Sáng 6/6, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì và điều hành của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, tiếp tục chương trình phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 7, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà thay mặt Chính phủ làm rõ các vấn đề thuộc 4 nhóm nội dung chất vấn và trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.
Đại biểu Phan Đức Hiếu, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tham gia chất vấn.
Tham gia chất vấn, đại biểu Phan Đức Hiếu, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình đánh giá, trong thời gian vừa qua Quốc hội, Chính phủ, lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ngành đều rất quyết liệt, có nhiều giải pháp để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong phục hồi sản xuất kinh doanh, ổn định đời sống kinh tế – xã hội. Theo báo cáo, riêng điều hành kinh tế – xã hội năm 2023, Chính phủ ban hành 45 nghị quyết, riêng Thủ tướng Chính phủ có 35 chỉ thị, đây là những quyết tâm, nỗ lực lớn rất đáng ghi nhận. Việc tổ chức triển khai thực thi các giải pháp kịp thời, đầy đủ, hiệu quả là yêu cầu cấp bách và rất quan trọng, đề nghị Phó Thủ tướng cho biết việc tổ chức triển khai thực thi các giải pháp đã đề ra có thách thức gì không? Và nếu có thì trong thời gian sắp tới làm thế nào để chúng ta khắc phục những thách thức này để bảo đảm thực thi kịp thời, đầy đủ, hiệu quả các giải pháp đã đề ra.
Tham gia phát biểu tranh luận, liên quan đến nội dung về chuyển giao công nghệ, đại biểu Nguyễn Văn Thân, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình bày tỏ đồng ý với Phó Thủ tướng Chính phủ là vấn đề đầu tư phải có điều kiện để chuyển giao. Tuy nhiên theo đại biểu, qua kiểm tra cho thấy ngay cả bếp nấu ăn cũng là chủ doanh nghiệp nước ngoài. Cho nên hy vọng vào điều kiện để chuyển giao ở vấn đề hợp đồng là hơi khó. Đại biểu cho rằng không còn cách nào khác, ngoài việc Chính phủ phải đầu tư cho những thành phần, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa…
Phát biểu kết thúc phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, sau 2,5 ngày làm việc nghiêm túc và trách nhiệm, Quốc hội đã hoàn thành toàn bộ chương trình phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV với 4 nhóm vấn đề thuộc trách nhiệm chính của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ trưởng Bộ Công Thương, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Tổng Kiểm toán Nhà nước. Theo phân công của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã thay mặt Chính phủ báo cáo, giải trình rõ thêm về những vấn đề thuộc trách nhiệm điều hành của Chính phủ và trực tiếp trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội. Cùng tham gia trả lời chất vấn có: Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc.
Đại biểu Nguyễn Văn Thân, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh phát biểu tranh luận.
Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn, đã có 193 lượt đại biểu Quốc hội phát biểu, trong đó 162 lượt đại biểu chất vấn, 31 lượt đại biểu tranh luận, có 9 lượt đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình tham gia chất vấn, tranh luận trực tiếp và 1 ý kiến chất vấn bằng văn bản; còn 160 đại biểu đã đăng ký nhưng do hết thời gian, chưa được phát biểu, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các vị đại biểu Quốc hội gửi câu hỏi đến Thủ tướng Chính phủ, các thành viên Chính phủ, các trưởng ngành để được trả lời bằng văn bản theo quy định.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, các nội dung chất vấn đã đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, “đúng” và “trúng” những vấn đề cử tri, nhân dân cả nước và các vị đại biểu Quốc hội quan tâm; tiếp tục khẳng định đây là hình thức giám sát tối cao trực tiếp, hiệu quả của Quốc hội.
Phiên chất vấn diễn ra sôi nổi, dân chủ, thẳng thắn, trên tinh thần xây dựng. Các vị đại biểu Quốc hội qua thực tiễn hoạt động của mình đã nắm chắc tình hình, nghiên cứu kỹ các báo cáo, nêu câu hỏi, cũng như tranh luận ngắn gọn, rõ ràng, thiết thực, đi thẳng vào các vấn đề, hầu hết các đại biểu khi hỏi chỉ nêu 1 vấn đề nên có nhiều đại biểu được chất vấn và cũng thuận lợi trong việc theo dõi, ghi chép và trả lời của chủ tọa, các bộ trưởng, trưởng ngành; nội dung các câu hỏi cơ bản thuộc nội dung, phạm vi chất vấn. Qua quá trình chất vấn, các đại biểu Quốc hội đã thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế, phân tích rõ nguyên nhân và đề xuất giải pháp, với mong muốn Chính phủ, các bộ, ngành tiếp tục có các giải pháp phù hợp, quyết liệt, hiệu quả hơn, vì sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước, đáp ứng niềm tin và sự mong mỏi của cử tri và nhân dân cả nước.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, các nội dung cụ thể về từng lĩnh vực đã được kết luận tại 4 phiên chất vấn. Trên cơ sở chất vấn của các vị đại biểu Quốc hội và trả lời của các thành viên Chính phủ, trưởng ngành, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo các cơ quan liên quan chuẩn bị dự thảo nghị quyết, xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội và trình Quốc hội xem xét, thông qua vào cuối kỳ họp này, làm cơ sở cho việc thực hiện và giám sát việc thực hiện theo quy định.
Buổi chiều, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường về một số nội dung như: xem xét, quyết định nội dung theo thẩm quyền; nghe trình bày tờ trình và báo cáo thẩm tra dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên; tiến hành thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An.
Vũ Sơn Tùng
(Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh)