Sáng ngày 15/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị Thường trực Chính phủ với các địa phương bị ảnh hưởng của cơn bão số 3 về các giải pháp khắc phục hậu quả, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp ổn định đời sống, khôi phục sản xuất, kinh doanh. Hội nghị được truyền trực tuyến đến 26 tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị.
Dự hội nghị có các đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ; Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Cơ quan thuộc Chính phủ; Chủ tịch các tập đoàn kinh tế Nhà nước, Ngân hàng thương mại Nhà nước; lãnh đạo tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Các đại biểu tại điểm cầu Thái Bình dành một phút mặc niệm tưởng nhớ các nạn nhân bị thiệt mạng vì cơn bão số 3.
Dự hội nghị tại điểm cầu Thái Bình có các đồng chí: Ngô Đông Hải, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo HĐND, UBND tỉnh; các đồng chí thành viên Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh.
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ, bão số 3 là cơn bão lịch sử với 7 yếu tố: cường độ lớn; tốc độ cao; phạm vi rộng; đối tượng tác động nhiều; kéo dài nhiều giờ khi đổ bộ vào đất liền; gây mưa lũ lớn dài ngày, trên diện rộng từ Thanh Hóa trở ra; gây hậu quả rất nghiêm trọng về người, tài sản, cả vật chất và tinh thần.
Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, hội nghị nhằm đánh giá sơ bộ công tác lãnh đạo, chỉ đạo ứng phó, khắc phậu hậu quả bão; triển khai các giải pháp với 4 mục tiêu lớn, gồm: khẩn trương khắc phục hậu quả bão, nhanh chóng ổn định tình hình nhân dân, khôi phục sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Theo báo cáo, bão số 3 là cơn bão có cường độ mạnh nhất trong 30 năm qua trên Biển Đông và 70 năm qua trên đất liền nước ta, gây thiệt hại hết sức nặng nề về người, tài sản của nhân dân và Nhà nước. Đến 6 giờ ngày 15/9, đã có 348 người chết và mất tích; hàng trăm nghìn ha lúa, hoa màu và cây ăn quả bị hư hỏng, ngập úng; gần 3.300 lồng bè thuỷ sản bị hư hỏng cuốn trôi; gần 3 triệu gia súc, gia cầm bị chết; hơn 300 sự cố về đê điều…
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh dự hội nghị tại điểm cầu Thái Bình.
Đối với tỉnh Thái Bình, đến nay chưa ghi nhận thiệt hại về người và tàu thuyền; gần 28.500m2 mái tôn của nhà dân, nhà xưởng, cơ quan, trường học bị tốc mái; hơn 800 cây xanh bị gãy đổ. Hạ tầng lưới điện toàn tỉnh bị hư hỏng gây mất điện diện rộng; gần 500 cột điện bị gãy, đổ; nhiều trạm biến áp, các thiết bị kỹ thuật điện khác bị hư hại… Về sản xuất nông nghiệp, có khoảng hơn 11.000ha lúa mùa bị ảnh hưởng sau bão, lũ; có 585ha rau màu vụ đông mới trồng và rau màu hè thu chưa thu hoạch bị ảnh hưởng 30 – 70%, 2.760ha rau màu vụ đông mới trồng và rau màu hè thu chưa thu hoạch bị ảnh hưởng trên 70%; hơn có 1.200ha cây ăn quả bị ảnh hưởng 30 – 70%, 170ha cây ăn quả bị ảnh hưởng trên 70%. Về chăn nuôi, tổng số gia cầm, thủy cầm bị chết khoảng 60.000 con, tổng số gia súc chết là 146 con; một số chuồng trại chăn nuôi bị tốc mái, đổ tường, rách vỡ bể biogas; 12 lồng nuôi cá, khoảng 60 tấn cá các loại… Ước tính tổng thiệt hại đến thời điểm hiện nay khoảng 450 tỷ đồng; trong đó, sản xuất nông nghiệp 350 tỷ, hạ tầng điện 25 tỷ, viễn thông 20 tỷ, nhà xưởng, cây xanh và một số thiệt hại khác khoảng 55 tỷ.
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao công tác chuẩn bị phòng, chống thiên tai của các bộ, ngành, địa phương và những đề xuất, kiến nghị rất sát với thực tế tại các địa phương. Thủ tướng Chính phủ đề nghị các bộ, ngành chức năng sớm xây dựng để ban hành Nghị quyết về khắc hậu quả thiệt hại do bão và hoàn lưu bão số 3 gây ra; các giải pháp khắc phục hậu quả, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh, ổn định đời sống; kiểm soát lạm phát; tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô.
Thủ tướng Chính phủ chuyển lời thăm hỏi, chia sẻ, chia buồn của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và của lãnh đạo Đảng, Nhà nước tới các cơ quan, địa phương, đơn vị và nhất là những gia đình có người tử vong, mất tích, bị thương do siêu bão số 3 gây ra. Thủ tướng nhiều lần nghẹn giọng, bật khóc khi đề cập tới sự tàn phá, hậu quả nặng nề và những mất mát, thiệt hại của người dân, của đất nước.
Nhân đây, Thủ tướng cảm ơn sự ủng hộ của nhân dân và bày tỏ xúc động khi người dân rất tin tưởng vào Đảng và Nhà nước, “tình dân tộc và nghĩa đồng bào”, tinh thần tương thân tương ái, “lá lành đùm lá rách” được lan tỏa mạnh mẽ. Thủ tướng cảm ơn và biểu dương các địa phương, lực lượng công an, quân đội đã hỗ trợ người dân kịp thời. Đồng thời, nhắc nhở, phê bình một số địa phương, doanh nghiệp, người dân vẫn còn chủ quan, chưa quyết liệt, thiếu tinh thần trách nhiệm trong công tác phòng, chống thiên tai.
Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh các mục tiêu sắp tới: Không để người dân nào phải thiếu ăn, thiếu mặc, bị đói bị rét, thiếu nước sạch, không có chỗ ở, các sinh hoạt thiết yếu hằng ngày; khắc phục hậu quả siêu bão số 3 có hiệu quả; nhanh chóng ổn định tình hình nhân dân về tinh thần và vật chất; khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh; kiểm soát tốt lạm phát và phấn đấu tăng trưởng GDP cả năm khoảng 7%; giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội và môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển.
Với mục tiêu không để nhân dân thiếu chỗ ăn, chỗ ở; khôi phục sản xuất kinh doanh; ổn định kinh tế vĩ mô; nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, thời gian tới, đề nghị các bộ, ngành, địa phương tập trung một số giải pháp cấp bách như: tìm kiếm người mất tích; cứu chữa người bệnh, bảo đảm lương thực cho nhân dân; thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường; bảo đảm hệ thống thông tin thông suốt; ổn định trường lớp để các cháu học sinh sớm được đến trường…
Về giải pháp ổn định đời sống, rà soát chính xác những thiệt hại về người và tài sản; kịp thời thực hiện các chính sách hỗ trợ, chậm nhất 31/12/2024 phải hoàn thành xong công tác hỗ trợ về nhà ở an toàn cho những hộ dân thiệt hại về nhà ở; xây dựng kế hoạch tái thiết các bản, làng, khu tái định cư an toàn; miễn giảm học phí cho học sinh, sinh viên vùng bị ảnh hưởng.
Về nhóm giải pháp khôi phục hoạt động sản xuất- kinh doanh: thống kê thiệt hại, đề xuất giải pháp khôi phục các loại hình dịch vụ, không để đứt gãy chuỗi cung ứng, gián đoạn các đơn hàng sản xuất; tăng cường các loại hình giao thông vận tải, giảm giá cước bảo đảm chuỗi lưu thông hàng hóa thông suốt. Các ngân hàng bảo đảm an ninh tiền tệ; hỗ trợ người dân sản xuất kinh doanh; thúc đẩy đầu tư công; đẩy mạnh khai thác khoáng sản; bảo đảm thu ngân sách cho nhà nước, bảo đảm cung ứng điện, nước, xăng dầu, nguyên vật liệu phục vụ sản xuất – kinh doanh; kiểm soát lạm phát; ngăn chặn tình trạng đầu cơ, găm hàng; đa dạng hóa sản phẩm và thị trường xuất khẩu; tái cơ cấu các ngành nông nghiệp; xây dựng một số đề án về phòng, chống sạt lở; sụt lún; Đề án thương mại tự do; đẩy mạnh hợp tác quốc tế; ổn định tình hình an ninh chính trị – trật tự an toàn xã hội.
Thủ tướng yêu cầu các thành viên Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cần tập trung trí tuệ, quyết tâm thực hiện tốt các nhiệm vụ giải pháp một cách hiệu quả. Tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết dân tộc, “lá lành đùm lá rách” tất cả vì nhân dân, vì sự phát triển của đất nước.
Thủ tướng cơ bản đồng tình với các kiến nghị của địa phương, bộ, ngành và giao các cơ quan xử lý, những việc cấp bách, trước mắt thì phải hoàn thành trong tuần tới, những việc lâu dài cần chuẩn bị, báo cáo cấp có thẩm quyền thì nỗ lực hoàn thành trong năm nay.
Nguyễn Thơi
Nguồn: https://baothaibinh.com.vn/tin-tuc/1/208016/nhanh-chong-ho-tro-nguoi-dan-doanh-nghiep-on-dinh-doi-song-khoi-phuc-san-xuat-kinh-doanh