Anh cắt liên lạc quân sự với Nga, Mỹ kêu gọi Trung Quốc tuân thủ phán quyết PCA về Biển Đông, Trung Quốc tập trận chung với Nga, 3 công dân EU bị bắt giữ tại sân bay vũ trụ Nga… là một số sự kiện quốc tế nổi bật trong 24 giờ qua.
Thủ tướng Hungary Viktor Orban và cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump gặp nhau tại dinh thự Mar-a-Lago của ông Trump ở Florida, ngày 11/7. (Nguồn: X) |
Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày.
Châu Á-Thái Bình Dương
*Trung Quốc tập trận chung với Nga: Bộ Quốc phòng Trung Quốc ngày 12/7 xác nhận nước này đang tiến hành tập trận chung với Nga dọc theo bờ biển phía Nam của Trung Quốc.
Theo Bộ Quốc phòng Trung Quốc, quân đội hai nước đã bắt đầu cuộc tập trận mang tên Joint Sea-2024 vào “đầu tháng 7” và sẽ kéo dài đến giữa tháng này. Cuộc tập trận diễn ra ở vùng biển và vùng trời xung quanh Trạm Giang, một thành phố thuộc tỉnh Quảng Đông – miền Nam Trung Quốc. (THX)
*Nhật Bản tăng cường năng lực quân sự trên 7 lĩnh vực ưu tiên: Sách trắng Quốc phòng 2024 của Nhật Bản công bố ngày 12/7 cho biết, nhằm ứng phó với những thách thức của thế giới hiện đại và triển khai hiệu quả Chiến lược quốc phòng năm 2022, Tokyo sẽ tăng cường đáng kể năng lực quân sự trên 7 lĩnh vực ưu tiên.
Các lĩnh vực này bao gồm: Tăng cường khả năng vô hiệu hóa các đơn vị đối phương từ khoảng cách an toàn; chống tên lửa và các mối đe dọa trên không; phát triển thiết bị bay trinh sát và tác chiến điện tử không người lái; tăng cường khả năng chỉ huy và thông tin; tăng cường khả năng vận chuyển; bảo vệ việc sơ tán dân thường; và cung cấp cho quân đội những thiết bị cần thiết.
Tổng ngân sách quốc phòng Nhật Bản trong giai đoạn 2023 – 2027 dự tính đạt 43.000 tỷ yên (tương đương 267 tỷ USD). Ngân sách quốc phòng của Nhật trong năm tài chính hiện tại (từ ngày 1/4/2024 đến ngày 31/3/2025) là 7.730 tỷ yên. (Sputniknews)
*Trung Quốc đang nỗ lực tiến gần tới biên giới của NATO: Tuyên bố tại Hội nghị thượng đỉnh NATO ở Washington, Tổng thư ký NATO sắp mãn nhiệm Jens Stoltenberg cho biết cuộc tập trận chung giữa Belarus và Trung Quốc cho thấy việc Trung Quốc đang tiến gần hơn đến NATO ở châu Âu, châu Phi, Bắc Cực và các khu vực khác.
Ngày 8/7, Trung Quốc và Belarus bắt đầu cuộc tập trận chống khủng bố chung giữa mang tên “Attacking Falcon-2024”. Cuộc tập trận sẽ kéo dài đến ngày 19/7. (Sputniknews)
TIN LIÊN QUAN | |
Đại sứ Pháp tại Philippines: Phán quyết PCA 2016 về Biển Đông là tiền lệ quan trọng cho sự ổn định trong khu vực |
*Mỹ kêu gọi Trung Quốc tuân thủ phán quyết của PCA về Biển Đông: Nhân dịp kỷ niệm 8 năm Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) của Liên hợp quốc tại La Haye (Hà Lan) ra phán quyết bác bỏ yêu sách của Trung Quốc đối với gần như toàn bộ Biển Đông, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ngày 12/7 đã lên tiếng kêu gọi Trung Quốc “tuân thủ phán quyết” này.
Phán quyết mang tính bước ngoặt do PCA đưa ra vào ngày 12/7/2016 kết luận rằng các yếu tố chính trong yêu sách của Trung Quốc, bao gồm cái gọi là đường chín đoạn và các hoạt động cải tạo đất rộng khắp trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, là bất hợp pháp theo luật pháp quốc tế. (Politiko.com)
*Trung Quốc hối thúc Philippines rút tàu khỏi khu vực tranh chấp ở Biển Đông: Bộ Quốc phòng Trung Quốc ngày 12/7 hối thúc Philippines ngay lập tức rút nhân sự và các tàu đóng “trái phép” tại Bãi cạn Sabin ở Biển Đông. Đại diện Bộ Quốc phòng Trung Quốc còn kêu gọi Manila chấm dứt “đi theo con đường sai lầm”. (Reuters)
Châu Âu
*Nga sung công 2 nhà máy của tập đoàn Mỹ: Ngày 11/7 Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký lệnh giao quyền quản lý tạm thời 2 nhà máy sản xuất bao bì kim loại thuộc tài sản của tập đoàn công ty Silgan Metal Packaging của Mỹ cho Cơ quan quản lý tài sản Liên bang Rosimushchestvo.
Theo giới quan sát, Nga đang thực hiện các biện pháp trả đũa đối với các quốc gia không thân thiện đang tham gia vào việc tước đoạt tài sản bất hợp pháp từ các chủ sở hữu Nga.
Trước đó, Tổng thống Putin đã ký sắc lệnh về thủ tục bồi thường thiệt hại của Nga và Ngân hàng Trung ương Liên bang Nga do những hành động không thân thiện của Mỹ. Có tin cho rằng các nước G7 có thể mất 83 tỷ USD sau khi tịch thu tài sản của Nga. (Sputniknews)
*Ba công dân EU bị giam giữ tại sân bay vũ trụ Nga: Ngày 11/7, chính quyền địa phương thông báo 3 công dân Liên minh châu Âu (EU) đã bị bắt giữ vì xâm nhập trái phép Sân bay vũ trụ Baikonur do Nga kiểm soát ở miền Trung Kazakhstan.
Phát ngôn viên của tòa án quân sự Nga cho biết 3 người nước ngoài, bao gồm 2 công dân Hà Lan và một người Bỉ.
Sân bay vũ trụ Baikonur là sân bay vũ trụ lớn nhất và năng động nhất trên thế giới. Được Liên Xô mở cửa vào năm 1955, sân bay vũ trụ này trở thành một phần của Kazakhstan độc lập khi Liên Xô giải thể vào năm 1991 nhưng vẫn do Moscow kiểm soát theo hợp đồng thuê sẽ hết hạn vào năm 2050. (TASS)
TIN LIÊN QUAN | |
Tin thế giới 11/7: Mỹ muốn thay lãnh đạo Ukraine, Bắc Kinh phản đối Tokyo đưa tàu vào vùng biển Trung Quốc, Mỹ và Iran bí mật đàm phán hạt nhân |
*Các nước đàm phán khả năng sử dụng F-16 tấn công vào lãnh thổ Nga: Tờ Telegraph của Anh dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Hà Lan Ruben Brekelmans cho biết các nước cung cấp máy bay tiêm kích F-16 cho Ukraine đang đàm phán về khả năng sử dụng chúng tấn công vào lãnh thổ Nga.
Theo Telegraph, Thủ tướng Hà Lan Dick Schof đã nói với Tổng thống Ukraine Zelensky tại hội nghị thượng đỉnh NATO rằng ông sẽ không áp đặt bất kỳ hạn chế nào đối với việc sử dụng F-16. Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen cho biết không loại trừ khả năng chiến đấu cơ F-16 tấn công bên ngoài Ukraine.
Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden thì nói rằng chính quyền nước này hàng ngày quyết định mức độ có thể tiến hành các cuộc tấn công vào sâu bên trong lãnh thổ Nga bằng vũ khí Mỹ. (Telegraph)
*Ukraine, Romania ký thỏa thuận an ninh: Văn phòng tổng thống Ukraine cho biết giới chức nước này và Romania ngày 11/7 đã ký một thỏa thuận an ninh kéo dài 10 năm.
Thỏa thuận trên nâng tổng số thỏa thuận hợp tác song phương dài hạn mà Kiev đã ký kết với các đối tác như Anh, Đức, Pháp và Mỹ lên con số 23.
Theo thỏa thuận mới được ký kết, Romania sẽ hỗ trợ Ukraine trong hoạt động rà phá bom mìn ở Biển Đen, cũng như đóng góp vào công tác đào tạo phi công Ukraine để vận hành tiêm kích F-16. (Reuters)
*Phương Tây sẽ mất 10-15 năm để khôi phục kho vũ khí: Tờ Frankfurter Allgemeine (Đức) dẫn lời ông Armin Papperger – Giám đốc điều hành tập đoàn quốc phòng khổng lồ Đức Rheinmetall, cho biết Mỹ và các nước EU sẽ phải bổ sung kho vũ khí trong 10 đến 15 năm sau khi đáp ứng nhu cầu đạn dược của Ukraine. Theo Viện Kinh tế Thế giới Kiel, Đức là nhà tài trợ quân sự lớn thứ hai cho Kiev, chỉ sau Mỹ.
Các nước phương Tây đã cung cấp viện trợ quân sự và tài chính khổng lồ cho Ukraine kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự vào tháng 2/2022. Điện Kremlin liên tục cảnh báo các nước không cung cấp vũ khí cho Ukraine, vì điều đó sẽ khiến xung đột leo thang hơn nữa. (Sputniknews)
TIN LIÊN QUAN | |
Sách trắng Quốc phòng Nhật Bản 2024: Đẩy mạnh hợp tác với NATO, cảnh báo tình hình Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, nói gì về Hàn Quốc? |
*Chuyên gia Mỹ cảnh báo kế hoạch triển khai tên lửa ở Đức của Washington: Kế hoạch do Washington và Berlin công bố về việc triển khai các vũ khí mới của Mỹ ở Đức là một hành động leo thang “cực kì nghiêm trọng của Mỹ” liên quan đến các mối đe dọa hạt nhân của Nga. Đây là cảnh báo được Theodore Postol, giáo sư tại Viện Công nghệ Massachusetts đưa ra ngày 11/7.
Washington và Berlin trước đó trong một tuyên bố chung đã cho biết Mỹ sẽ bắt đầu triển khai các năng lực hỏa lực tầm xa ở Đức trong năm 2026 có “tầm bắn xa hơn đáng kể so với các hỏa lực trên bộ hiện có ở châu Âu”. (Politico)
*Anh cắt liên lạc quân sự với Nga: Anh đã quyết định cắt đứt một trong những kênh liên lạc cuối cùng còn lại với Nga, ngừng hợp tác giữa hai Bộ Quốc phòng. Quyết định này làm giảm đáng kể cơ hội khôi phục liên lạc như vậy giữa hai nước trong tương lai gần.
Việc cắt đứt liên lạc quân sự xảy ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa phương Tây và Nga. Anh cùng với các nước NATO khác ủng hộ Ukraine trong cuộc đối đầu với Nga, dẫn đến gia tăng các biện pháp trừng phạt và hạn chế hợp tác với Nga. (Reuters)
Trung Đông-châu Phi
*Israel tấn công trả đũa Syria: Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) xác nhận đã tấn công một đồn quân sự ở khu vực Tasil, miền Nam Syria, để đáp trả một quả đạn pháo bắn từ Syria vào lãnh thổ phía Bắc Israel ở Cao nguyên Golan trong ngày 12/7.
Trước đó một ngày, quân đội Israel báo cáo các cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng quân sự của Syria, cáo buộc Damascus vi phạm biên giới được thiết lập như một phần của thỏa thuận năm 1974 về phân chia lực lượng giữa Israel và Syria tại vùng đệm ở Cao nguyên Golan. (Al Jazeera)
*Thổ Nhĩ Kỳ phản đối hợp tác giữa Israel và NATO: Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tuyên bố nước này sẽ không ủng hộ bất kỳ sự hợp tác nào giữa Israel và NATO trong khi Nhà nước Do Thái tiếp tục chiến dịch quân sự ở Dải Gaza.
Phát biểu sau khi kết thúc Hội nghị thượng đỉnh NATO ở Washington ngày 11/7 (giờ địa phương), Tổng thống Erdogan cáo buộc Israel “chà đạp lên các giá trị cơ bản” của khối quân sự do Mỹ đứng đầu, đồng thời khẳng định việc NATO hợp tác với Tel Aviv là “không thể chấp nhận được” và rằng “chừng nào chưa có một nền hòa bình toàn diện, bền vững ở Palestine, thì những nỗ lực hợp tác với Israel trong khuôn khổ NATO sẽ không được Ankara chấp thuận”.
Dù không phải là thành viên của khối quân sự do Mỹ đứng đầu, Israel vẫn duy trì quan hệ với Washington với tư cách là một đồng minh lớn ngoài NATO. (RT)
Châu Mỹ – Mỹ Latinh
*Thủ tướng Hungary hội đàm với cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump: Đăng trên mạng xã hội X, sau cuộc gặp với cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, Thủ tướng Hungary Viktor Orban cho biết ông Trump sẽ tìm ra giải pháp giải quyết xung đột ở Ukraine.
Trước đó, ngày 2/7, Thủ tướng Orban đã thảo luận tại Kiev với Tổng thống Zelensky. Vài ngày sau, ông Orban bay tới Moscow gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin, thảo luận về cách giải quyết xung đột ở Ukraine. Ngày 8/7, ông đến Bắc Kinh và tuyên bố rằng Budapest đại diện cho sự hợp tác giữa Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc. Sau Trung Quốc, Thủ tướng Orban tham dự hội nghị thượng đỉnh NATO tại Washington. (Reuters)
*Brazil mời Tổng thống Nga tham dự hội nghị thượng đỉnh G20: Bộ Ngoại giao Brazil cho biết chính phủ nước này sẽ sớm gửi lời mời tới các nguyên thủ quốc gia tham dự hội nghị thượng đỉnh G20, trong đó có Tổng thống LB Nga Vladimir Putin.
Hội nghị thượng đỉnh G20 sẽ được tổ chức trong hai ngày 18-19/11 tại Rio de Janeiro. Tổng thống Brazil Lula da Silva đã hai lần mời lãnh đạo Nga Vladimir Putin tới dự hội nghị thượng đỉnh G20.
Tháng 9/2023, nhà lãnh đạo Brazil hứa sẽ không cho phép bắt giữ Tổng thống Nga. Tổng thống da Silva khẳng định: “(Ông) Putin có thể tới Brazil một cách an toàn”.
Tổng thống Putin đã không đến Nam Phi năm 2023 để dự hội nghị thượng đỉnh BRICS tại Johannesburg từ ngày 22-24/8. (AFP)
*Tổng thống Mỹ gặp lãnh đạo các nước IP-4: Bên lề Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở Washington, ngày 11/7, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có các cuộc gặp với Tổng thống Hàn Quốc, Thủ tướng Nhật Bản, Thủ tướng New Zealand và Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Australia, nhóm nước đối tác của NATO được gọi là “Bộ tứ Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương” (IP-4).
Tổng thống Biden hoan nghênh sự đóng góp ngày càng tăng của IP-4 ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương đối với an ninh toàn cầu, bao gồm các khoản đầu tư cho quốc phòng, hỗ trợ Ukraine và vai trò lãnh đạo mạnh mẽ ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. (AFP)