Trong chuyến công tác Thái Bình tháng 5/2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo: “Thái Bình đất hẹp, người đông; người xưa đã chọn nơi đây là nơi lấn biển. Do đó, tỉnh phối hợp với các bộ, ngành để nghiên cứu, mở rộng không gian phát triển hướng ra biển”. Từ chỉ đạo của Thủ tướng cùng với mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đã đề ra, Thái Bình chú trọng phát huy tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế biển.
Tàu thuyền khai thác hải sản của ngư dân huyện Thái Thụy.
Phát huy tiềm năng, lợi thế với đường bờ biển dài 54km, 5 cửa sông lớn đổ ra biển, bãi triều trên 16.000ha, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đã xác định cụ thể và thống nhất mục tiêu tập trung xây dựng kinh tế biển trở thành trọng điểm kinh tế của tỉnh; góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế – xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền vùng biển, an ninh biên giới quốc gia.
Làm giàu từ biển
Công ty TNHH Khai thác và Chế biến thủy hải sản Nam Thịnh (cụm công nghiệp Cửa Lân, huyện Tiền Hải) đi vào hoạt động từ năm 2020, chuyên chế biến tôm, mực xuất khẩu sang Trung Quốc, Hàn Quốc. Hàng năm, sản lượng xuất khẩu của Công ty đạt 1.000 – 1.500 tấn, doanh thu đạt từ 40 – 50 tỷ đồng. Không chỉ đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế của địa phương, Công ty còn tạo việc làm ổn định cho 15 lao động thời vụ và 20 lao động trực tiếp với thu nhập trung bình 280.000 đồng/người/ngày.
Ông Nguyễn Khắc Đức, quản lý Công ty cho biết: Trong quá trình hoạt động, Công ty luôn được các cấp, ngành và xã Nam Thịnh tạo điều kiện thuận lợi, các vấn đề về an ninh trật tự được bảo đảm. Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, Công ty chủ động tìm kiếm thị trường, ký kết đơn hàng đồng thời cùng bà con ngư dân các xã ven biển huyện Tiền Hải đánh bắt, cung cấp nguyên liệu đầu vào để đáp ứng đơn hàng xuất khẩu.
Với ông Đỗ Quang Bốn, Giám đốc Công ty TNHH Phương Nam (xã Thái Thượng, huyện Thái Thụy), việc đầu tư mô hình nuôi tôm công nghệ cao không chỉ giúp tăng thu nhập cho gia đình, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế của địa phương mà còn tạo việc làm cho 4 – 5 lao động thường xuyên với thu nhập trung bình từ 7 – 8 triệu đồng/người/tháng.
Ông Bốn chia sẻ: Được sự ủng hộ của gia đình, người thân và cấp ủy, chính quyền địa phương, năm 2000 tôi mạnh dạn đầu tư xây dựng trại sản xuất tôm sú giống và thành lập Công ty TNHH Phương Nam. Trải qua 23 năm, Công ty không ngừng phát triển, doanh thu trung bình hàng năm đạt từ 20 – 30 tỷ đồng. Từ quy mô ban đầu chỉ sản xuất tôm giống với diện tích 9.000m2, ông Bốn đã mở rộng sang nuôi tôm thương phẩm với diện tích 5,5ha, đồng thời nghiên cứu, chuyển giao công nghệ nuôi tôm trong nhà bạt cho hơn 20ha của người dân địa phương, từ đó tăng số vụ nuôi tôm từ 2 lên 4 vụ/năm, nâng cao hiệu quả kinh tế cho gia đình.
Là xã ven biển có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế biển, trong đó lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, chế biến và khai thác hiện đang phát triển tương đối mạnh, thời gian qua, xã Nam Thịnh (Tiền Hải) đã có nhiều giải pháp để phát huy tốt tiềm năng, lợi thế từ biển.
Ông Bùi Kiên Quyết, Chủ tịch UBND xã cho biết: Toàn xã hiện có gần 1.400ha diện tích nuôi trồng thủy sản với gần 600 hộ nuôi và hơn 200 phương tiện đánh bắt trung và gần bờ. Năm 2023, tổng giá trị sản xuất của xã ước đạt gần 1.100 tỷ đồng, tăng 13% so với năm 2022, trong đó thu nhập từ kinh tế biển chiếm khoảng 65% cơ cấu kinh tế của địa phương. Xã tạo mọi điều kiện để các doanh nghiệp, cá nhân được tiếp cận các nguồn vốn, bảo đảm an ninh trật tự, đồng thời đề nghị nhà nước đầu tư cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hệ thống giao thông để tạo thuận lợi trong quá trình vận chuyển hàng hóa phục vụ xuất nhập khẩu.
Chế biến tép xuất khẩu ở Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Hoàng Phương (Tiền Hải).
Phát huy lợi thế
Những năm qua, Thái Bình đã có nhiều chủ trương, giải pháp phát huy lợi thế từ biển nhằm phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia và nâng cao đời sống nhân dân vùng ven biển. Đây là khu vực có vị trí thuận lợi cho phát triển kinh tế tổng hợp, đa ngành, đa lĩnh vực; kết nối giao thông đường thủy, đường bộ thuận tiện với các tỉnh, thành phố trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ; có các tuyến quốc lộ 37, 37B, 39, tỉnh lộ 456 đi qua, đặc biệt là tuyến đường bộ ven biển giúp rút ngắn đáng kể khoảng cách và thời gian di chuyển từ khu vực ven biển Thái Bình đến cảng biển nước sâu Đình Vũ, Lạch Huyện và sân bay quốc tế Cát Bi (Hải Phòng), sân bay Vân Đồn, cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh) và các tỉnh, thành phố khu vực duyên hải Bắc Bộ. Khu vực này còn có lợi thế rất lớn về nguồn năng lượng điện, than và khí đốt tự nhiên, bờ biển dài, bãi triều bồi rộng, cảnh quan thiên nhiên ven biển thuần khiết, đa dạng sinh học, thuận lợi cho nuôi trồng, đánh bắt thủy sản và phát triển dịch vụ, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng.
Ngư dân huyện Thái Thụy khai thác hải sản.
Để phát huy tốt những lợi thế đó, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đã xác định một trong những mục tiêu quan trọng là tập trung xây dựng kinh tế biển trở thành trọng điểm kinh tế của tỉnh. Nhằm cụ thể hóa nghị quyết, các ngành, cấp ủy, chính quyền các địa phương trong tỉnh đã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện hiệu quả các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế biển. Ngành nông nghiệp tăng cường chỉ đạo nông dân các địa phương ứng dụng khoa học công nghệ trong nuôi trồng, khai thác, chế biến thủy sản theo chuỗi giá trị, đáp ứng yêu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu; tổ chức đánh giá hiện trạng, trữ lượng nguồn lợi thủy sản vùng biển Thái Bình định kỳ 5 năm/lần; tổ chức điều tra, đánh giá nghề cá thương phẩm theo chuyên đề; phát triển các mô hình tổ đội, hợp tác xã đồng quản lý, liên doanh, liên kết chế biến, tiêu thụ thủy sản.
Cùng với ngành nông nghiệp, các địa phương ven biển cũng tích cực triển khai các giải pháp nhằm xây dựng kinh tế biển trở thành trọng điểm kinh tế của tỉnh. Là một trong hai huyện ven biển đang đón làn sóng đầu tư mới, được ví như “cánh tay phải” của tỉnh trong hành trình chinh phục biển, những năm gần đây kinh tế biển của huyện Tiền Hải ngày càng khẳng định vai trò, vị thế trong cơ cấu kinh tế chung của tỉnh. Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXVIII, nhiệm kỳ 2020 – 2025, trên cơ sở tiềm năng, lợi thế của mình, Tiền Hải đã triển khai các nhiệm vụ, tập trung trên tất cả các lĩnh vực, phát triển đô thị lên 30%, là huyện có kinh tế tăng trưởng mạnh, là điểm đến đầu tư đối với các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Giai đoạn 2021 – 2023, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân của huyện ước tăng hơn 11%.
Ông Đỗ Văn Trịnh, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Việc khai hoang lấn biển, tạo ra vùng đất mới vừa là truyền thống vừa là khát vọng của nhiều đời người dân Tiền Hải. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXVIII đã đề ra 3 đột phá phát triển kinh tế, trong đó có phát triển khu kinh tế biển với các khu đô thị, khu công nghiệp và khu thương mại, dịch vụ, nuôi trồng thủy hải sản công nghệ cao nhằm bảo đảm phát triển hiệu quả, bền vững. Từ các chủ trương đó, huyện đã triển khai đồng bộ các giải pháp với quan điểm xuyên suốt là đẩy mạnh phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường sinh thái ven biển, bảo đảm phát triển bền vững cả trước mắt cũng như lâu dài trong sự phát triển chung của huyện và của tỉnh.
Trên địa bàn tỉnh hiện có gần 15.700ha nuôi trồng thủy sản, trong đó có gần 173ha nuôi trồng thủy sản trong ao bán nổi, tăng 19,57ha so với năm 2022; 692 lồng nuôi cá, ếch và 700 bè nuôi hàu cửa sông; 741 tàu cá với công suất 101.862KW. Năm 2023, giá trị sản xuất ngành thủy sản ước đạt 5.938 tỷ đồng, gấp 1,11 lần năm 2020, tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021 – 2023 đạt 3,5%/năm. |
(còn nữa)
Minh Hương – Trần Tuấn