Nhiều quốc gia Châu Á – Thái Bình Dương đã bắt đầu chuẩn bị cho kịch bản ông Trump có thể trở lại Nhà trắng. Đối với Việt Nam, tác động quan trọng nhất của sự trở lại tiềm năng của ông Trump có thể đến từ lĩnh vực thương mại.
Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Hà Nội, ngày 11/11/2017, trong chuyến thăm chính thức đến Việt Nam. Ảnh: Jonathan Ernst / Reuters
Những diễn biến chính trị gần đây tại Mỹ, đặc biệt sau cuộc tranh luận giữa Donald Trump và Joe Biden, đang khiến nhiều nhà quan sát dự đoán về khả năng trở lại của ông Trump. Ngay cả các tờ báo lớn uy tín của Mỹ như New York Times và CNN, vốn có xu hướng ủng hộ ứng cử viên Dân chủ, cũng bắt đầu cảnh báo về khả năng thất bại của Tổng thống Biden trong cuộc bầu cử tháng 11 sắp tới.
Trước viễn cảnh này, nhiều quốc gia Châu Á – Thái Bình Dương đã chuẩn bị kịch bản cho sự trở lại của ông Trump. Từ Manila đến Tokyo, hàng loạt hội thảo do các chính phủ châu Á tổ chức trong năm 2024 đã thu hút các chuyên gia dự đoán định hướng chính sách của Mỹ nếu Donald Trump quay trở lại Nhà Trắng.
Các diễn giả nổi bật tại các hội thảo này bao gồm các cựu quan chức dưới thời Trump và những người được cho là sẽ có thể được bổ nhiệm vào các vị trí chủ chốt trong chính quyền Trump tiếp theo. Ví dụ, Hội nghị Lãnh đạo Châu Á (ALC) đã mời Mike Pompeo, cựu Ngoại trưởng Mỹ dưới thời Trump, tham gia thuyết trình. Diễn đàn Tri thức Thế giới 2024 tại Hàn Quốc cũng có sự góp mặt của John Kelly, cựu Chánh văn phòng Nhà Trắng. Những chia sẻ của họ theo định hướng “America First” (nước Mỹ trên hết) đã mang đến những gợi ý quan trọng về chính sách tiềm năng của Mỹ trong 4 năm tới, giúp các quốc gia trong khu vực có sự chuẩn bị phù hợp.
Các đồng minh phụ thuộc vào mạng lưới an ninh Mỹ tại Châu Á – Thái Bình Dương như Nhật Bản và Hàn Quốc đang đẩy mạnh đàm phán để tái cơ cấu các thỏa thuận chia sẻ gánh nặng quốc phòng. Mục tiêu là nhằm giảm thiểu nguy cơ bị Tổng thống Trump yêu cầu cắt giảm ngân sách quốc phòng Mỹ dành cho khu vực, vốn lên đến hàng tỷ USD mỗi năm. Nỗ lực chung này còn bao gồm việc củng cố thỏa thuận an ninh AUKUS giữa Australia, Anh và Mỹ nhằm phát triển tàu ngầm hạt nhân; thúc đẩy Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương hướng đến xây dựng chuỗi cung ứng linh hoạt và bền vững trong khu vực.
Đối với Việt Nam, tác động quan trọng nhất của sự trở lại tiềm năng của ông Trump có thể đến từ lĩnh vực thương mại. Đây cũng là mối lo ngại chung cho nhiều quốc gia trong khu vực có mối quan hệ thương mại song phương mạnh mẽ với Mỹ, như Thái Lan, Malaysia và đặc biệt là Việt Nam – quốc gia có kim ngạch thương mại với Mỹ lớn nhất Đông Nam Á.
Nguồn: Francesco Guarascio / Reuters
Lưu ý từ thương mại Việt-Mỹ
Dưới thời của chính quyền Biden, Mỹ đẩy mạnh nỗ lực giảm thiểu sự phụ thuộc thương mại vào Trung Quốc bằng cách áp dụng các biện pháp như tăng thuế và kiểm soát xuất khẩu. Gần đây nhất, vào tháng 5/2024, Tổng thống Biden đã công bố kế hoạch tăng thuế đối với xe điện Trung Quốc lên hơn 100%, sản phẩm bán dẫn lên 50%, và một số mặt hàng khác do Trung Quốc dẫn đầu thị trường như pin mặt trời, pin lithium cho xe điện, và khoáng sản quan trọng.
Những diễn biến này giúp Việt Nam trở thành một trong những quốc gia có lợi thế thu hút đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, lợi thế này cũng có thể giảm đáng kể nếu ông Trump tái đắc cử. Mặc dù ngày càng có nhiều doanh nghiệp mở rộng hoạt động tại Việt Nam, phần lớn các doanh nghiệp nước ngoài, vẫn phụ thuộc vào các bộ phận và linh kiện sản xuất tại Trung Quốc.
Dữ liệu từ Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) cho thấy linh kiện nhập khẩu chiếm khoảng 80% giá trị xuất khẩu hàng điện tử của Việt Nam – mặt hàng xuất khẩu chủ lực sang Mỹ – trong năm 2022. Một báo cáo của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) năm 2020 cũng chỉ ra rằng khoảng 90% hàng hóa trung gian được ngành điện tử và dệt may Việt Nam nhập khẩu để sản xuất sau đó đã trở thành thành phần của sản phẩm xuất khẩu, cao hơn nhiều so với mức trung bình tại các nước phát triển.
Đối với Biden, việc duy trì mối quan hệ tốt đẹp với Việt Nam là một trong những ưu tiên hàng đầu trong chiến lược khu vực của ông. Điều này thể hiện qua việc Mỹ liên tục bày tỏ mong muốn cải thiện quan hệ Việt – Mỹ trong năm 2023, đặc biệt chuyến thăm của Biden vào tháng 9 năm ngoái và việc hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện.
Tuy nhiên, dưới chính quyền Trump, bối cảnh thương mại hiện nay có thể trở thành một trong những trọng tâm chính trong chiến lược thương mại Châu Á – Thái Bình Dương của Mỹ, đặc biệt là khi Việt Nam tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu và tiếp nhận một số hoạt động sản xuất từ Trung Quốc.
Donald Trump ký lệnh hành pháp rút Hoa Kỳ khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP); Ảnh: Ron Sachs / Getty Images
Suốt nhiệm kỳ Tổng thống đầu tiên, Donald Trump đã thể hiện sự không hài lòng đối với tình trạng thâm hụt thương mại song phương ngày càng gia tăng của Mỹ, coi đây là dấu hiệu cho thấy sự yếu kém của nền kinh tế nước nhà và tình trạng đang bị các đối tác kinh tế bóc lột. Xuất phát từ niềm tin này, Trump đã triển khai một loạt chính sách nhằm tái cân bằng các mối quan hệ thương mại, bảo vệ các ngành công nghiệp trong nước, nhưng đồng thời cũng gây gia tăng căng thẳng và bất ổn trên thị trường toàn cầu.
Ngay từ ngày đầu tiên nhậm chức, Trump đã rút Mỹ khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương, khẳng định lập trường rằng Mỹ đang chịu thiệt hại do thặng dư thương mại với các đối tác. Ông thậm chí yêu cầu trong tất cả các tài liệu tóm tắt trước mỗi cuộc gặp gỡ hay trao đổi với nhà lãnh đạo nước khác đều phải ghi rõ liệu quốc gia đó có thặng dư thương mại hàng hóa với Mỹ hay không.
Thâm hụt thương mại của Mỹ đã tăng đáng kể trong 30 năm qua; Biểu đồ: The Real Economy Blog
Chính sách tập trung giảm thâm hụt thương mại của ông Trump đã dẫn đến hàng loạt hành động quyết liệt chống lại Trung Quốc, đánh dấu sự khởi đầu của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung vào năm 2018. Tháng 3 năm đó, Trump ký bản ghi nhớ chỉ đạo Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) áp đặt thuế lên tới 60 tỷ USD đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, sau khi cuộc điều tra theo Mục 301 kết luận rằng Trung Quốc đã vi phạm “các hoạt động thương mại không công bằng”, bao gồm xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và ép buộc chuyển giao công nghệ.
Vào tháng 7 năm 2018, đòn thuế quan đầu tiên được tung ra, áp đặt mức thuế 25% lên 34 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Để đáp trả, Bắc Kinh cũng áp đặt thuế quan đối với các sản phẩm Mỹ có giá trị tương đương. Cơn chiến tranh thương mại leo thang tiếp tục diễn ra, và đến tháng 9 năm 2018, Mỹ đã áp thêm thuế lên 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, với mức thuế ban đầu là 10% và tăng lên 25% vào tháng 5 năm 2019.
Ngoài thuế quan, Trump còn áp đặt những hạn chế đáng kể đối với hoạt động kinh doanh của các công ty công nghệ Trung Quốc. Đáng chú ý nhất là vào tháng 5 năm 2019, khi Bộ Thương mại Hoa Kỳ đưa Huawei vào “Danh sách thực thể” (Entity List), cấm tập đoàn công nghệ khổng lồ này mua sắm công nghệ Mỹ mà không có sự chấp thuận của chính phủ.
Chính sách thương mại của Trump không chỉ nhắm vào các đối thủ cạnh tranh lớn như Trung Quốc mà còn mở rộng sang cả các quốc gia nhỏ hơn có thặng dư thương mại đáng kể với Mỹ, đặc biệt là những quốc gia được cho là hưởng lợi từ hoạt động kinh tế của Trung Quốc. Một ví dụ điển hình là việc chính quyền Trump áp thuế quan đối với thép và nhôm nhập khẩu từ khắp thế giới vào năm 2018, ảnh hưởng đến cả các đồng minh thân thiết như Liên minh Châu Âu, Canada, Úc và Mexico.
Cùng năm đó, Trump cũng gây áp lực lên Hàn Quốc để đàm phán lại Hiệp định Thương mại Tự do Mỹ-Hàn (KORUS), dẫn đến việc gia hạn thuế đối với xe bán tải Hàn Quốc sản xuất và tăng lượng xuất khẩu ô tô Mỹ sang thị trường Hàn Quốc. Những hành động này cho thấy Trump sẵn sàng sử dụng các biện pháp thương mại để bảo vệ lợi ích kinh tế của Mỹ, kể cả đối với các đối tác có mối quan hệ lâu đời và chặt chẽ.
Ảnh minh hoạ: Getty Images
Thương mại Việt-Mỹ dưới thời Trump và Biden
Mặc dù đã duy trì quan hệ tốt đẹp, Việt Nam vẫn không tránh khỏi những căng thẳng thương mại với chính quyền Trump trong giai đoạn 2018-2020 mà nguyên nhân chính xuất phát từ thâm hụt thương mại lớn của Mỹ với Việt Nam, lên tới 49,5 tỷ USD vào tháng 9/2020, chỉ sau Trung Quốc và Mexico. Tháng 10/2020, Văn phòng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR) mở hai cuộc điều tra nhằm xác định liệu Việt Nam có thao túng tiền tệ để trợ cấp xuất khẩu, gây bất lợi cho các công ty Mỹ hay không.
Động thái này tiếp nối quyết định trước đó của Bộ Tài chính Mỹ cáo buộc Việt Nam định giá thấp đồng tiền và mở cuộc điều tra về việc áp dụng thuế đối kháng đối với lốp xe khách và xe tải nhẹ nhập khẩu từ Việt Nam. Tuy nhiên, vào ngày cuối cùng tại nhiệm của cựu Tổng thống Trump, USTR tuyên bố rằng hoạt động tiền tệ của Việt Nam “không hợp lý” nhưng Mỹ sẽ không áp dụng các biện pháp trừng phạt.
Kể từ đó, chính quyền Biden đã hạn chế đưa ra tuyên bố công khai hay thực hiện hành động cụ thể nào liên quan đến các cuộc điều tra trước đây dưới thời Trump. Thay vào đó, Biden tập trung vào việc giảm tthâm hụt thương mại và thúc đẩy hội nhập kinh tế giữa hai nước, góp phần duy trì mối quan hệ ổn định trong bốn năm qua.
Mexico cũng đang gặp phải tình trạng tương tự với các khoản đầu tư lớn từ Trung Quốc đổ vào các hoạt động sản xuất tại đây, và đã lọt vào tầm ngắm của Trump. Tháng 3/2024, trong một bài phát biểu khi tiếp xúc với cử tri tại Ohio, Trump đưa ra thông điệp với Trung Quốc rằng “những nhà máy sản xuất ô tô khổng lồ mà bạn đang xây dựng ở Mexico, đừng hy vọng rằng các bạn sẽ có thể bán cho Mỹ mà không thuê người Mỹ”.
Có lẽ tuyên bố này nên được hiểu như một lời cảnh cáo đối với các quốc gia ở tình trạng tương tự.
Trump phát biểu tại một sự kiện tranh cử ở Houston vào tháng 11/2023. Ảnh: Michael Wyke / AP
Các biện pháp chống bán phá giá đã được áp dụng rất thường xuyên trong nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Trump. Năm 2018, Bộ Thương mại Mỹ đã tiến hành 122 cuộc điều tra và đề xuất mức thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp cho nhiều mặt hàng nhập khẩu. Các biện pháp này ảnh hưởng đến 31 quốc gia và khoảng 12 tỷ USD giá trị hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ.
Các chính quyền Mỹ trước đây, cả Dân chủ và Cộng hoà cũng đã áp dụng các biện pháp hạn chế thương mại tương tự. Năm 1990, chính quyền Clinton điều tra theo Mục 301 của Đạo luật Thương mại để áp đặt thuế quan đối với hàng nhập khẩu của Nhật Bản nhằm giải quyết sự mất cân bằng thương mại và xâm phạm quyền sở hữutrí tuệ. Năm 2002, chính quyền Bush viện dẫn Mục 201 để áp dụng thuế đối với toàn bộ sản lượng thép nhập khẩu vào Mỹ để bảo vệ ngành thép trong nước. Năm 2009, chính quyền Obama đánh thuế đối với lốp xe từ Trung Quốc theo Mục 421, cũng nhằm bảo vệ các nhà sản xuất Mỹ.
Tuy nhiên, khả năng là cách tiếp cận dưới chính quyền Trump sẽ mạnh mẽ và toàn diện hơn, nhắm vào phạm vi nhập khẩu rộng rãi và đưa ra các mức thuế cao hơn. Giống với chính quyền Biden, nếu tái đắc cử, Trump cũng sẽ lấy những lo ngại về an ninh quốc gia làm lý do để biện minh cho việc áp đặt các rào cản thương mại, và nguy cơ Việt Nam bị ảnh hưởng bởi các chính sách này là rất cao.
Ảnh: Trung tâm WTO / VCCI
Việt Nam cần phải chuẩn bị như thế nào?
Để ứng phó với bối cảnh địa chính trị phức tạp trong bốn năm tới và đảm bảo sự tăng trưởng và ổn định của nền kinh tế, Việt Nam cần triển khai chiến lược phát triển kinh tế trên nhiều lĩnh vực, bao gồm đa dạng hóa chuỗi cung ứng, tăng cường quan hệ thương mại khu vực và thúc đẩy sản xuất trong nước.
Một trong những bước quan trọng là đa dạng hóa chuỗi cung ứng, giảm thiểu sự phụ thuộc quá mức vào hàng hóa, nguyên liệu trung gian từ Trung Quốc. Việt Nam có thể tìm kiếm nguồn cung linh kiện công nghệ cao và nguyên liệu thô thay thế từ các quốc gia trong khu vực như Hàn Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ. Mặc dù những quốc gia này có thể chưa cạnh tranh được với Trung Quốc về chi phí sản xuất và vận chuyển, nhưng việc đa dạng hóa nguồn cung sẽ giúp Việt Nam giảm thiểu rủi ro và tăng cường khả năng chống chịu trước những biến động của thị trường quốc tế, đặc biệt khi xuất khẩu sang thị trường Mỹ.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cần tăng cường quan hệ thương mại với các nền kinh tế lớn khác như Ấn Độ, các nước ASEAN và cả Trung Quốc để giảm bớt sự phụ thuộc vào thị trường Mỹ và đa dạng hóa hoạt động xuất khẩu. Việc mở rộng thị trường sang các nền kinh tế năng động và đang tăng trưởng nhanh trong khu vực như Ấn Độ sẽ mang lại cho Việt Nam nhiều cơ hội hợp tác và đầu tư tiềm năng. Ví dụ, Ấn Độ được dự đoán sẽ trở thành cường quốc kinh tế lớn tại châu Á trong tương lai, và chính sách “Act East” (hướng Đông) của chính phủ Ấn Độ sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc tăng cường hợp tác thương mại và đầu tư giữa hai nước.
Tăng cường đầu tư vào sản xuất hàng hóa trung gian trong nước cũng là một chiến lược quan trọng khác. Việc phát triển khả năng sản xuất nội địa sẽ giúp Việt Nam xây dựng nền công nghiệp tự chủ hơn, giảm thiểu sự phụ thuộc vào nhập khẩu linh kiện từ nước ngoài. Những nỗ lực hiện tại của Chính phủ trong việc khuyến khích đầu tư FDI vào các lĩnh vực công nghệ cao như bán dẫn và nâng cao kỹ năng cho lao động bản địa là những bước đi đúng hướng để đạt được mục tiêu này.
Kinh nghiệm trong khu vực và vị thế độc tôn của Việt Nam
Có lẽ một bài học Việt Nam có thể rút ra từ các quốc gia Châu Á khác là sự thành công trong việc sử dụng quan hệ tốt đẹp với cá nhân Donald Trump để thúc đẩy các mục tiêu vì lợi ích quốc gia. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe kết bạn với Trump trong thời gian chuyển tiếp giữa cuộc bầu cử năm 2016 và lễ nhậm chức đầu năm 2017 – và sau đó sử dụng lời kêu gọi của Trump về việc các đồng minh an ninh phải chia sẻ chi phí quốc phòng nhiều hơn để thúc đẩy quá trình xây dựng quân đội Nhật Bản. Cựu Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã sử dụng mối quan hệ giữa Trump và Kim Jong-un như một bàn đạp để theo đuổi chiến lược can dự với Bắc Triều Tiên.
Tuy nhiên, Việt Nam và các quốc gia khác trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương cần lưu ý rằng đội ngũ quan chức trong nhiệm kỳ thứ hai của Trump có khả năng sẽ hoàn toàn khác biệt. Trong nhiệm kỳ đầu tiên, Trump đã sử dụng nhiều nhà hoạch định chính sách giàu kinh nghiệm, từng phục vụ trong các chính quyền của các Tổng thống Đảng Cộng hòa trước đây. Tuy nhiên, như được tường thuật trong các cuốn sách về hoạt động nội bộ của Nhà Trắng dưới thời Trump, từ Fire and Fury của Michael Wolff đến Breaking History của Jared Kushner, cho thấy một bức tranh hỗn loạn, khi nhân sự liên tục bị thay thế chỉ sau 1 hoặc 2 năm làm việc.
Điều này có nghĩa là những ‘cựu chiến binh chính trị’ khó có thể quay trở lại. Trump có thể từ bỏ tiêu chí kinh nghiệm và chuyên môn khi tuyển dụng nhân sự, thay vào đó đặt lòng trung thành lên hàng đầu khi lựa chọn các thành viên nội các và đội ngũ an ninh quốc gia của mình. Một chính quyền Trump bao gồm những cá nhân trung thành tuyệt đối với ông sẽ là một thách thức rất lớn đối với các đối tác muốn đàm phán để đạt được lợi ích chung giữa hai quốc gia, do họ sẽ có ít kinh nghiệm chính trị hơn và phụ thuộc nhiều vào niềm tin ‘Mỹ trên hết’ và ‘Trump trên hết’ trong các cuộc đối thoại song phương.
Tuy nhiên, Việt Nam cũng cần lưu ý đến lợi thế địa lý chiến lược của mình, vốn đóng vai trò quan trọng trong các cuộc đàm phán với Mỹ và sẽ tiếp tục duy trì vị thế này bất chấp ông Trump có thắng hay không. Chiến lược ngoại giao cân bằng và tự chủ của Việt Nam sẽ tiếp tục phục vụ như một lá bài mặc cả đối với Washington, khuyến khích bất kỳ chính quyền Tổng thống nào duy trì hợp tác và củng cố quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai quốc gia.
Cuối cùng, một yếu tố quan trọng Việt Nam cũng cần lưu ý là sự thay đổi trong cán cân quyền lực đang diễn ra tại Châu Á-Thái Bình Dương. Trong nhiệm kỳ đầu tiên của Trump, Mỹ có được đòn bẩy đáng kể đối với Trung Quốc khi vẫn còn nắm giữ vị thế là cường quốc thương mại hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại quan trọng nhất của phần lớn các quốc gia trong khu vực, cho phép Bắc Kinh trở nên quyết đoán hơn trong chính sách Mỹ và có được vị thế mạnh mẽ trong khu vực. Điều này đồng nghĩa với việc một chính quyền Trump mới sẽ gặp nhiều thử thách hơn trong các nỗ lực áp đặt hạn chế thương mại đối với Trung Quốc và các đối tác trong khu vực.
Không chỉ vậy, các chính sách bảo hộ của Mỹ đang góp phần cho tình trạng giá cả tăng cao trong nước, đặc biệt sau nhiều năm người tiêu dùng Mỹ đã được hưởng lợi từ các sản phẩm giá rẻ đến từ Châu Á nói chung, và Trung Quốc nói riêng. Các ngành công nghiệp Mỹ vẫn đang có tiếng nói mạnh mẽ tại Washington, khiến cho chính quyền Biden tiếp tục áp dụng lập trường bảo hộ của Trump. Mặc dù vậy, bức tranh này có thể thay đổi trong những năm tới khi áp lực đối với thị trường tiêu dùng Mỹ tiếp tục gia tăng.
Liệu hàng trăm triệu người dân Mỹ có sẵn sàng đánh đổi hàng hoá giá rẻ, chất lượng cao đến từ Châu Á để phục vụ mục tiêu chính trị của một nhóm nhỏ tại Washington hay không? Có lẽ đây sẽ là câu hỏi quan trọng nhất chúng ta cần phải quan sát từ Việt Nam và Châu Á để xác định các rủi ro và tiềm năng thương mại với Mỹ dưới nhiệm kỳ thứ hai của Donald Trump.