ Công an Việt Nam và Bộ Tư pháp và Nội vụ Mông Cổ về an ninh mạng và phòng chống tội phạm.
- Bản ghi nhớ hợp tác giữa Bộ Giao thông vận tải Việt Nam và Bộ Giao thông vận tải Mông Cổ.
- Bản ghi nhớ hợp tác du lịch giữa Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam và Bộ Văn hóa, Thể thao, Du lịch và Thanh niên Mông Cổ.
- Bản ghi nhớ về tăng cường quan hệ hữu nghị hợp tác giữa Thành phố Hà Nội và Chính quyền thành phố Ulan Bator.
- Bản ghi nhớ hợp tác giữa Viện hàn lâm khoa học công nghệ Việt Nam và Viện hàn lâm khoa học Mông Cổ.
- Bản ghi nhớ hợp tác giữa Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Khoa học và Công nghệ Mông Cổ.
Nhằm thúc đẩy hợp tác địa phương và giao lưu nhân dân, hai nước sẽ tăng cường triển khai các chương trình giao lưu và quảng bá về văn hóa, lịch sử mỗi nước, thúc đẩy trao đổi các đoàn văn hóa, nghệ thuật… tăng cường quảng bá tiềm năng, thế mạnh du lịch hai bên.
Hai bên nhất trí tiếp tục hợp tác chặt chẽ, trao đổi thường xuyên về các vấn đề an ninh, chính trị khu vực, ủng hộ lẫn nhau trong các khuôn khổ, diễn đàn khu vực và quốc tế mà hai bên là thành viên như Liên hợp quốc, Diễn đàn hợp tác Á-Âu (ASEM), Tổ chức Thương mại thế giới (WTO)…
Nhân dịp này, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm thay mặt Chính phủ và nhân dân Việt Nam cảm ơn Chính phủ và nhân dân Mông Cổ đã hỗ trợ cho người dân miền Bắc khắc phục thiệt hại do bão Yagi vừa qua. Tổng thống Mông Cổ cũng chuyển lời cảm ơn tới Nhà nước và nhân dân Việt Nam đã hỗ trợ 500.000 USD khắc phục hậu quả thiên tai thời gian vừa qua.
Điểm nhấn lớn nhất trong chuyến thăm cấp Nhà nước tới Ireland của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm là hai bên đã ra Tuyên bố chung về tăng cường quan hệ đối tác giữa Việt Nam và Ireland.
Tuyên bố chung nêu rõ: “Hai nhà lãnh đạo khẳng định chuyến thăm cấp Nhà nước lần này là một dấu mốc quan trọng sau gần 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Hai bên khẳng định tầm quan trọng của việc tăng cường hơn nữa quan hệ Việt Nam-Ireland; nhất trí hợp tác vì sự thịnh vượng và phát triển toàn diện của cả hai nước, vì hòa bình, hợp tác và phát triển trên toàn cầu, phù hợp với các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc”.
Khẳng định tầm quan trọng của quan hệ Đối tác chiến lược ngành về hợp tác giáo dục đại học giữa Việt Nam và Ireland, Tuyên bố chung nhấn mạnh: Hai nhà lãnh đạo hoan nghênh việc thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược trong lĩnh vực hợp tác giáo dục đại học và khẳng định tầm quan trọng của việc xây dựng khuôn khổ quan hệ Đối tác toàn diện vào thời điểm thích hợp. Trên tinh thần đó, hai nhà lãnh đạo hoan nghênh việc ký kết Bản ghi nhớ giữa Đại học Quốc gia Hà Nội với Đại học Dublin và Đại học Cork nhân chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm. Việt Nam cảm ơn Ireland đã cung cấp 325 học bổng sau đại học cho sinh viên Việt Nam kể từ năm 2007.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm gặp riêng Tổng thống Ireland Michael Higgins. (Ảnh: TTXVN)
Trong khuôn khổ chuyến thăm cấp Nhà nước tới Ireland, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã hội đàm với Tổng thống Ireland Michael Higgins, hội kiến Thủ tướng Ireland Simon Harris, gặp Chủ tịch Thượng viện Ireland Jerry Buttimer và Phó Chủ tịch Hạ viện Catherine Connolly…
Tại các cuộc gặp, các nhà lãnh đạo hai bên nhất trí đẩy mạnh trao đổi đoàn các cấp, đặc biệt là cấp cao, tích cực triển khai các cơ chế hợp tác hiện có. Nhân dịp này, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm vui mừng thông báo: Chính phủ Việt Nam đã quyết định và đang triển khai các thủ tục thành lập Đại sứ quán Việt Nam tại Ireland. Các nhà lãnh đạo hai nước bày tỏ tin tưởng rằng, quyết định này sẽ mở ra một giai đoạn phát triển mới trong quan hệ song phương, vì lợi ích chung của nhân dân hai nước.
Đánh giá cao đường lối, chính sách đối ngoại của Việt Nam và khẳng định coi trọng vị thế và vai trò của Việt Nam tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, các nhà lãnh đạo Ireland nhấn mạnh rằng, hai nước có nhiều điểm tương đồng trong đấu tranh giành độc lập dân tộc và không có lĩnh vực nào, chủ đề nào mà hai bên không thể trao đổi, hợp tác.
Bài phát biểu chính sách “Tầm nhìn về kỷ nguyên mới trong quan hệ hữu nghị và hợp tác Việt Nam-Ireland, vì hòa bình, hợp tác và phát triển” tại Trường đại học Trinity Dublin của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nêu rõ: Chủ nghĩa yêu nước, lý tưởng vì tự do, độc lập dân tộc, khát vọng hòa bình cùng những giá trị văn hóa chung sẽ là “chất keo” gắn kết hai dân tộc của chúng ta hôm nay và mai sau, là nền tảng cho quan hệ Việt Nam-Ireland phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm phát biểu chính sách tại Trường Đại học Trinity Dublin của Ireland. (Ảnh: TTXVN)
Để tận dụng tối đa thời cơ chiến lược, chuyển hóa các thách thức thành cơ hội và xây dựng tương lai thịnh vượng cho cả hai nước, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã nhấn mạnh các phương hướng sau đây: Thứ nhất, chủ động kiến tạo không gian phát triển mới vì lợi ích và thịnh vượng của nhân dân hai nước; Thứ hai, tạo đột phá trong việc nâng cao tính tự chủ, tự lực, tự cường và khả năng thích ứng trước các thách thức toàn cầu mới; Thứ ba, nâng tầm và chủ động mở rộng đóng góp của Việt Nam và Ireland cho các vấn đề hòa bình, hợp tác và phát triển quốc tế.
Trong khuôn khổ chương trình tham dự Hội nghị cấp cao Pháp ngữ lần thứ 19 với chủ đề “Sáng tạo, Đổi mới và Khởi nghiệp bằng tiếng Pháp”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã dự và phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Pháp ngữ về đổi mới, sáng tạo (FrancoTech).
Tại Diễn đàn, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm hoan nghênh sáng kiến tổ chức diễn đàn về đổi mới, sáng tạo, đúng theo đúng tinh thần chủ đề của Hội nghị cấp cao Pháp ngữ lần thứ 19. Đặc biệt trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, việc đầu tư vào đổi mới, sáng tạo chính là quyết sách và sự lựa chọn chiến lược không chỉ với quốc gia mà cả cộng đồng doanh nghiệp Pháp ngữ.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nêu rõ, với dân số hơn 1,2 tỷ người, chiếm 16% GDP và 20% thương mại toàn cầu, không gian Pháp ngữ là một mảnh đất đầy tiềm năng và cơ hội cho các hoạt động hợp tác kinh tế, đầu tư và trao đổi thương mại. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước chia sẻ: Những năm qua, Việt Nam đã có nhiều chủ trương, chính sách nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo, lan tỏa tinh thần khởi nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp hoạt động và phát triển. Sự lớn mạnh của doanh nghiệp, việc ứng dụng khoa học, công nghệ vào hoạt động doanh nghiệp đã góp phần đáng kể tạo nên những thành tựu phát triển của Việt Nam trong những năm qua.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm dự Phiên toàn thể về chủ đề “Sáng tạo, đổi mới và khởi nghiệp”. (Ảnh: TTXVN)
Kêu gọi các doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong cộng đồng Pháp ngữ tiếp tục quan tâm, đến đầu tư tại Việt Nam, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cho biết: Việt Nam đang tạo ra môi trường đầu tư kinh doanh ngày càng thuận lợi, với nhiều chính sách ưu đãi hấp dẫn và có vị thế, vị trí rất thuận lợi để giúp các doanh nghiệp cộng đồng Pháp ngữ tiếp tục vươn xa phát triển thành các tập đoàn, doanh nghiệp lớn mang tầm vóc quốc tế.
Gặp Tổng Thư ký Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ (OIF) Louise Mushikiwabo, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đánh giá cao quan hệ quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa Việt Nam và OIF, cũng như những đóng góp của OIF và cá nhân bà Tổng Thư ký Louise Mushikiwabo trong việc thúc đẩy đoàn kết, hợp tác Pháp ngữ vì hoà bình, ổn định và phát triển. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đề nghị OIF quan tâm thúc đẩy các mô hình hợp tác ba bên hỗ trợ các nước châu Phi trong lĩnh vực nông nghiệp, hợp tác Nam-Nam, đồng thời tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các chương trình, dự án hợp tác trong lĩnh vực giáo dục, giảng dạy tiếng Pháp, nghiên cứu khoa học, khởi nghiệp bằng tiếng Pháp.
Tổng Thư ký OIF Louise Mushikiwabo hoan nghênh việc Việt Nam tham dự Hội nghị cấp cao Pháp ngữ ở cấp cao nhất, khẳng định đây là vinh dự cho OIF. Tổng Thư ký nhấn mạnh, Việt Nam là nhân tố không thể thiếu trong cộng đồng Pháp ngữ, đánh giá cao vai trò và đóng góp tích cực của Việt Nam, trong đó có những người Việt Nam đang nắm giữ những vị trí quan trọng tại các cơ quan của Pháp ngữ.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm gặp song phương Tổng Thư ký Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ Louise Mushikiwabo. (Ảnh: TTXVN)
Trong cuộc trò chuyện thân mật với các chuyên gia, trí thức kiều bào tiêu biểu ở các nước trong cộng đồng khối Pháp ngữ, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm hoan nghênh, đánh giá cao những ý kiến tâm huyết, có trách nhiệm với đất nước của các trí thức kiều bào; nhấn mạnh những đóng góp của đội ngũ trí thức người Việt Nam ở nước ngoài cho nước sở tại và quê hương Việt Nam là nguồn lực rất đáng quý. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cho biết, chuyến công tác tham dự Hội nghị cấp cao Pháp ngữ lần thứ 19 nhằm tiếp tục khẳng định vai trò của Việt Nam là thành viên chủ chốt, có trách nhiệm của cộng đồng Pháp ngữ tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương cũng như sự tham gia tích cực, có trách nhiệm của Việt Nam vào các hoạt động của cộng đồng Pháp ngữ nói riêng và cộng đồng quốc tế nói chung.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước kêu gọi kiều bào tiếp tục phát huy tích cực vai trò cầu nối trong quan hệ giữa Việt Nam với các nước trong cộng đồng Pháp ngữ, đem lại lợi ích thiết thực cho các bên, đóng góp trực tiếp cho sự phát triển của đất nước; mong muốn trí thức kiều bào sẽ tiếp tục đem những thành tựu khoa học tiên tiến của thế giới về đất nước, đào tạo cho Việt Nam nhiều nhân tài hơn nữa. Doanh nhân kiều bào sẽ đem nhiều sản phẩm Việt Nam đến thị trường quốc tế hơn nữa, thúc đẩy chuyển cơ sở sản xuất về Việt Nam. Các văn nghệ sĩ góp phần bảo tồn và phát huy tiếng Việt trong không gian Pháp ngữ, góp phần thúc đẩy sự đa dạng về văn hóa và ngôn ngữ.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm gặp gỡ nhóm trí thức người Việt tiêu biểu của các nước trong cộng đồng Pháp ngữ. (Ảnh: TTXVN)
Nhân chuyến thăm chính thức Cộng hòa Pháp, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã hội đàm với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.
Trong không khí tin cậy và thẳng thắn, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Tổng thống Macron đã trao đổi toàn diện về tình hình kinh tế-xã hội mỗi nước, quan hệ hợp tác song phương và các vấn đề khu vực, quốc tế cùng quan tâm. Hai nhà lãnh đạo bày tỏ vui mừng về những phát triển tích cực trong quan hệ giữa hai nước; nhất trí tăng cường trao đổi đoàn các cấp, nhất là cấp cao trên các kênh Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội.
Hai nhà lãnh đạo nhất trí tuyên bố nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện và thống nhất các phương hướng, biện pháp lớn nhằm đưa khuôn khổ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Pháp ngày càng đi vào chiều sâu, thiết thực, phù hợp với khuôn khổ hợp tác giữa hai nước trong bối cảnh mới. Với quyết định này, Pháp trở thành nước đầu tiên trong EU có quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với Việt Nam.
Hai bên đánh giá hợp tác an ninh-quốc phòng là một trong những trụ cột quan trọng; nhất trí triển khai hiệu quả các văn bản thỏa thuận hợp tác đã ký; sớm tổ chức Đối thoại chiến lược an ninh-quốc phòng; phối hợp, hỗ trợ trong công tác đào tạo sỹ quan, chia sẻ kinh nghiệm công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm; ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn an ninh khu vực và thế giới.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron họp báo chung. (Ảnh: TTXVN)
Về kinh tế-thương mại, hai bên đánh giá cao hợp tác giữa Bộ, ngành, địa phương hai nước trong lĩnh vực này; nhất trí tiếp tục thúc đẩy các khoản vay ưu đãi, vay ODA cho Việt Nam; khuyến khích các cơ quan doanh nghiệp hai nước tiếp tục triển khai đầy đủ, hiệu quả Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA). Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đề nghị Pháp sớm hoàn tất quá trình phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam-EU (EVIPA); đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam trong chuyển đổi nghề cá bền vững; ủng hộ EC sớm gỡ bỏ thẻ vàng đối với thủy sản Việt Nam.
Tổng thống Macron khẳng định EVIPA là động lực quan trọng thúc đẩy quan hệ kinh tế-thương mại giữa hai bên; khẳng định sẽ sớm đề nghị Quốc hội thông qua EVIPA. Tổng thống Pháp đánh giá cao cam kết của Việt Nam trong thực hiện Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng-JETP và chuyển đổi xanh. Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực có tiềm năng và Pháp có thế mạnh như cơ sở hạ tầng, hàng không vũ trụ, khoa học công nghệ, năng lượng tái tạo, năng lượng hydrogen…
Hai bên cũng nhất trí thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực khoa học công nghệ, hàng không vũ trụ, trí tuệ nhân tạo, hạ tầng giao thông sân bay, y tế, giáo dục, nông nghiệp…
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tiếp Bí thư toàn quốc Đảng Cộng sản Pháp Fabien Roussel. (Ảnh: TTXVN)
Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Cộng hòa Pháp, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tiếp Bí thư toàn quốc Đảng Cộng sản Pháp Fabien Roussel. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm khẳng định, cuộc gặp và trao đổi với Bí thư toàn quốc Đảng Cộng sản Pháp Fabien Roussel là dịp để tăng cường quan hệ hữu nghị đoàn kết giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Pháp mà Chủ tịch Hồ Chí Minh là một trong những thành viên sáng lập và đã dày công vun đắp cùng các thế hệ đảng viên Đảng Cộng sản Pháp.
Đánh giá cao những nỗ lực và kết quả tích cực mà Đảng Cộng sản Pháp đạt được trong thời gian qua, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm bày tỏ mong muốn Đảng Cộng sản Pháp tiếp tục phát huy kinh nghiệm, truyền thống cách mạng để nâng cao hơn nữa vị trí và vai trò của Đảng tại Pháp và châu Âu trong thời gian tới. Đồng thời, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đề nghị hai Đảng tiếp tục hợp tác tích cực, hiệu quả, trong đó có việc thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực kinh tế thương mại, hợp tác địa phương, tăng cường trao đổi đoàn, duy trì hợp tác giữa Báo Nhân Dân và Báo Nhân đạo, tổ chức tốt Hội thảo lý luận lần thứ 4 giữa hai Đảng và chuyến thăm của Bí thư toàn quốc Đảng Cộng sản Pháp tới Việt Nam.
Đồng chí Fabien Roussel cũng đánh giá cao những thành tựu Việt Nam đạt được trong gần 40 năm Đổi mới, khẳng định vai trò và sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đảng Cộng sản Pháp luôn trân trọng và ưu tiên phát triển quan hệ đoàn kết, hữu nghị với Đảng Cộng sản Việt Nam và sẽ nỗ lực làm sâu sắc hơn nữa nền tảng quan hệ tốt đẹp đã có giữa hai Đảng, góp phần tích cực tăng cường quan hệ giữa hai nước và nhân dân hai nước trong thời gian tới.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Pháp. (Ảnh: TTXVN)
Là chuyến thăm cấp Nhà nước đầu tiên tới Mông Cổ của Chủ tịch nước Việt Nam sau 16 năm, chuyến thăm cấp Nhà nước đầu tiên tới Ireland của Chủ tịch nước Việt Nam kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao và chuyến thăm đầu tiên tới Pháp của Chủ tịch nước Việt Nam sau 22 năm, chuyến công tác vừa qua của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã gặt hái nhiều kết quả tốt đẹp, đánh dấu những bước phát triển quan trọng trong quan hệ giữa Việt Nam với Mông Cổ, Ireland và Pháp. Với cộng đồng Pháp ngữ, chuyến công tác đã truyền tải thông điệp về tinh thần trách nhiệm, sự tham gia tích cực, chủ động của Việt Nam vào các hoạt động của cộng đồng Pháp ngữ nói riêng và cộng đồng quốc tế nói chung, qua đó tăng cường vị thế Việt Nam trên trường quốc tế.
Nhandan.vn
Nguồn:https://special.nhandan.vn/buoc-tien-quan-trong-viet-nam-va-doi-tac/index.html