Trong 3 trụ cột của chuyển đổi số (CĐS): chính quyền số, kinh tế số và xã hội số thì kinh tế số được coi là “chìa khóa” thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Xác định tầm quan trọng của kinh tế số, thời gian qua, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, HTX… trên địa bàn tỉnh đã đẩy mạnh CĐS trong hoạt động sản xuất, kinh doanh để tạo giá trị kinh tế.
Người lao động Công ty Tân Đệ thực hiện các thao tác thông qua phần mềm ứng dụng.
Doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh thích ứng với chuyển đổi số
Cơ sở sản xuất chiếu cói Thân Vui, thôn Vũ Hạ, xã An Vũ (Quỳnh Phụ) do anh Nguyễn Văn Quý làm chủ. Trước đây, việc bán hàng chủ yếu là giao dịch trực tiếp tại cơ sở và mang đi giao tại các đầu mối, do vậy số lượng hàng hóa xuất bán thấp. Từ khi tham gia chương trình OCOP và đạt chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao, bán trên sàn thương mại điện tử (TMĐT), sản phẩm của cơ sở được nhiều khách hàng trong và ngoài nước biết đến, nhờ đó đơn hàng tăng nhiều so với trước.
Anh Quý chia sẻ: Trước kia bán hàng theo phương thức truyền thống, cơ sở chỉ quan tâm đến chất lượng. Khi sản phẩm đạt chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao đã thay đổi tư duy sản xuất, kinh doanh để kịp thời thích ứng. Cùng với quan tâm đến chất lượng, cơ sở quan tâm nhiều hơn đến mẫu mã, các kênh bán hàng. Ngoài sàn TMĐT, chúng tôi còn livestream bán hàng trên facebook… tạo thuận lợi trong việc tiêu thụ sản phẩm, giúp sản phẩm vươn xa. Hiện tại, trung bình mỗi tháng cơ sở bán được khoảng 10.000 đôi chiếu, tăng gấp 3 lần so với hình thức bán hàng truyền thống.
Với các doanh nghiệp (DN), nhất là DN quy mô hàng nghìn công nhân, thực tế quá trình CĐS đã diễn ra song hành với hoạt động sản xuất, kinh doanh. Song khi có dịch bệnh hay sự cạnh trạnh về giá thành, chất lượng sản phẩm, thị trường tiêu thụ thì quá trình CĐS càng trở nên rõ nét hơn. Công ty Cổ phần Sản xuất hàng thể thao Chi nhánh Thái Bình (Công ty Tân Đệ) với 10 nhà máy và gần 20.000 lao động, hơn 2 năm đại dịch Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp rất nhiều khó khăn. Trước thách thức đó, Công ty buộc phải thay đổi tư duy, đổi mới phương thức hoạt động để thích ứng với đòi hỏi thực tế.
Ông Lê Tuấn Thiên, Bí thư Đảng ủy Công ty cho biết: Xác định tầm quan trọng của quá trình CĐS trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, Công ty đã có những giải pháp, định hướng chiến lược, trong đó trọng tâm là xây dựng thị trường và xây dựng lực lượng lao động. Công ty đẩy mạnh đầu tư cho CĐS từ hệ thống quản trị, điều hành, trang thiết bị, công cụ phục vụ công tác quản lý, thống kê, xây dựng kế hoạch sản xuất… Hiện nay Tân Đệ là DN đi đầu trong thực hiện chữ ký số. Các nhà máy của Công ty đều quản lý con người trên hệ thống phần mềm hiện đại; người lao động được đào tạo để từng bước làm chủ các phương tiện kỹ thuật cao và ứng dụng công nghệ thông tin trong các khâu từ điều hành đến sản xuất. Nhờ đó, doanh thu của Công ty tăng trưởng đều qua các năm, việc làm và thu nhập của người lao động luôn ổn định.
Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp An Ninh (Quỳnh Phụ) khai trương điểm bán và giới thiệu sản phẩm OCOP.
Cần chuyển đổi số theo hướng bền vững
CĐS là quá trình liên tục, lâu dài, trong đó phải coi kinh tế số là trụ cột để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Xác định rõ điều này, thời gian qua, các sở, ngành, địa phương trong tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch CĐS và triển khai thực hiện hiệu quả. Tại Sở Công Thương, Sở đã xây dựng kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT giai đoạn 2021 – 2025, đề ra một số mục tiêu phát triển TMĐT giữa các vùng kinh tế, ứng dụng TMĐT trong DN; mục tiêu về phát triển nguồn nhân lực cho TMĐT…
Bà Ngô Thị Liên, Trưởng phòng Xuất nhập khẩu (Sở Công Thương) cho biết: Trên tinh thần chỉ đạo của UBND tỉnh về CĐS, Sở Công Thương xây dựng kế hoạch phối hợp với các sở, ngành, DN, địa phương tập trung phát triển sàn TMĐT, trong đó chú trọng nâng cao năng lực quản lý và tổ chức hoạt động TMĐT; đẩy mạnh ứng dụng TMĐT hỗ trợ các ngành hàng xuất khẩu chủ lực, mở rộng thị trường tiêu thụ cho hàng hóa nội địa và thúc đẩy phát triển TMĐT tại các địa phương; đồng thời, tập trung phát triển và ứng dụng các công nghệ mới trong TMĐT cũng như hỗ trợ quá trình CĐS của DN…
Từ năm 2021 đến nay, Sở Công Thương đã hỗ trợ 6 DN tham gia quảng bá và bán hàng trên các sàn TMĐT uy tín như Alibaba, Sendo, Shopee; 2 DN và 1 HTX đã xây dựng bộ thương hiệu trực tuyến; 3 HTX, hộ kinh doanh xây dựng giải pháp bán hàng thông minh; 3 HTX, hộ kinh doanh xây dựng phần mềm bán hàng thông minh; hỗ trợ 40 DN, HTX, hộ kinh doanh quảng bá, giới thiệu sản phẩm trên các website uy tín của Bộ Công Thương; hỗ trợ xây dựng website bán hàng cho 51 DN, HTX, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh; duy trì sàn TMĐT tỉnh Thái Bình tại địa chỉ http://ecthaibinh.com, trên sàn đã có 310 gian hàng đăng ký tham gia với gần 2.500 sản phẩm công nghiệp, nông nghiệp tiêu biểu của tỉnh, bên cạnh đó còn liên kết sàn với các tỉnh nhằm hỗ trợ quảng bá sản phẩm của nhau.
Với các HTX, đến nay hầu hết đều đã ứng dụng thành công CĐS trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, việc ứng dụng lợi thế của CĐS chưa đồng đều. Ông Trần Văn Toản, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh cho biết: CĐS giúp các HTX mở rộng thị trường tiêu thụ, đánh giá được chất lượng và nâng cao giá trị sản phẩm, giúp cho việc quản lý, điều hành được tốt hơn. Song CĐS với các HTX, nhất là các HTX DVNN cần một quá trình lâu dài. Đến nay, trong tổng số 463 đơn vị trực thuộc, số đơn vị ứng dụng hiệu quả CĐS cho hoạt động sản xuất, kinh doanh mới chiếm khoảng 1/4, do vậy thời gian qua Liên minh HTX tỉnh tập trung nâng cao nhận thức cho các HTX trong việc thích ứng với CĐS. Năm 2023, Liên minh HTX tỉnh đã tổ chức 6 lớp tập huấn liên quan đến CĐS cho hơn 600 đối tượng là thành viên các HTX; tổ chức kết nối cung cầu thông qua sàn giao dịch TMĐT… nhằm kết nối, quảng bá sản phẩm.
CĐS là xu hướng tất yếu, vì vậy các DN, cơ sở sản xuất, kinh doanh, HTX… cần hiểu rõ và có chiến lược thực hiện cụ thể, có sự đầu tư đúng đắn, trong đó cần tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng, con người để từng bước hướng tới xây dựng DN số.
Các doanh nghiệp đầu tư dây chuyền máy móc hiện đại để nâng cao năng suất.
Nguyễn Cường