Tháng 10/2024, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 37 quy định về thực hiện nếp sống văn hóa trên địa bàn tỉnh và Quyết định số 38 quy định về khung tiêu chuẩn và trình tự, thủ tục, hồ sơ xét tặng danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Thôn, tổ dân phố văn hóa”, “Xã, phường, thị trấn tiêu biểu”. Ngay trong thời gian đầu triển khai, các quyết định đã nhanh chóng đi vào cuộc sống, hỗ trợ các địa phương trong quá trình tổ chức thực hiện và nhận được sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân.
Các tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu gia đình văn hóa, thôn văn hóa được phổ biến tại nhà văn hóa thôn Quỳnh Ngọc, xã Quỳnh Hồng (Quỳnh Phụ).
Góp phần xây dựng lối sống tốt đẹp
Sau khi các quyết định được ban hành, ngoài văn bản hướng dẫn thực hiện, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch còn tổ chức hội nghị triển khai các văn bản về công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở với sự tham gia của gần 500 đại biểu các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh.
Bà Phan Thị Hà, Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thông tin: Về cơ bản, nội dung quy định về thực hiện nếp sống văn hóa trên địa bàn tỉnh ban hành kèm theo Quyết định số 37/2024/QĐ-UBND được kế thừa từ Quyết định số 20/2019/QĐ-UBND. Tuy nhiên, một số nội dung đã được sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh để phù hợp với các văn bản mới của trung ương và điều kiện thực tiễn tại địa phương. Điểm mới của quy định thực hiện nếp sống văn hóa là các quy định được trình bày ngắn gọn, mạch lạc, dễ hiểu, dễ thực hiện. Ngoài ra, một số nội dung được điều chỉnh như về tổ chức lễ tang, việc an táng; tại điều 14 tổ chức lễ hội, đã làm rõ quy định việc treo cờ Đảng, cờ Tổ quốc, cờ tôn giáo, cờ lễ hội. Quy định về thực hiện nếp sống văn hóa trên địa bàn tỉnh, quy định về khung tiêu chuẩn và trình tự, thủ tục, hồ sơ xét tặng các danh hiệu cũng đề cập cụ thể, rõ ràng trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị, địa phương trong triển khai thực hiện quyết định của UBND tỉnh. Điều này khẳng định việc triển khai thực hiện nếp sống văn hóa không chỉ là trách nhiệm riêng của ngành văn hóa mà còn là sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, góp phần xây dựng lối sống tốt đẹp của người Thái Bình.
Chuyển biến từ cơ sở
Là một trong những địa phương sớm quan tâm triển khai các quyết định về thực hiện nếp sống văn hóa đến từng địa bàn thôn, năm 2024, huyện Quỳnh Phụ có 97,2% gia đình đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”. Những giá trị di sản văn hóa được gìn giữ, phát huy, thuần phong mỹ tục được duy trì, hủ tục lạc hậu trong đám cưới, đám hỏi, ma chay… từng bước được xóa bỏ.
Tại xã Quỳnh Hồng, cũng như các địa phương khác trong tỉnh, dịp cuối năm thường là khoảng thời gian có nhiều đám cưới, đám hỏi, sang cát, xây mộ… Thông qua hệ thống loa truyền thanh, các cuộc họp của xã và từng chi bộ thôn, những điểm mới của quy định thực hiện nếp sống văn hóa được phổ biến rộng rãi. Người dân chủ động trong mọi phần việc, đáp ứng tiêu chí đã được đề ra.
Ông Nguyễn Đỗ Tuân, công chức văn hóa xã hội xã Quỳnh Hồng thông tin: Triển khai thực hiện Quyết định số 37 và số 38 của UBND tỉnh, chúng tôi thấy có nhiều thuận lợi bởi các tiêu chí đánh giá được ghi rất cụ thể, đặc biệt trong tổ chức việc cưới, việc tang và lễ hội để chúng tôi có cơ sở hướng dẫn nhân dân thực hiện.
Xã Đồng Tiến có 7 lễ hội ở 7 di tích cấp tỉnh và 1 lễ hội ở di tích quốc gia diễn ra vào nhiều thời điểm trong năm, trong đó có dịp đầu xuân mới. Để hoạt động lễ hội bảo lưu nét đẹp văn hóa truyền thống, địa phương chủ động triển khai quyết định mới, hướng dẫn cụ thể để các hoạt động phần lễ và phần hội theo đúng Quyết định số 37, tạo được sự đồng thuận trong các tầng lớp nhân dân.
Ông Vũ Đức Yên, công chức văn hóa xã hội xã Đồng Tiến chia sẻ: Điều thuận lợi là người dân đã hiểu được quy định của UBND tỉnh và hướng dẫn thực hiện của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch nên khi triển khai công tác tổ chức lễ hội bà con hoàn toàn nhất trí, nhất là về thời gian diễn ra lễ hội ở di tích cấp tỉnh và di tích cấp quốc gia.
Từ hướng dẫn của các cấp chính quyền, các ngành chức năng, quy định mới nhanh chóng đi vào cuộc sống.
Ông Nguyễn Hữu Láp, công chức văn hóa xã hội xã An Hiệp (Quỳnh Phụ) cho biết: Căn cứ Quyết định số 38 của UBND tỉnh, dựa trên nguyên tắc xét tặng các danh hiệu văn hóa, các trường hợp không xét tặng danh hiệu gia đình văn hóa, thôn văn hóa, xã tiêu biểu, UBND xã An Hiệp thông qua danh sách 8/8 thôn đủ điều kiện, đề nghị xét tặng danh hiệu thôn văn hóa. Qua rà soát đối với các tiêu chuẩn được đề ra như thực hiện tốt các nhiệm vụ kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội được giao; đời sống kinh tế ổn định và từng bước phát triển; đời sống văn hóa, tinh thần lành mạnh, phong phú; môi trường an toàn, thân thiện, cảnh quan sạch đẹp…, xã đáp ứng các tiêu chuẩn xã tiêu biểu, tạo động lực để cán bộ và nhân dân địa phương tiếp tục phấn đấu trong các năm tiếp theo.
Qua thời gian đầu triển khai, các quy định đã góp phần thực hiện hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, đồng thời thể hiện quyết tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền, các ngành chức năng trong nâng cao chất lượng, hiệu quả đời sống văn hóa cơ sở, góp phần phát triển kinh tế – xã hội ở mỗi địa phương.
Thiết chế văn hóa cơ sở là một trong những tiêu chí xét tặng danh hiệu xã, phường, thị trấn tiêu biểu.
Tú Anh
Nguồn: https://baothaibinh.com.vn/tin-tuc/19/215620/nang-cao-doi-song-van-hoa-co-so