Năm 2024, Kiến Xương phấn đấu tổng giá trị sản xuất tăng 10,50% so với năm 2023. Tuy nhiên, 9 tháng đầu năm, tổng giá trị sản xuất của huyện ước đạt trên 10.500 tỷ đồng, tăng 5,76% so với cùng kỳ, thấp hơn mức tăng của cùng kỳ năm trước, đạt 54,8% kế hoạch năm. Xác định rõ nguyên nhân, những tháng cuối năm, Huyện ủy, UBND huyện sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp để đạt được mục tiêu cao nhất.
Sản xuất tại Công ty TNHH Đồ dùng thể thao Thái Hòa (cụm công nghiệp Vũ Ninh, Kiến Xương).
Khó khăn chồng chất
Một trong những nguyên nhân được xác định tăng trưởng thấp là do sản xuất nông nghiệp gặp nhiều bất lợi do ảnh hưởng của bão số 3 và mưa, lũ sau bão.
Ông Đinh Công Mấn, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện khẳng định: 6 tháng đầu năm, sản xuất nông nghiệp đạt được các chỉ tiêu đề ra, xếp thứ hai toàn tỉnh về tốc độ tăng trưởng; nếu cứ giữ đà đó chắc chắn 9 tháng và cả năm 2024 sẽ bảo đảm vượt chỉ tiêu tăng trưởng 2,35%. Tuy nhiên, do chịu thiệt hại từ bão số 3 nên 9 tháng tăng trưởng thấp, chỉ đạt 1,73%. Nhiều chỉ số giảm mạnh so với các năm trước như năng suất lúa ước tính chỉ đạt dưới 50 tạ/ ha, cộng với hơn 600ha cây rau màu, 500ha thủy sản bị ảnh hưởng, thiệt hại cùng nhiều thiệt hại khác về hệ thống thủy lợi nên lĩnh vực nông nghiệp khó bảo đảm chỉ tiêu đề ra.
Đánh giá về sản xuất công nghiệp, ông Phạm Văn Quảng, Trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện cho biết: Toàn huyện có hơn 400 doanh nghiệp, trong đó có khoảng 130 doanh nghiệp chuyên về dệt may, dệt sợi, giày da, những doanh nghiệp này chiếm khoảng 70% giá trị sản xuất công nghiệp của huyện. 9 tháng qua, mặc dù số lượng và giá trị đơn hàng của các doanh nghiệp dệt may có cao hơn năm ngoái, nhiều doanh nghiệp công nhân đã phải tăng ca, làm thêm giờ tuy nhiên so với 3 năm trở về trước vẫn giảm từ 30 – 40% về giá trị đơn hàng. Tốc độ đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp chậm, nhiều doanh nghiệp sản xuất giày da, may mặc còn bị thiếu hụt về nguồn lao động. Trong các cụm công nghiệp (CCN) cũng chưa có nhiều chuyển biến, điển hình như CCN Cồn Nhất, nhà đầu tư rất muốn xây dựng hạ tầng kỹ thuật nhưng chưa có kế hoạch sử dụng đất, CCN Trung Nê mặc dù đã giải phóng xong mặt bằng nhưng nhà đầu tư hạ tầng chưa xây dựng trạm xử lý nước thải tập trung nên chưa có nhà đầu tư thứ cấp vào đầu tư. Một số nhà đầu tư không có tiềm lực, không mặn mà trong việc đầu tư, cụ thể như nhà đầu tư vào CCN Vũ Quý, mặc dù đã có quyết định mở rộng CCN từ năm 2017 nhưng đến nay vẫn không triển khai thực hiện; hay như CCN Bình Minh, mặc dù huyện quyết liệt thực hiện giải phóng mặt bằng hoàn thành từ trước tết Nguyên đán năm 2024 nhưng đến nay vẫn chưa đầu tư xây dựng hạ tầng. Từ những lý do trên khó có sự đột phá trong sản xuất công nghiệp bởi từ nay tới cuối năm chưa thể có doanh nghiệp mới nào đầu tư vào CCN.
Làng nghề dệt đũi Nam Cao đã được khôi phục và phát triển trở lại.
Dồn sức tăng tốc
Xác định rõ những vấn đề đặt ra, Huyện ủy, UBND huyện đã họp bàn, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng phòng, ban và các địa phương.
Ông Hoàng Việt Huy, Chủ tịch UBND huyện cho biết: Bức tranh kinh tế còn nhiều khó khăn, huyện xác định khó phát triển mạnh về lĩnh vực công nghiệp nên trước mắt sẽ tập trung đầu tư phát triển nông nghiệp. Theo đó, sẽ quy vùng sản xuất hàng hóa, đầu tư vào hệ thống giao thông thủy lợi nội đồng, quy hoạch trạm bơm vào những vùng trũng để tránh tình trạng ngập úng kéo dài gây thiệt hại nặng như bão số 3 vừa qua. Tiếp tục phát huy và mở rộng các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, các mô hình nông nghiệp có hiệu quả, sản phẩm nông nghiệp chủ lực của huyện như mô hình lúa rươi ở xã Hồng Tiến, Trà Giang, lúa hữu cơ xã Bình Định để đầu tư xây dựng hệ thống giao thông thủy lợi nội đồng, xây dựng sản phẩm đặc thù cho từng địa phương. Bên cạnh việc tập trung khắc phục hậu quả bão số 3, huyện sẽ phấn đấu mở rộng diện tích gieo trồng cây vụ đông đạt 4.500ha trở lên bằng việc tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ tập trung đất đai, thuê, mượn ruộng để sản xuất và hỗ trợ giống khoai tây, rau màu chủ lực bằng nguồn kinh phí của tỉnh, của huyện. Đẩy mạnh phát triển chăn nuôi, tăng quy mô đàn gia súc, gia cầm; xây dựng và phát triển các sản phẩm OCOP như dệt đũi Nam Cao, rau má thủy canh, gạo hữu cơ Bình Định. Tiếp tục khôi phục một số diện tích nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại do bão số 3 gây ra ở các xã Minh Tân, Vũ Hòa, Vũ Bình bằng việc đắp bờ bao, hàn khẩu để người dân tái sản xuất. Trong lĩnh vực công nghiệp, Kiến Xương tiếp tục giải phóng mặt bằng, thu hút các nhà đầu tư thứ cấp vào các CCN. Huyện sẽ rà soát lại những nhà đầu tư hạ tầng kỹ thuật CCN, tạo điều kiện thuận lợi cho những đơn vị có tiềm lực để kêu gọi thu hút đầu tư, đồng thời thực hiện giám sát đầu tư, yêu cầu các nhà đầu tư hạ tầng xây dựng theo đúng tiến độ cam kết, tránh tình trạng giữ đất không xây dựng, hoặc xây cầm chừng, gây lãng phí nguồn tài nguyên đất đai, làm chậm tiến độ phát triển của huyện. Bên cạnh đó, huyện sẽ tiếp tục phát triển làng nghề theo hướng đẩy mạnh quảng bá thương hiệu cho làng nghề để khi nói đến chạm bạc là phải nói tới Đồng Xâm, nói tới dệt đũi là phải nói về Nam Cao… Chỉ có thế làng nghề mới không bị mai một và mới có chỗ đứng vững chắc trên thị trường.
Ông Hoàng Việt Huy khẳng định: Dù khó nhưng huyện sẽ bàn làm chứ không bàn lùi để phấn đấu đạt được mục tiêu cao nhất. Cùng với việc đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng xây dựng các tuyến đường trọng điểm đi qua địa bàn huyện chắc chắn thu đầu tư trên địa bàn huyện sẽ khởi sắc hơn trong thời gian tới.
Các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao ở Kiến Xương đang được phục hồi sản xuất trở lại.
Thu Thủy
Nguồn: https://baothaibinh.com.vn/tin-tuc/4/210055/kien-xuong-no-luc-thuc-day-tang-truong-kinh-te